.
28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma (14-3-1988 - 14-3-2016):

28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma - Bài 1: Lịch sử không thể nào quên

Thứ Hai, 14/03/2016, 07:20 [GMT+7]

(QBĐT) - 28 năm trôi qua, nhưng sự hi sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ chủ quyền biển đảo tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (14-3-1988) đã dựng lên một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

 

Cựu binh Nguyễn Bá Ngọc, xã Liên Trạch, Bố Trạch kể lại trận hải chiến Gạc Ma năm 1988
Cựu binh Nguyễn Bá Ngọc, xã Liên Trạch, Bố Trạch kể lại trận hải chiến Gạc Ma năm 1988

Trận hải chiến năm ấy, Quảng Bình là một trong những địa phương đóng góp nhiều người lính tham gia nhất.

Và 14 người đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển sâu. Máu của các anh hòa cùng nước biển, xương cốt vùi sâu trong lòng đảo như nhắc nhở cho các thế hệ mai sau trách nhiệm đấu tranh và gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Ngày lên đường

Năm 1988, anh Lê Văn Đông, ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch, Bố Trạch cùng những đồng đội của mình đã tạo nên vòng tròn bất tử chiến đấu ở đảo Gạc Ma, Trường Sa.

Anh Đông là một trong số ít người trở về sau trận chiến không cân sức năm ấy. Những ngày đầu tháng 3, hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về trận chiến ngoan cường trên đảo Gạc Ma vẫn luôn hiện hữu trong anh. "Đó là một phần lịch sử không thể nào quên và không được quên", anh Đông bắt đầu câu chuyện.

Tháng 8-1985, anh lên đường nhập ngũ khi đang ở độ tuổi đôi mươi. Sau 1 năm huấn luyện ở Hải Phòng, anh được chuyển về Trung đoàn 83 công binh đóng tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Đầu tháng 3-1988, đơn vị anh nhận được lệnh đi Cam Ranh, Khánh Hòa để nhận nhiệm vụ ra Trường Sa giữ đảo. Năm đó, anh Đông được đơn vị cho nghỉ phép nửa tháng về quê ăn tết sau hơn 2 năm xa nhà.

Trong thời gian đó, anh được gia đình tổ chức đám cưới với cô người yêu cùng xóm đã chờ anh mấy năm quân ngũ. Ngày cưới diễn ra trong niềm vui của bà con làng xóm. Nhiều đồng đội cùng đơn vị cũng đến chung vui như anh Trần Quốc Trị, Phan Văn Thiềng, ở xã Đồng Trạch, Bố Trạch (những người đồng đội sau này đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển sâu).

Trong ngày cưới cũng là lúc anh nhận được giấy báo của đơn vị, và đúng hôm sau anh tạm biệt người vợ mới cưới theo đồng đội lên đường. "Đến Cam Ranh, tôi được nghỉ ngơi đúng một đêm thì lại cùng đơn vị lên tàu HQ 604 tiến thẳng ra Trường Sa. Chúng tôi phải đi mất gần 3 ngày 3 đêm mới ra tới. Trên chuyến tàu đó có rất nhiều anh em đồng hương Quảng Bình", anh Đông nhớ lại.

Trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, 64 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh dũng cảm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong số đó có 14 người con quê hương Quảng Bình ngã xuống, 3 trong số 9 người bị bắt giữ về bán đảo Lôi Châu và phải hơn 3 năm sau đó mới được về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhiều đồng đội của anh lúc đó cũng tuổi ngoài đôi mươi, trước khi lên đường chỉ kịp nhắn gửi "sau chuyến này nhất định con sẽ về cưới một cô dâu thảo cho bố mẹ". Đó là câu nói cuối cùng của anh Trương Minh Thương, thôn Thọ Hà, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn trước khi chia tay người mẹ già lên đường. Nhưng anh đi và mãi mãi ở lại cùng những đồng đội của mình giữa lòng biển khơi sâu thẳm. Để đến bây giờ, 28 năm qua bà Trương Thị Bảo, mẹ anh Thương vẫn nhắc lại lời dặn dò của con trai trong nước mắt...

