.

Ghi dưới chân núi Giăng Màn - Bài 1: K Oóc gần mà xa

Thứ Sáu, 21/10/2016, 14:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày cuối thu, tôi lại vượt quãng đường dài để lên với vùng Lòm, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Buổi sáng tinh mơ, tiết trời vùng cao bắt đầu se lạnh, trên đỉnh Giăng Màn vẫn còn mờ sương. Sau những ngày mưa lũ, con đường vào các bản nằm dưới chân núi Giăng Màn càng gập ghềnh bởi sạt lở đất và nước lũ xói mòn. Ở nơi đó, đời sống của cán bộ, giáo viên và nhân dân vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn có niềm tin mãnh liệt ở cuộc sống, yêu thương che chở nhau trong mọi hoàn cảnh.

So với các bản nằm trên tuyến đường vào vùng Lòm, xã Trọng Hóa, (huyện Minh Hóa) thì K Oóc là bản gần trung tâm xã nhất. Tuy nhiên, bản nằm giữa cánh rừng già hoang vu và hoàn toàn cô lập với bên ngoài. Có 3 con đường mòn lên bản nhưng tất cả đều phải đi bộ, trèo đèo lội suối mất hàng giờ đồng hồ mới tới nơi. Cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn vất vả với gần 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo.

Niềm vui lớn nhất của người dân bản K Oóc là được xem phim.
Niềm vui lớn nhất của người dân bản K Oóc là được xem phim.

Trước đây tôi đã có 3 lần đến với bản K Oóc từ 3 con đường rừng khác nhau. Lần đầu tiên vào năm 2011, tôi lên viết bài về cô giáo mầm non cắm bản. Từ UBND xã đến bản Hà Nôông chừng 15km, chúng tôi gửi xe rồi đi bộ xuống một con dốc chừng 50m là đến khe Dọi.

Thời điểm đó, nước khe dâng cao và chảy xiết hơn. Gần 10 phút dò dẫm dưới dòng nước đục, rộng chừng 30m, chúng tôi mới đến được bờ bên kia. Lại lên một con dốc, gặp mấy ngôi nhà sàn và một điểm Trường tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa lộ ra trước mắt. Anh Hồ Thoong - người dẫn đường nói: "Đây mới là đầu bản K Oóc.

Đến trung tâm bản phải đi bộ, leo dốc hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi”. Trời vẫn nắng rát như đổ lửa. Đường càng đi càng dốc nên ai cũng tỏ ra mệt mỏi. Trên con đường này còn có rất nhiều học sinh các cấp đi đến trường. Người dân muốn ra vào trung tâm xã cũng thường đi qua đây. Rồi cứ thế, chúng tôi tiếp tục đi giữa khu rừng hoang vắng, vượt qua những con dốc cao và nhiều con suối để đến bản.

Lần thứ 2 tôi theo đoàn chiếu phim lưu động lên với bản. Chúng tôi dừng chân ở bản Ra Mai để theo tuyến đường công vụ xây dựng thủy điện La Trọng đi vào. Từ bản Ra Mai qua bản K Oóc chỉ cách nhau một con khe Dọi và một ngọn núi. Nhìn xa xa, bản hiện ra trước mắt cách vị trí chúng tôi đang đứng chừng hơn 1km theo đường chim bay.

Tại vị trí dừng xe, trưởng bản Hồ Ka gọi những trai bản khỏe mạnh, giúp đoàn buộc toàn bộ máy móc rồi lên đường. Lúc này, mặt trời đã ngả về phía tây nhưng cái nắng biên cương vẫn như thiêu như đốt. Không ai bảo ai, dân bản cứ mỗi người một việc như được phân công trước: gùi, khiêng, vác dụng cụ lên bản.

Từ vị trí xuất phát, chúng tôi phải đổ xuống con dốc vòng quanh ngọn núi chừng 500 mét mới tới khe  Dọi. Tới bờ khe thì trời bất chợt đổ mưa. Cơn mưa rừng xối xả kéo theo dòng nước đục ngầu từ nước bạn Lào đổ về. Dòng nước hiền hòa bỗng nổi lên cuồn cuộn như thách thức anh em trong đoàn. Để vượt qua dòng nước lớn, trưởng bản Hồ Ka cho trai tráng khiêng máy móc qua trước. Mưa càng ngày càng nặng hạt nên cả đoàn phải lột hết áo mưa để che chắn cho máy móc khỏi bị ướt. Nước khe lên nhanh, có chỗ sâu ngang ngực, cả đoàn chúng tôi phải vật lộn với dòng nước hung dữ gần 15 phút mới qua được.

Hết chinh phục khe, đoàn bắt đầu leo núi trong cơn mưa rừng. Chúng tôi men theo con dốc thoai thoải dọc bờ khe Dọi về phía tây chừng 1 cây số, đoàn khiêng máy bắt đầu rẽ phải để leo dốc lên bản. Đoạn đường này không quá 500m nhưng dốc thẳng đứng. Con dốc lên bản trời khô ráo đi đã khó, gặp hôm trời đổ mưa lại càng thêm trơn trợt. Mấy thanh niên đi trước khiêng máy thỉnh thoảng té ngã vì đạp phải đá trơn. Các thành viên trong đội chiếu bóng cũng không tránh khỏi những cú trượt té. Qua con dốc cao này, đoàn phải đi xuyên qua một cánh rừng nữa mới chạm bản K Oóc.

