.

"Tree Hugger Café" và cuộc sống "xanh" mỗi ngày

Thứ Sáu, 09/12/2016, 16:09 [GMT+7]

(QBĐT) - “Tree Hugger Café” được dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Cà phê Người Ôm Cây”, đây cũng là tên của một quán cà phê nhỏ nằm trên đường Nguyễn Du (TP. Đồng Hới), bên dòng sông Nhật Lệ xanh trong, thơ mộng. Quán cà phê được mở ra với ý tưởng tạo nên một không gian riêng cho mọi người đến để khám phá những điều nhỏ, để đọc sách, tận hưởng bầu không khí ấm cúng và dành cho cả những mộng mơ. Đặc biệt, đến với Tree Hugger chúng ta sẽ được tiếp cận các thông điệp, tài liệu nói về việc bảo vệ môi trường và những vật dụng tạo nên cuộc sống “xanh” mỗi ngày.

 

Những bộ bàn ghế khác lạ và độc đáo.
Những bộ bàn ghế khác lạ và độc đáo.

Vì sao lại là “Người Ôm Cây”?

Đó là câu hỏi đầu tiên của tất cả mọi người khi biết đến quán cà phê. Để trả lời thắc mắc đó, anh Bùi Quang Thịnh, chủ quán cà phê Tree Hugger cho biết: Năm 1730, ở làng Khejarli (Ấn Độ) đã xuất hiện phong trào “Người ôm cây”.

Phong trào bắt đầu với 363 người do Amrita Devi dẫn đầu, đã hy sinh thân mình để bảo vệ những cây Khejri, được coi là cây thiêng của dân làng, bằng cách ôm chặt vào thân cây, làm lều ở trên cây để ngăn không cho những thợ đốn cây của chính quyền địa phương chặt hạ chúng. Ngày nay, thuật ngữ “tree hugger” (người ôm cây) được sử dụng để chỉ chung những người hoạt động vì môi trường.

“Với cái tên “Người Ôm Cây” mang theo nhiều trách nhiệm, chúng tôi sẽ cố gắng để những hành động và những sáng kiến nhỏ góp phần chút ít trong việc nâng cao nhận thức cho mọi người về môi trường tự nhiên”, anh Thịnh chia sẻ.

Là một người con đến từ đất võ Bình Định, anh Thịnh tham gia làm Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng tại Quảng Bình, dự án bảo tồn, làm giảm áp lực lên môi trường khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Anh là thành viên của Hợp phần GIZ, nhóm nghiên cứu, tạo ra các mô hình sinh kế cho người dân vùng đệm Phong Nha, nhằm tạo việc làm cho người dân, qua đó giảm áp lực của họ khi sống dựa vào rừng. Trong số các mô hình sinh kế anh Thịnh tham gia, có mô hình mây tre đan hỗ trợ cho các đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh cho biết: “Trong quá trình tham gia hỗ trợ người dân, tôi thấy các sản phẩm làm ra rất đẹp và kỳ công nên muốn giới thiệu đến mọi người khắp nơi về sản phẩm này cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các sản phẩm đó.

Từ đó tôi quyết định mở một quán cà phê nhỏ, muốn du khách đến đây để vừa thưởng thức những đồ uống tươi mát, vừa chiêm ngưỡng, khám phá những nét văn hóa truyền thống dân tộc khác nhau. Cùng với đó là những thông điệp tuyên truyền bảo vệ môi trường tại quán cà phê, điều mà tôi luôn tâm huyết và có phần gắn kết đến công việc của bản thân”.

Các sản phẩm mây tre đan được trưng bày ở quán Tree Hugger.
Các sản phẩm mây tre đan được trưng bày ở quán Tree Hugger.

Không gian thân thiện với môi trường

Sau những lần đặt lịch hẹn cùng ông chủ trẻ bận rộn, chúng tôi cũng đã thu xếp được buổi gặp mặt vào một chiều đầu đông. Dẫu cái lạnh se sắt đầu đông khá khó chịu, nhưng khi bước chân vào quán cà phê Tree Hugger lại thấy rất ấm áp bởi một không gian nhỏ xinh, gần gũi. Và điều ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là sự bày trí của những cây xanh, cây to, cây nhỏ, những bình hoa nhỏ xinh... có mặt hầu hết trong không gian của quán, tạo nên một cảm giác hòa quyện cùng thiên nhiên.

