Khẩn trương khắc phục đất nông nghiệp bị nhiễm mặn
(QBĐT) - Sau bão số 10, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, có trên 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn với nồng độ cao. Nguyên nhân là do bão lớn kết hợp triều cường dâng cao làm cho nước biển tràn qua các tuyến đê gây ngập diện tích đất trồng lúa, rau màu và đất vườn. Để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp các địa phương đã kiểm tra, đo độ mặn và xây dựng kế hoạch để triển khai thau chua, rửa mặn.
Sau bão số 10, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch có 135 ha trong tổng số 152,53 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn với nồng độ cao. Toàn bộ số diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn ở xã Quảng Thanh đã thu hoạch nên không ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa hè-thu. Tuy nhiên, sau bão số 10, trời ít mưa nên cây xanh và rau trong vườn của người dân ở xã Quảng Thanh đều bị vàng lá và chết dần do trước đó bị ngập sâu trong nước biển.
Cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn đo độ mặn trên ruộng lúa. |
Bên cạnh đó, 1,5 ha rau màu các loại trồng ven sông Gianh của xã đều bị chết do nước có nồng độ mặn cao không thoát ra ngoài được. Ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: “Hiện tại, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con xã Quảng Thanh bị nhiễm nặng. Chính vì thế, sản xuất vụ đông-xuân 2017-2018 có nguy cơ bị ảnh hưởng. Chính quyền, địa phương đã có đề xuất UBND huyện cùng các đơn vị thủy nông xả nước nhằm giảm độ mặn giúp bà con sản xuất”.
Hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện Quảng Trạch, tập trung ở các các xã ven sông Gianh và sông Roòn. Bão số 10, kèm theo triều cường dâng cao làm nước biển tràn qua các tuyến đê gây ngập sâu và làm nhiễm mặn khoảng 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Trong đó, các xã có diện tích bị ngập, nhiễm mặn ven sông Gianh, gồm: Quảng Phương, Quảng Thanh, Quảng Trường.... và ven sông Roòn gồm: Quảng Phú, Quảng Châu, Quảng Tùng...
Sau bão, các xã ở huyện Quảng Trạch đã tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình và đề xuất với huyện về các giải pháp tháo nước từ các công trình thủy lợi trên địa bàn đưa vào ruộng để thau chua rửa mặn càng sớm càng tốt. Ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện, chỉ đạo nông dân cày bừa sớm, đồng thời, tiến hành cho nước ngọt vào các diện tích bị ngập mặn để thau chua, rửa mặn và sẽ khuyến cáo người dân bón vôi bột trước khi làm đất để bảo đảm cho sự sinh trưởng của cây trồng”.
Thị xã Ba Đồn có 1.539,47 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Trong đó, diện tích sản xuất lúa là 1.273,23 ha; diện tích sản xuất rau và đất vườn 266,24ha. Một số địa phương có diện tích đất sản xuất bị nhiễm mặn nặng, gồm: Quảng Lộc 255ha; Quảng Phúc 200ha; Quảng Hoà 155ha; Quảng Thuận 150ha. Độ mặn đo được trên ruộng trong các ngày 21, 22 tháng 9 là rất cao. Cụ thể: Quảng Phúc (10,5-18o/oo), Quảng Thuận (10-15o/oo), Quảng Văn (1-14o/oo), Quảng Lộc (5-12o/oo), Quảng Hòa (8-14o/oo).
Cây lưu niên trong vườn của người dân xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) đang chết dần do nhiễm mặn. |
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho rằng: “Trước mắt, thị xã chỉ đạo nhân dân các địa phương có diện tích đất sản xuất bị nhiễm mặn tháo nước ra khỏi ruộng để chờ trời mưa. Khi trời mưa xuống, chúng tôi sẽ tiến hành thau rửa theo quy trình. Và nếu không có mưa, sẽ đề nghị sở NN và PTNT cho bơm nước hoặc tháo nước ở các hồ chứa vào để thau rửa. Khi độ mặn dưới 3o/oo, chúng tôi đề nghị các cấp hỗ trợ kinh phí để mua vôi hỗ trợ bà con”.
Mặc dù đã có phương án để khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, tuy nhiên, do nước biển đã vào các xứ đồng và ngập trong nhiều ngày nên đã ngấm sâu vào đất. Sau bão số 10, thời tiết lại không mưa. Bên cạnh đó, tuyến kênh mương trên địa bàn thấp hơn ruộng lúa nên việc đưa nước từ các công trình thủy lợi vào để thau chua, rửa mặn cùng sẽ gặp một số khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân vùng nông thôn. Thời gian tới, nếu diện tích đất bị nhiễm mặn không thể sản xuất được sẽ giảm thu nhập. Vì vậy, đây đang là vấn đề lo lắng của người dân và các cấp chính quyền ở cơ sở.
Nguyễn Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)