Khúc tráng ca bất tử

Khoảng 15h chiều ngày 13-3-1988, con tàu HQ 604 chở hơn 200 người chủ yếu là lính công binh ra đến đảo Gạc Ma. “Đêm hôm đó, chúng tôi được lệnh ở trên tàu nghỉ ngơi, không được ồn ào”, anh Nguyễn Bá Ngọc, một người lính Gạc Ma may mắn được trở về nhớ lại. Hiện anh Ngọc đang sống cùng gia đình ở thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, Bố Trạch.

Đến sáng hôm sau, tất cả các chiến sĩ dậy chuẩn bị xuồng nhôm chở vật liệu xây dựng lên đảo. Một nhóm chiến sĩ gồm thiếu úy Trần Văn Phương (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) và 4 đồng chí khác đã cắm được lá cờ Tổ quốc lên bãi đá Gạc Ma khẳng định chủ quyền.

Thế nhưng, vừa cắm xong lá cờ Tổ quốc thì phía bên ngoài đảo, 3 tàu khu trục của Trung Quốc di chuyển đội hình tiến vào, dàn hàng phóng loa uy hiếp, dọa dẫm. Dù thế, các chuyến vật liệu của chúng ta vẫn hối hả chuyển lên đảo, các chiến sĩ công binh vẫn tiếp tục quay lại tàu bốc hàng.

Lúc này, một chiếc ca-nô của Trung Quốc chạy quanh rồi chúng cắt đứt dây neo tàu của chúng ta. Trước tình hình đó, chỉ huy tàu ra lệnh cho các chiến sĩ kéo xuồng tiến về phía cột cờ. Các chiến sĩ ta kéo xuồng đến nơi thì quân Trung Quốc cũng kéo đến. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc.

 Ảnh chụp lưu niệm sau khi 9 người lính được trao trả (anh Lê Văn Đông đứng thứ 2 từ trái qua).
Ảnh chụp lưu niệm sau khi 9 người lính được trao trả (anh Lê Văn Đông đứng thứ 2 từ trái qua).

Chúng nhảy lên cướp lá cờ của chúng ta. Sau một hồi giằng co để giữ cờ, anh Nguyễn Văn Lanh đã nhảy lên đạp vào ngực tên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc.

Bị đạp vào ngực, tên chỉ huy rút súng bắn chỉ thiên để uy hiếp tinh thần, rồi bắn thẳng vào thiếu úy Trần Văn Phương. Anh Phương gục xuống nhưng hai tay vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc cắm trên bãi đá. Ngay lúc đó, anh Nguyễn Văn Lanh đã nhảy lên gạt súng, xô ngã tên bắn thiếu úy Phương nhưng anh lại bị một tên khác đâm lê vào sau lưng. "Tôi chạy lại xé áo mình buộc vết thương cho anh Lanh rồi dìu anh ấy lên xuồng nằm", anh Ngọc nhớ lại.

“Lúc này Trung Quốc hạ nòng pháo 12ly7 bắn liên tiếp, xối xả vào đội hình các chiến sĩ trên đảo. Pháo 30ly, 85 ly của chúng cũng nã thẳng vào tàu HQ 604. Nhiều chiến sĩ của ta phải lặn sâu xuống nước để tránh đạn. Nép ở dưới rặng san hô, tôi thấy tiếng đạn cứ bắn bụp bụp liên tiếp vào mặt nước, nhưng tôi đã rất may mắn vì không bị thương”. Khi tàu HQ 604 bốc cháy và chìm, quân Trung Quốc nhanh chóng rút lên tàu. Anh Ngọc cùng một số chiến sĩ còn sống bơi xung quanh đảo tìm các đồng đội bị thương.

Sau đó, họ bám trụ trên chiếc xuồng, ai còn sức khỏe thì cố đạp xuồng chạy về phía tàu HQ 505 để được ứng cứu. Đến khoảng 5h chiều thì các anh lên được tàu HQ 505. Tối hôm đó, các anh được đưa về đảo Sinh Tồn. Khoảng 1 tuần sau, thì được tàu của Quân chủng Hải quân ra đón về đất liền.

Trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, 64 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh dũng cảm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong số đó có 14 người con quê hương Quảng Bình ngã xuống, 3 trong số 9 người bị bắt giữ về bán đảo Lôi Châu và phải hơn 3 năm sau đó mới được về đoàn tụ cùng gia đình.

Xuân Phú

Bài 2: Sức sống của người lính Gạc Ma