.

Tập trung nguồn lực, giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 19/05/2017, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Chưa bao giờ công tác giảm nghèo ở tỉnh ta lại được đặc biệt quan tâm như thời gian gần đây. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chương trình hành động về việc tăng cường công tác giảm nghèo bền vững; UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch nhằm triển khai chương trình này và gần đây nhất là hội nghị bàn giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo cho các xã nghèo.

Tại hội nghị, với sự có mặt của lãnh đạo 63 xã có tỷ lệ hộ nghèo 11%, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc lại ước mong của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời khi về thăm quê: “Quảng Bình phải phát huy truyên thống của quê hương “Hai giỏi”, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, phải luôn thực hiện thật tốt lời Bác Hồ dạy, vươn lên, phát huy mọi tiềm năng xây dựng quê hương giàu đẹp”. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh còn nhấn mạnh ý mà Đại tướng nhắc nhở: “Phải xem nghèo là nhục, để từ đó có ý chí thoát khỏi tốp tỉnh nghèo”.

 Đồng bào Mã Liềng, huyện Tuyên Hoá xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp để phát triển rừng trồng.
Đồng bào Mã Liềng, huyện Tuyên Hoá xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp để phát triển rừng trồng.

Một trong những nguyên nhân dễ nhận ra là xuất phát điểm, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh còn rất thấp. Nhiều địa phương trình độ sản xuất còn hạn chế, hủ tục lạc hậu, một số xã thuộc vùng miền núi, bãi ngang, ven biển đặc biệt khó khăn do địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp quy mô nhỏ, ngành nghề dịch vụ manh mún. Bên cạnh đó, thiên nhiên thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ cùng với sự cố môi trường biển đã ảnh hướng rất lớn đến công tác giảm nghèo của tỉnh.

Đó là chưa nói đến tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo, muốn hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước của không ít hộ nghèo. Đầu năm 2017, toàn tỉnh có tới 28.885 hộ nghèo; 31.106 hộ cận nghèo. Trong đó, hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc . Những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Tân Trạch 100%; Thượng Trạch 98,22%; Dân Hóa 95, 98%; Trọng Hóa 89%;..

Trăn trở của nhiều cán bộ nhân dân có tâm huyết vẫn là vì sao nhiều địa phương tỉnh ta vẫn chưa thoát nghèo, thậm chí qua hàng chục năm thực hiện công cuộc đổi mới có xã vẫn “giữ” con số 100% hộ nghèo !

Một cán bộ lãnh đạo xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa tâm sự: “Lực cản trong công tác giảm nghèo ở xã miền núi Dân Hóa còn khá nhiều, ngoài việc khó khăn của cơ sở hạ tầng giao thông thì phải kể đến ý thức một bộ phận người dân còn hạn chế, hủ tục lạc hậu vẫn còn đè nặng. Có người dù kinh tế chưa khá giả vẫn duy trì rất nghiêm tục lệ 3 lần cưới vợ, rất tốn kém lãng phí”. Trên thực tế một số xã miền núi đất sản xuất rất ít, các hoạt động nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ.  Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rất khó bởi chi phí vận chuyển, đường giao thông  trắc trở. Một số nơi còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả nặng nề của tình hình bão lũ để lại.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Cơ sở hạ tầng của xã Trọng Hóa còn một số khó khăn, đến nay có bản như Bản Koóc chưa có đường giao thông đến bản, ngoài ra, 6 bản khác của xã vẫn chưa có nguồn điện sáng”.

Ông Hoàng Minh Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hóa trao đổi: “Xã Kim Hóa đất rộng người đông, đa số là bà con giáo dân, nhưng chủ yếu là rừng nghèo kiệt, chỉ có khoảng trên 150 ha sản xuất lúa, màu. Một số diện tích được trồng cao su tiểu điền, khi cao su, thịt lợn bị rớt giá bà con nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó tỷ lệ hộ nghèo rất khó giảm”.

