.
Phối hợp trong kiểm sát tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm:

Khâu đột phá trong phòng, chống tội phạm

Thứ Sáu, 24/07/2015, 18:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là tiền đề quan trọng trong quá trình tố tụng, là một trong những hoạt động thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng kiểm sát tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải có sự phối hợp mật thiết và chặt chẽ hơn.

Có thể nói, kiểm sát tiếp nhận và phối hợp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý các vụ án hình sự một cách khách quan, nghiêm minh, hạn chế được tình trạng oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh thì, những năm qua, cùng với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội và VKSND Tối cao, VKSND tỉnh xác định việc tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, mà khâu đột phá đó là việc thực hiện nâng cao chất lượng kiểm sát tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.

Kiểm sát viên trực tiếp tham gia kiểm sát hiện trường xảy ra các vụ án.
Kiểm sát viên trực tiếp tham gia kiểm sát hiện trường xảy ra các vụ án.

VKSND 2 cấp đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố xảy ra trên địa bàn. VKSND 2 cấp đã tăng cường quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, xây dựng quy chế phối hợp, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại các cơ quan điều tra. Kiểm sát viên đã thường xuyên phối hợp với điều tra viên trao đổi, định hướng đúng trong việc phân loại xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để báo cáo lãnh đạo 2 ngành có quyết định xử lý.

Viện kiểm sát đã phân công kiểm sát viên có năng lực để quản lý, kiểm sát khâu công tác này. Hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, kiểm sát viên đối chiếu số liệu tin báo, rà soát để có kế hoạch giải quyết bảo đảm thời hạn theo luật định.

Hiện nay các đơn vị Viện kiểm sát đều đã có sổ thụ lý theo dõi, quản lý chặt chẽ tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và lập hồ sơ giải quyết đầy đủ. Nhiều đơn vị đã chủ động trong quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng, vận dụng các biện pháp kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, hạn chế bỏ lọt tội phạm, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Kết quả bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Cùng với sự đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo VKSND tỉnh, nhờ vậy, trong thời gian gần đây không để xảy ra tình trạng giải quyết án bị oan, sai và hạn chế việc bỏ lọt tội phạm.

Chỉ tính trong khoảng thời gian từ đầu năm 2013 đến nay, VKSND 2 cấp đã thụ lý 1.432 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã giải quyết 1.290 tin báo, đạt tỷ lệ 90%. Trong đó, đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, xử lý 750 tin báo; quyết định không khởi tố, xử lý khác 510 tin báo. Tiến hành kiểm sát trực tiếp 16 lần về giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tại các cơ quan chức năng, ban hành 16 kết luận, kiến nghị khắc phục vi phạm.

Thông qua hoạt động kiểm sát, VKSND 2 cấp yêu cầu cơ quan Điều tra khởi tố 11 vụ án hình sự; yêu cầu huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự để ra quyết định khởi tố 6 vụ. Ngoài ra, đã ban hành 3 kiến nghị đối với cơ quan Điều tra nhằm khắc phục vi phạm trong việc trưng cầu giám định; việc không vào sổ thụ lý tin báo, tố giác tội phạm những trường hợp Viện kiểm sát tiếp nhận chuyển đến; việc chậm ra quyết định phân công điều tra viên giải quyết tin báo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong công tác kiểm sát tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn còn một số hạn chế và chưa thật chặt chẽ. Còn nhiều “nút thắt” cần cởi bỏ. Nhiều vụ án xảy ra nhưng chưa xác định được đối tượng phạm tội hoặc chờ có kết quả giám định pháp y nên tỷ lệ giải quyết tin báo chưa cao. Hiện, chúng tôi đang xây dựng dự thảo quy chế phối hợp cùng cơ quan Điều tra (Công an tỉnh) trong việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết thêm.

P.V