.
28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma (14-3-1988 - 14-3-2016):

28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma - Bài 2: Sức sống của người lính Gạc Ma

Thứ Ba, 15/03/2016, 10:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau trận chiến Gạc Ma ngày 14-3, có 9 chiến sĩ của ta may mắn sống sót trôi dạt trên biển bị Trung Quốc bắt giữ về bán đảo Lôi Châu. Sau hơn 3 năm dằng dặc trong đói khổ, bị tra hỏi, họ được về đoàn tụ với gia đình...Trong số đó, có 3 người quê Quảng Bình là anh Lê Văn Đông, Mai Xuân Hải và Nguyễn Văn Thống.

>> Bài 1: Lịch sử không thể nào quên

Giấy báo tử gia đình nhận được trong thời gian anh Mai Xuân Hải bị tù đày.
Giấy báo tử gia đình nhận được trong thời gian anh Mai Xuân Hải bị tù đày.

Nhận giấy báo tử khi còn sống

Nhắc lại những ngày tháng bị cầm tù ở xứ người, anh Nguyễn Văn Thống (SN 1965), hiện ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch không khỏi bùi ngùi. Anh Thống kể, sau khi tàu HQ 604 bị chìm, anh bám được vào một mảnh gỗ trôi dạt trên biển.

Khi bị bắt lên tàu Trung Quốc, vì vết thương quá nặng, anh ngất lịm khi nào không biết. Tỉnh dậy mới phát hiện ở cùng 8 đồng đội khác trên khoang tàu chật hẹp.

“Trên người tôi có nhiều vết thương, nặng nhất là ở vùng mắt trái, chân và tay. Khi đưa tôi vào điều trị tại bệnh viện, thấy chân tay tôi bị hoại tử, những người Trung Quốc nói rằng họ phải cắt bỏ chân, tay mới mong sống sót.

Nghe thấy vậy, tôi khẳng khái: “Hoặc là tôi chết chứ nhất định không được cưa chân, tay của tôi”, cựu binh Nguyễn Văn Thống nhớ lại.

Những tháng đầu tiên bị cầm tù, anh Thống cùng những người đồng đội liên tục bị tra hỏi. Ăn uống khổ sở và bị giam trong căn hầm kín mít.

Chừng mấy tháng sau khi trận hải chiến xảy ra, những người thân ở quê nhà cũng nhận được giấy báo tử. Cầm trên tay giấy báo tử của con trai, ông Nguyễn Viết Thoáng, bố anh Thống thờ thẫn suốt mấy ngày liền không ăn uống được gì. “Gia đình tôi sắm ít lễ vật, rồi lập bàn thờ, đắp mộ gió, lấy ngày 14 -3 làm ngày giỗ cho con”, ông Thoáng nhớ lại.

Sau hơn một năm bị bắt, được Hội chữ thập đỏ Quốc tế can thiệp, những người lính Việt Nam mới có những lá thư đầu tiên gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, nội dung trong thư đều phải qua Trung Quốc kiểm duyệt, lá thư đầu tiên, các anh được phép viết trong 25 chữ, chỉ đủ thông báo cho gia đình biết mình còn sống và đang ở Trung Quốc.

Đến ngày giữa năm 1991, sau 3 năm, 5 tháng, 15 ngày bị Trung Quốc giam giữ, 9 người lính công binh được trao trả về biên giới Việt Nam. Mãi cho tới lúc này anh Thống mới viết thư cho gia đình thông báo mình bị thương ở chân, tay và vĩnh viễn mất đi một mắt, để người thân không bị “sốc” khi thấy anh trở về.

 Cựu binh Nguyễn Ngọc Thống
Cựu binh Nguyễn Ngọc Thống.

Ngày các anh về, cả thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, Bố Trạch bỏ cả việc đồng áng, đến chia vui với gia đình anh Mai Xuân Hải. Cả làng có hai người tham gia trận Gạc Ma thì chỉ có anh Ngọc trở về, ai cũng nghĩ anh Hải chắc đã không còn.