Phải thoát khỏi suy nghĩ thích được hộ nghèo, phải tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị bàn giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo cho  xã nghèo trên địa bàn tỉnh. Việc triệu tập một hội nghị lớn với sự hiện diện của lãnh đạo 63 xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được xem là quyết tâm chính trị của tỉnh ta trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu.

Thuận lợi lớn cho công tác giảm nghèo tỉnh ta là sự đồng thuận của “ý Đảng lòng dân”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 5 về Giảm nghèo bền vững và Giải quyết việc làm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016- 2020; UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch số 1500 về thực hiện Chương trình hành động số 5 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động để phát triển kinh tế- xã hội, góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.

Quyết tâm chính trị của  Đảng bộ tỉnh đang đi vào cuộc sống. Công cuộc đổi mới của tỉnh đã thu được những thành công tạo dấu ấn qua những năm gần đây.  Nhiều mô hình mới, những cách làm năng động sáng tạo, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, cải thiện môi trường kinh doanh hấp dẫn thông thoáng, minh bạch.

Trong cái khó đã ló nhiều cái khôn. Ngay tại hội nghị, nhiều xã nghèo đã có những giải pháp sáng tạo rất đáng khuyến khích. Xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch là một dẫn chứng sinh động. Ông Đàm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu cho biết: “Nhờ biết thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên năm 2016 cả xã có 25,8% hộ nghèo, thì đến đầu năm 2017 xã Quảng Châu còn 20,61% hộ nghèo. 

Đồng thuận cao với chương trình hành động của Thường vụ Tỉnh ủy về việc giảm nghèo bền vững, lãnh đạo xã đã phân công cán bộ đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Vấn đề này được quán triệt sâu sắc, có sơ kết, tổng kết mỗi khi bình xét danh hiệu đảng viên. Ngoài ra, xã biết đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, con số trên 400 lao động của xã được xuất khẩu nước ngoài là sự cố gắng vượt bậc” .

Điều đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta là, năm 2016,  vượt qua mọi khó khăn về sự cố môi trường biển, thiên tai thời tiết khắc nghiệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, một số xã đã làm tốt công tác giảm nghèo, có tỷ lệ giảm nghèo cao. Tiêu biểu như: Lâm Thủy: 14,1%; Phúc Trạch: 13,37%, Lâm Trạch: 12,69%...

Thời gian tới, để công cuộc giảm nghèo tỉnh ta có những bước tiến mới, cần phải triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực. Trước hết, tỉnh cần tập trung công tác tuyên truyền, trong đó, đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước, khơi dậy ý chí chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người nghèo thông qua hệ thống thông tin đại chúng.

Ngư dân huyện Bố Trạch đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi.
Ngư dân huyện Bố Trạch đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi.

Đồng thời, chú trọng tuyên truyền về cách làm hay, các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, cần nhân rộng các gương sản xuất kinh doanh giỏi, các hộ gia đình có con xuất khẩu lao động thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các xã vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng, giúp các địa phương vươn lên thoát nghèo từ việc đầu tư dịch vụ du lịch.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hàng năm, cấp ủy, chính quyền các xã phải xây dựng được kế hoạch giảm nghèo chi tiết, sát thực để tập trung lãnh đạo. Các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cần thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất và giảm nghèo cho đồng bào, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, hướng dẫn bà con cách thức tổ chức cuộc sống tiến bộ, sản xuất theo lối cầm tay chỉ việc và thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả ở các xã nghèo. Cấp ủy, chính quyền cơ sở căn cứ tình hình địa phương để phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo, xem đây là một tiêu chí xếp loại đảng viên hàng năm.

Đặc biệt, đối với nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, cần lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án với phương châm ưu tiên nguồn lực cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi, bãi ngang ven biển. Các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi  và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đồng thời hưởng ứng rộng rãi phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo”, không để ai bị bỏ lại phía sau trên địa bàn toàn tỉnh.

P.H