.

Nỗ lực nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Thứ Sáu, 13/11/2015, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc triển khai Quy chế số 14/2013/QCLN, ngày 9-10-2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc nâng cao chất lượng về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (THADS) tại tỉnh ta.

Các cơ quan chức năng tham gia quy chế, gồm: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục THADS tỉnh và Trại giam Đồng Sơn, đã cho thấy những nỗ lực cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS; tham gia xây dựng pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy chế phối hợp ở địa phương; kiểm sát hoạt động THADS...

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS được các bên tham gia Quy chế đặt lên hàng đầu với nhiều hoạt động được chủ động thực hiện hoặc phối hợp triển khai thông qua hình thức trực tiếp tuyên truyền tại các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề hoặc trong quá trình triển khai công việc.

Cơ quan công an, Trại giam, Trại tạm giam đã tuyên truyền cho phạm nhân và những người có liên quan trong việc thi hành các bản án, quyết định dân sự trong các bản án hình sự theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 6-2-2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người phải THADS là phạm nhân.

Đối với Tòa án nhân dân các cấp của hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh, ngoài việc thực hiện chức năng xét xử do pháp luật giao, tại các phiên tòa, đặc biệt là những phiên tòa lưu động, Hội đồng xét xử các cấp cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, trong đó có các quy định liên quan đến công tác THADS.

Tại các phiên tòa lưu động, hội đồng xét xử các cấp cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.
Tại các phiên tòa lưu động, hội đồng xét xử các cấp cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Tại các phiên tòa, các vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, luật sư, trợ giúp viên pháp lý... cũng được tạo điều kiện đầy đủ để thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các đương sự, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Các phóng viên, cộng tác viên báo, đài, website dễ dàng tiếp cận các phiên tòa xét xử công khai để đưa tin, bài và góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Đối với cơ quan THADS, công tác tiếp công dân, giải quyết thi hành án được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành, do đó, lãnh đạo cơ quan THADS hai cấp đã phân công, bố trí cán bộ, công chức giỏi nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và có phẩm chất đạo đức tốt tiếp công dân để hướng dẫn, giải thích cho các đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, ghi nhận những đề nghị của đương sự để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Trong hai năm 2014 và 2015, toàn ngành đã tiếp hơn 600 lượt công dân đến làm việc và giải quyết công việc liên quan đến THADS. Bên cạnh đó, trên cơ sở Quy chế liên ngành cấp quốc gia, Quy chế phối hợp liên ngành cấp tỉnh số 339/QCLN/CTHADS-TAND-VKSND-CAT-TGĐS giữa Cục THADS tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh và Trại giam Đồng Sơn đã được ký kết vào ngày 8-5-2014.

Đến nay, đã có 3/8 đơn vị cấp huyện trong toàn tỉnh đã ký kết quy chế hoặc biên bản ghi nhớ về phối hợp trong THADS, như: huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch và huyện Lệ Thủy. Các huyện, thành phố và thị xã còn lại đang được Chi cục THADS dự thảo và xin ý kiến các đơn vị liên quan góp ý để tiến tới tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp.

Các công tác phối hợp liên ngành khác, như: kiểm soát hoạt động THADS; thu tiền, tài sản, đặc xá, xuất nhập cảnh; quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về THADS; cưỡng chế THADS; thi hành các vụ án phức tạp, khó thi hành; cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS..., đều đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và thông qua các phiên họp, trao đổi, thống nhất ý kiến, đến thời điểm hiện tại, còn có 3 vụ chưa thi hành án được, trong đó, năm 2014 đã tiến hành giải thích 2 bản án. Công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS thường xuyên được thực hiện, nhất là các vụ việc có liên quan đến cơ quan hữu quan, nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, trao đổi ý kiến trước khi trả lời khiếu nại, tố cáo.

Trong năm 2014, đã giải quyết 44/44 đơn, thư khiếu nại, tố cáo tương đương 34 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%. Trong năm 2015, đã giải quyết 37/37 đơn khiếu nại tương đương với 28 vụ việc, 11/11 đơn tố cáo tương đương 5 vụ việc (chiếm tỷ lệ 100% số đơn tiếp nhận).

Có thể nói, qua hơn hai năm triển khai Quy chế phối hợp trong công tác THADS đã cho thấy những ưu điểm nhất định. Bước đầu, các cơ quan hữu quan đã đi vào hoạt động nền nếp, mối quan hệ phối hợp đã được tăng cường không chỉ ở cấp tỉnh mà còn ở cấp cơ sở. Các nội dung phối hợp trong công tác THADS được thực hiện rõ nét.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án đã được các ngành trao đổi, bàn bạc và được lãnh đạo các ngành quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, giải quyết có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, của nhân dân và lợi ích của Nhà nước.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã có sự quan tâm thường xuyên, quản lý, chỉ đạo sát sao hơn đối với công tác THADS trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế vẫn còn đó những tồn tại, vướng mắc.

Ở một số trường hợp, việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án thiếu kịp thời, không đồng bộ. Số bản án, quyết định của Tòa án tuyên có sai sót, khó thi hành kéo dài qua nhiều năm vẫn chưa giải quyết được. Nhiều địa phương chưa xây dựng được Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS ở cấp huyện. Kinh phí dành cho các hoạt động liên quan đến công tác phối hợp chưa được cấp, trong khi kinh phí hoạt động chuyên môn của các đơn vị chưa đáp ứng, nên hạn chế đến việc tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp.

Nguyên nhân của các mặt hạn chế chủ yếu là do chưa có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các bản án, quyết định của Tòa án trước đây tồn đọng nhiều năm tuyên có sai sót; một số quy định về kê biên, đấu giá tài sản... chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể; hệ thống văn bản luật về THADS còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung; một số cơ quan chưa tích cực phối hợp hoặc sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất...

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục quán triệt thực hiện nội dung quy chế phối hợp, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế; theo dõi, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy chế, các cơ quan chức năng liên quan sẽ đôn đốc việc tổ chức ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện quy chế đã ký kết.

Đồng thời, sẽ chú trọng hơn nữa công tác phối hợp trong xử lý các vướng mắc, khó khăn trong thi hành án đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, đương sự có khiếu kiện kéo dài và thống kê những vướng mắc, bất cập, chưa thống nhất về cơ chế pháp luật để có hướng đề nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, góp ý. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án sẽ được đa dạng hóa về hình thức để người dân hiểu rõ, nắm được các quy định về pháp luật thi hành án.

Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động tổng kết, sơ kết, trao đổi và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử của hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh; tăng cường sự phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan hữu quan; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra đối với cấp huyện về việc triển khai thực hiện quy chế, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

P.V