"Nghe tin tôi về, nhiều người đang ăn dở bữa cơm cũng bỏ mâm, bỏ bát mà chạy đến, người ôm, người bắt tay xem có đúng thằng Hải bằng xương bằng thịt không", anh Hải nhớ lại.

Còn anh Lê Văn Đông vẫn nhớ như in ngày mình về đến nhà. Hai vợ chồng trẻ ôm nhau khóc nức nở trong niềm vui vỡ òa. Cưới nhau được một ngày thì anh lên đường, bây giờ về đứa con gái đầu lòng của anh chị đã gần 3 tuổi...

Nghị lực của người lính Gạc Ma

Hôm chúng tôi đến thăm, anh Mai Xuân Hải mệt mỏi nằm giường nhưng vẫn cố ngồi dậy tiếp chuyện. Mấy tháng nay thời tiết lạnh rét kéo dài, vết thương ở gót chân vẫn còn mảnh đạn nhức buốt người. Những cơn hen do suy phổi bởi những ngày tháng bị tù đày trông anh càng tiều tụy hơn khiến anh đành phải ở nhà không làm lụng gì được.

Mở đầu câu chuyện, anh Hải cười bảo, bây giờ đã có tuổi, sức khỏe cũng yếu hẳn nhưng nhìn vẫn "hoành tráng" hơn lúc mới được thả về. Ngày đó, người anh xanh lét vì bị giam trong phòng kín, nặng chừng được 40 kg. Năm 1992, anh lập gia đình, nhiều người còn xì xào rằng chắc anh không thể có con được. Cuộc sống mưu sinh đời thường vất vả. Sức khỏe anh cũng ngày càng yếu hẳn nhưng với nghị lực của người lính vợ chồng anh vẫn sống hạnh phúc và có với nhau 4 đứa con.

Sức khỏe yếu, anh Mai Xuân Hải chỉ làm được những việc nhẹ quanh vườn nhà
Sức khỏe yếu, anh Mai Xuân Hải chỉ làm được những việc nhẹ quanh vườn nhà.

Anh Hải tâm sự, cùng đi lính với nhau, cùng ở chung một con tàu, mình về được đã là may mắn lắm rồi. Cuộc sống mưu sinh vất vả thật nhưng mình còn có con cái làm niềm vui. Còn biết bao đồng đội của mình mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi với bao ấp ủ, hoài bão, so làm thế nào được...

Hơn một năm sau khi trở về, cựu binh Nguyễn Văn Thống lập gia đình. Họ lần lượt sinh được hai người con trai kháu khỉnh. Sống giữa thời bình, nhưng do mang trên mình nhiều thương tật, anh Thống cùng vợ phải chật vật với cuộc mưu sinh.

Được chính quyền tạo điều kiện cho một mảnh đất ở chợ Nhân Trạch, vợ chồng cựu binh Thống chắt chiu, vay mượn thêm người thân, bạn bè xây một căn nhà nhỏ.

Ngoài khoản trợ cấp của Nhà nước, anh Thống mở hàng sửa xe đạp để có đồng ra, đồng vào phụ vợ nuôi con. Cho đến khi có tuổi, sức khỏe dần yếu đi, cựu binh Thống không thể sửa xe được nữa, anh lại chuyển sang phụ giúp vợ bán gạo ở chợ.

Những ngày trở trời, mặc dù các vết thương cũ tái phát, đau nhức khắp người, nhưng nghĩ đến các con, anh Thống vẫn gắng sức làm lụng, anh tâm niệm, mình tàn nhưng không phế, còn sống ngày nào, mình phải là người có ích cho gia đình, cho xã hội ngày đó.

Xuân Phú

Bài 3: "Khi Tổ quốc gọi... chúng tôi lại lên đường"