Để phát triển bền vững cây cao su
(QBĐT) - Nhiều năm qua, người nông dân vùng gò đồi tỉnh ta tập trung phát triển cây cao su, bước đầu xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, gần đây, những trận bão lớn liên tục xảy ra, đã gây rủi ro lớn cho người trồng cao su. Để cây cao su phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, người trồng cao su cần tuân thủ sự hướng dẫn của các nhà khoa học và chỉ đạo của cơ quan quản lý…
Hiệu quả kinh tế cao nhưng rủi ro lớn
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây cao su được đưa về trồng trên vùng đất gò đồi tỉnh ta từ những năm 60 thế kỷ trước. Đơn vị trồng thí điểm là Nông trường Việt Trung (nay là Công ty TNHH MTV cao su Việt Trung).
Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm do Báo Quảng Bình điện tử tổ chức. |
Từ đó đến nay, với việc thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, nhưng chưa có loại cây nào sánh kịp với cây cao su về hiệu quả kinh tế. Cây cao su đã giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc hạn chế xói mòn đất ở vùng gò đồi, núi cao, cải thiện khí hậu, cây cao su đã tạo cơ hội cho nhiều nông dân tỉnh ta thay đổi cuộc sống, trở thành những chủ trang trại lớn...
Xã Phú Định (Bố Trạch) được xem là một trong những địa phương đầu tiên ở tỉnh ta thành công với mô hình trồng cây cao su ở vùng gò đồi. Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết, ở thời điểm hiện tại, Phú Định có đên 85% hộ dân tham gia trồng cây cao su với diện tích trên 1.100 ha.
Hàng năm, cây cao su đã đưa về cho xã Phú Định nguồn thu trên 28 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng thu nhập xã hội của địa phương. Ở những thời điểm giá mủ cao, nhiều hộ dân trồng cao su ở Phú Định mỗi ngày thu từ 1 đến 2 triệu đồng...
Vậy nhưng, trong vòng 4 năm, người nông dân trồng cao su ở vùng gò đồi tỉnh ta đã phải gánh chịu 2 cơn bão lớn, gây nên những thiệt hại nặng nề. Sau mỗi cơn bão lớn, hàng ngàn nông dân lại xót xa nhìn vườn cao su của mình phút chốc hoang tàn. Tiền của, công sức của hàng chục năm chăm bẵm, kỳ vọng đã bị thiên tai thổi bay. Con số thống kê cho biết, cơn bão số 10, năm 2013 đã làm 12.174 ha cao su và cơn bão số 10, năm 2017 cũng đã làm 7.338 ha cao su của nông dân Quảng Bình bị đổ gãy, đẩy hàng ngàn hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần...
Nông dân vẫn mặn mà với cao su?
Một tuần sau cơn bão số 10, phóng viên Báo Quảng Bình đã trở lại vùng gò đồi các xã Phú Định, Tây Trạch (Bố Trạch) và chứng kiến những nỗ lực của bà con nơi đây trong việc khôi phục lại vườn cây cao su. Mặc dù những thiệt hại do cơn bão gây là rất nặng nề nhưng khi trò chuyện với phóng viên, nhiều người chia sẻ quyết tâm tiếp tục theo đuổi cây cao su. Theo họ, từ trước đến nay chưa có loại cây gì mang lại hiệu quả kinh tế lớn như trồng cao su, mặc dù trồng cao su đầu tư lớn mà rủi ro thì nhiều...
Mặt trời đã đứng bóng, nắng gay gắt, nhưng anh Nguyễn Mạnh Hùng (Phú Định) và các thành viên trong gia đình vẫn đang khẩn trương dùng máy kéo dựng lại những thân cây cao su đã bị gió bão xô đổ. Trò chuyện với phóng viên, anh Hùng cho biết, gia đình anh có 2,5 ha cao su đã đưa vào khai thác mủ từ nhiều năm qua.
Cơn bão số 10 năm 2013, đã làm gãy đổ một số diện tích, cơn bão số 10 năm nay lại tiếp tục xô đổ gần 50% diện tích cao su của gia đình. “Dù bị thiệt hại nặng nề nhưng trước mắt gia đình vẫn quyết tâm khôi phục lại vườn cây cao su và tiếp tục theo đuổi loại cây này vì chưa tìm được loại cây gì để thay thế cả” – anh Hùng nói.