Lần thứ 3 tôi đến K Oóc bằng con đường rừng khác. Sau khi dừng xe ở bản Hưng, chúng tôi lại leo dốc lên bản Ông Tú mất một giờ đồng hồ. Từ đây, tôi với một đồng nghiệp và người dẫn đường cắt qua một cánh rừng già được dân bản bảo vệ nghiêm ngặt. Con đường nối hai bản tương đối bằng phẳng, hai bên có những đồi tranh rộng hàng chục ha xanh ngút ngàn. Phía xa xa là đỉnh núi Giăng Màn cao chót vót, mây phủ quanh năm. Sau cuộc hành trình đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được bản.

Sau vài năm, lần này tôi trở lại, đường lên K Oóc tuy đỡ vất vả hơn khi một nhóm thiện nguyện đã phối hợp với Đoàn xã Trọng Hóa ăn, ngủ nơi đây hơn 10 ngày đêm để mở “Con đường cho em” dài 6km, rộng 2 mét xuyên qua cánh rừng nối từ xóm Dừa lên tới bản K Oóc, giúp cho học sinh và người dân đi lại đỡ vất vả hơn.

Cùng với con đường, một cây cầu treo mới cũng được xây dựng từ bản Hà Nông qua xóm Dừa của bản K Oóc đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đường lên K Oóc vẫn còn rất nhiều khó khăn vất vả vì phải đi bộ. Do mưa lũ, đường bị sạt lở và rất trơn trợt, nhiều học sinh đến lớp xong phải quay về lại vì té ngã khiến quần áo bẩn và ướt hết.

Trưởng bản Hồ Liên nói: “Bản K Oóc miềng có 37 hộ dân với 194 nhân khẩu. Đồng bào đều là người Khùa thuộc dân tộc Bru- Vân Kiều. Dân bản vẫn sống trong cảnh “nhiều không” (không điện, không đường, không trường...). Hầu hết hộ dân đều thuộc diện nghèo nên con em đến lớp còn thiếu thốn rất nhiều thứ, nhưng các em vẫn chăm chỉ học hành, không có em nào bỏ học giữa chừng. Học sinh và bà con dân bản nơi đây thường đi lại bằng đường rừng, qua nhiều con đèo, con suối mới đến đường giao thông”.

Hiện cả bản có gần 70 học sinh từ cấp mầm non đến THPT. Hàng ngày, các em từ cấp 1 trở lên đều phải trèo đèo lội suối đi học. Trên bản chỉ có mỗi lớp học mầm non với  ngôi nhà tạm và hai cô giáo cắm bản.

Hàng trăm thanh niên tình nguyện đang mở đường lên bản K Oóc.
Hàng trăm thanh niên tình nguyện đang mở đường lên bản K Oóc.

Hàng ngày, các cháu dưới 6 tuổi ở xóm Dừa đều được cha mẹ cõng ngược lên núi để học mầm non. Đời sống của dân bản quanh năm chủ yếu dựa vào nương rẫy nên cái đói, cái nghèo suốt đời cứ bám riết. Mọi sinh hoạt giao lưu văn hóa với bên ngoài còn rất hạn chế. Niềm vui lớn nhất của bà con là những buổi chiếu phim lưu động. Hàng năm, đội chiếu bóng thường lên đây chiếu phục vụ cho bà con vài ba ngày. Đó thực sự là những ngày vui, ngày hội văn hóa lớn nhất của người dân.

Thương nhất vẫn là các em học sinh, khi hàng ngày phải trèo đèo lội suối đến lớp. Gặp em Hồ Thị Cúc, học sinh lớp 8, Trường tiểu học và THCS Ra Mai trên đường đến lớp, Cúc bộc bạch: “Đường đến lớp của chúng cháu vất vả lắm. Ngày nào cũng phải trèo đèo, lội suối. Trời nắng thì mồ hôi nhễ nhãi. Trời mưa thì đường trơn, đôi khi bị trượt ngã quần áo ướt nhẹt, lấm lem. Nhưng vì muốn được học cái chữ để sau này làm cô giáo nên cháu phải cố gắng thôi”. Nói xong, Cúc tiếp tục cắm cúi bước đi. Phía sau có vài em học sinh thỉnh thoảng té ngã, quần áo dơ bẩn nhưng vẫn tiếp tục bước đi, vì đợi các em ở phía trước là con chữ Bác Hồ, là tương lai.

Anh Hồ Thun- một người dân nói: “Ước mơ lớn nhất của dân bản K Oóc miềng là có điện để sinh hoạt và một con đường để đi lại cho đỡ vất vả. Nếu có đường, miềng sẽ tập trung trồng rừng để bán như người dưới xuôi”.

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Hiện đường về bản Ông Tú đang được thi công. Chúng tôi đang đề xuất với cấp trên xin làm một con đường nối từ bản Ông Tú qua bản K Oóc để bà con tiện đi lại và phát triển kinh tế - xã hội”. Theo ông Phin, tại bản K Oóc có diện tích đất trống khoảng 100 ha, khá bằng phẳng cho việc trồng rừng và phát triển chăn nuôi.

Vừa rồi, xã cũng đã đầu tư 80 triệu đồng để xây dựng một mô hình nuôi dê cho người dân. Hiện đàn lợn và trâu bò của bà con trong bản khá nhiều nhưng việc tiêu thụ hết sức khó khăn. Nếu có đường về, chắc chắn bản K Oóc sẽ có nhiều hộ làm giàu từ trồng rừng và chăn nuôi trong một tương lai không xa.

Xuân Vương