Bên cạnh đó, quán còn sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như tre, gỗ, đồ gốm... hay những thứ tưởng chừng đã bị bỏ đi như giấy báo, bóng đèn, chai thủy tinh cũng được ông chủ trẻ Bùi Quang Thịnh cùng các cộng sự mày mò tái chế sử dụng thành lọ hoa, thiệp, cuốn menu... vô cùng dễ thương và hữu ích.

Đặc biệt, những cây xanh bị người ta loại bỏ, vứt ở một góc nào đó, nếu vô tình nhìn thấy anh Thịnh sẽ lập tức mang về trồng, chăm sóc, bởi theo anh mỗi loài cây đều có linh hồn, mình trồng thêm một loại cây là có thêm một người bạn và lại đỡ một phần kinh phí vì không phải đi mua.

Ở một góc khác của Tree Hugger, anh Thịnh giới thiệu cho chúng tôi thấy cả một “thế giới” đan lát tuyệt đẹp được bày bán với những chiếc gùi, giỏ, bình đựng vật dụng trong nhà do đồng bào Khùa, Vân Kiều trong tỉnh làm ra.

Ngoài ra còn có những chiếc túi thổ cẩm nhỏ xinh của người dân tộc Mông, Thái hay túi vải cotton nhiều kích cỡ được các thành viên của quán dùng đựng đồ mỗi khi đi chợ, mua sắm, nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông. Thú vị hơn là, những khách hàng đến quán nếu quan tâm muốn mua túi vải cotton này sẽ được quán khuyến mãi mua một tặng một, với mong muốn mọi người dần “nói không với túi ni lông”.

Tree Hugger còn là không gian lý tưởng cho những ai yêu thích đọc sách, tìm hiểu về thiên nhiên, con người Quảng Bình qua những trang sách, bức ảnh. Đặc biệt, với mong muốn truyền tải những kiến thức về việc bảo vệ môi trường, trong những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh của quán vào khoảng 5-6 giờ chiều ngày chủ nhật hàng tuần (câu lạc bộ gồm tất cả mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên, người đi làm có một chút kiến thức và hứng thú với tiếng Anh), anh Thịnh đã lồng ghép vào các chủ đề như: nói chuyện về loài tê giác, vấn đề bảo vệ môi trường biển, sự đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng...

Anh Thịnh (giữa) trao đổi về sách môi trường với các nhân viên của quán trong thời gian rảnh.
Anh Thịnh (giữa) trao đổi về sách môi trường với các nhân viên của quán trong thời gian rảnh.

Ngoài ra, những người bạn đến với Tree Hugger còn để lại nhiều ghi chú, danh ngôn cảm nhận về cuộc sống cũng như các thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh có mặt khắp nơi trong quán bằng tiếng Việt và tiếng Anh được tạm dịch như: “Không hút thuốc”, “Tôi yêu cây”, “Đừng chờ đợi ai đó mang hoa đến cho bạn mà hãy tự mình trồng một khu vườn của riêng mình và tô điểm làm cho thế giới xanh hơn”, “Nếu chúng ta tin vào sự tiến hóa, điều đó có nghĩa tự nhiên là mẹ của chúng ta. Hãy nghĩ cách để đối xử với mẹ”, hay “Cây cũng như người, cần được yêu thương chăm sóc”...

Anh Kenneth Gool, một du khách đến từ Đan Mạch chia sẻ: “Chúng tôi rất thích nơi này, những cây xanh nhỏ, những đồ vật bài trí nơi đây đều rất tuyệt vời. Nơi đây rất khác biệt với những nơi mà chúng tôi đã từng được đến, đó là tất cả mọi thứ đều thân thiện với môi trường”.

Dẫu đã làm được rất nhiều điều ý nghĩa nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, anh Thịnh vẫn luôn bảo rằng: Thực sự chúng tôi chưa làm được gì nhiều để có thể trở nên “thân thiện với môi trường hơn”, “xanh hơn” hoặc “bền vững hơn”. Chúng tôi vẫn còn rất xa để trở nên “xanh” 100%.

Lê Mai