Cũng như anh Hùng, ông Hoàng Thanh Bình, chủ một tiểu điền cao su khác cho rằng: “Khi trồng cao su, chúng tôi phải chấp nhận có thể gặp rủi ro do bão. Hầu hết các loại cây trồng đều có thể bị thiệt hại do thiên tai, nhưng cây cao su có giá trị kinh tế cao mà thực tế từ trước đến nay, chưa loại cây trồng nào bì kịp, vậy nên sau bão, chúng tôi vẫn tiếp tục trồng. Tuy nhiên, qua hai cơn bão vừa rồi chúng tôi cũng đã rút ra được những kinh nghiệm xương máu và bài học lớn để tuân thủ quy hoạch, kỹ thuật trong việc trồng cao su, góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất”.
Chúng tôi đưa câu chuyện của những người nông dân trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tây Trạch. Ông Hùng cho biết, cá nhân ông đồng quan điểm với những hộ nông dân. “Xã Tây Trạch chúng tôi có trên 1.200 ha cao su. Những cơn bão vừa qua cũng đã gây nên thiệt hại nặng cho người trồng cao su ở địa phương.
Trên thực tế, thời gian qua, chúng tôi cũng đã tìm tòi và tìm hiểu, nhưng vẫn chưa có cây gì có thể thay thế được cây cao su trên địa bàn. Vì vậy thời gian tới, lãnh đạo xã Tây Trạch vẫn xác định động viên nhân dân trước hết là phải khắc phục, dựng lại và duy trì vườn cây cao su. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chú trọng tìm chọn những giống có hiệu quả kinh tế, chống chịu với thời tiết, khí hậu, giảm thiểu được những thiệt hại do bão gây ra...” – ông Hùng nói
Đi tìm giải pháp bền vững?
Với mong muốn người trồng cao su ở vùng gò đồi Quảng Bình đánh giá lại những thiệt hơn trong việc trồng cây cao su với điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay, mới đây Báo Quảng Bình điện tử đã tổ chức thành công một chương trình tọa đàm với khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia và chính người dân trồng cao su... Những người tổ chức chương trình kỳ vọng cuộc trao đổi, trò chuyện thiết thực này góp phần giúp những người nông dân tìm ra được một hướng đi thực sự bền vững cho cây cao su.
Các hộ trồng cao su ở xã Phú Định khôi phục lại vườn cây cao su bị gãy đổ sau bão số 10 vừa qua. |
Tại chương trình tọa đàm, những ý kiến rất tâm huyết của các vị khách mời đã được đưa ra mổ xẻ. Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho rằng: “Nếu không có những trận bão thì có thể khẳng định rằng, cây cao su là cây có hiệu quả kinh tế nhất trên vùng gò đồi và dù bị thiệt hại nặng như thế, nhưng người nông dân vẫn chung thủy với cây cao su.
Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tần suất bão ngày càng dày như hiện nay, trong phát triển cao su, chúng ta cũng phải xác định lại, không phát triển cao su bằng mọi giá. Phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt về vành đai, chọn giống phù hợp để tránh được gió bão”. Ông Lê Văn Khuyến, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Định nhìn nhận: “Có lẽ, sau 2 trận bão lớn này, người nông dân xã Phú Định đã có những bài học đắt giá trong việc phải tuân thủ quy trình kỹ thuật”.
Bản thân ông Lê Quang Lợi, là một nông dân trồng cao su lâu năm ở Phú Định khi tham gia chương trình tọa đàm đã thừa nhận rằng, trước đây do nhiều năm không xảy ra các trận bão lớn nên bản thân ông và nhiều nông dân khác khai thác theo kiểu "vắt kiệt" khiến cây cao su rất yếu và dễ gãy. Ngoài ra, để tận dụng hết quỹ đất, phần lớn các hộ dân trồng cao su ở Phú Định đã bỏ qua việc trồng vành đai chắn gió và hậu quả mang lại là những thiệt hại nặng nề sau những trận bão vừa qua.
Ðể vườn cao-su mang lại nguồn "vàng trắng" cho mình, hơn ai hết chính người trồng cao su cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cũng như tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khi trồng đến khi khai thác để giảm thiểu thấp nhất do bão gây ra...
Phan Phương