.

Nỗ lực để tàu 67 vươn khơi

Thứ Sáu, 24/06/2016, 13:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một trong những địa phương trọng điểm phát triển kinh tế biển của tỉnh, thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, huyện Bố Trạch đã triển khai kịp thời các dự án đầu tư phát triển vùng ven biển; động viên, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền đánh bắt tại các vùng biển xa... Đặc biệt, với “cú hích” từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đội tàu công suất lớn Bố Trạch đang vững tin vươn khơi với đầy đủ phương tiện và ngư lưới cụ hiện đại.

Xác định rõ Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là động lực để ngư dân vươn khơi. Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân tiếp cận chính sách ưu đãi. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Quá trình thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 67) trên địa bàn huyện Bố Trạch bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân hoàn thành các khâu từ đăng ký, đến tiếp cận nguồn vốn trong thời gian sớm nhất.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Bố Trạch chuẩn bị vươn khơi.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Bố Trạch chuẩn bị vươn khơi.

Không những vậy, trong quá trình thực hiện, từ lãnh đạo huyện đến Phòng Nông nghiệp và PTNT, cán bộ tín dụng chi nhánh Agribank và BIDV Bố Trạch còn chủ động tìm hiểu, động viên để ngư dân thông hiểu rồi tham gia chương trình. Nhờ đó đến nay, các khó khăn vướng mắc của ngư dân đã được tháo gỡ kịp thời.

Điều đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện Nghị định 67 ở Bố Trạch là ngư dân đã phát huy vai trò chủ thể trong việc quyết định đóng con tàu của mình. Mẫu mã con tàu được dựa trên các mẫu tàu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế ngành nghề khai thác của địa phương. Cùng với đó, ngư dân được chủ động hoàn toàn trong việc lựa chọn cơ sở để hợp đồng đóng tàu và ngân hàng để vay vốn.

Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Chính (thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) khi ông đang chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho chuyến khơi xa sắp tới sau 2 tháng nghỉ bờ vì sự cố môi trường biển.

Vẫn gương mặt rắn rỏi, tự tin của người dân miền biển, ông Chính cho biết: Được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về vốn và thủ tục khi tiếp cận Nghị định 67, tháng 9 năm 2015, sau 5 tháng thi công, con tàu có số hiệu QB92456TS với công suất 820 CV của gia đình ông chính thức hạ thủy.

Tàu có tổng vốn đầu tư 8,4 tỷ đồng, trong đó có 5,7 tỷ đồng (tương đương  70% vốn) được vay ưu đãi từ ngân hàng Agribank chi nhánh Bố Trạch. Chỉ tính riêng 3 chuyến đi câu đầu tiên ở vùng biển xa, con tàu QB92456TS của gia đình ông đã thu về 1,4 tỷ đồng (chưa kể 300 triệu đồng tiền dầu được Nhà nước hỗ trợ). Đây thực sự là động lực để ông và các thuyền viên luôn vững tin vươn khơi trên biển quê hương.

Theo số liệu báo cáo từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, tính đến nay, huyện đã có 29 tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó có 20 tàu vỏ gỗ đã hạ thủy; 4 tàu đang đóng; 4 tàu đang tiếp cận vốn ngân hàng và 1 tàu sắp hạ thủy.

Ngoài số tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67, huyện Bố Trạch hiện có 291 tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó xã Đức Trạch dẫn đầu với 243 tàu, xã Hải Trạch 28 tàu, xã Thanh Trạch 20 tàu với kinh phí hỗ trợ nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân lũy kế đến thời điểm này là trên 148 tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, toàn huyện có 922 tàu đánh cá có động cơ, trong đó có 278 chiếc công suất 90 CV trở lên. 5 năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Bố Trạch tăng bình quân 2,7 ngàn tấn/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tuy bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển nhưng tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng vẫn đạt khá với mức 8.565,9 tấn (bằng 90,99% so với cùng kỳ); trong đó sản lượng đánh bắt đạt 7.659,3 tấn (bằng 98,71% so với cùng kỳ); nuôi trồng đạt 907,6 tấn (bằng 106,28% so với cùng kỳ).

Cá về trên biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch.
Cá về trên biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch.

Trong số những xã biển của huyện Bố Trạch, xã Nhân Trạch vốn được biết đến với phương thức khai thác truyền thống chủ yếu là khai thác vùng lộng (vùng gần bờ). Toàn xã hiện có 296 tàu thuyền trong đó có hơn một nửa là bơ nan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngư dân địa phương được tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khai thác vùng biển xa nên đã mạnh dạn đóng mới tàu công suất lớn. Hiện toàn xã đã có 2 tàu công suất lớn trên 800 CV, trong đó có 1 chiếc được đóng theo Nghị định 67.

Ngư dân Nguyễn Niệm (thôn Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch), chủ tàu cá số hiệu QB92836TS, chiếc tàu cá công suất lớn đầu tiên trên địa bàn xã Nhân Trạch được đóng mới theo Nghị định 67 cho biết thêm: Ban đầu, gia đình tôi khá lúng túng trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, với sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết từ thủ tục làm hồ sơ đến vay vốn. Hiện tàu cá của gia đình có công suất 820 CV với tổng mức đầu tư là 12 tỷ đồng (trong đó có 8 tỷ đồng được vay ưu đãi). Tàu vừa hoàn thành vào đầu tháng 5 năm 2016 và chuẩn bị ra khơi chuyến đầu tiên với tổng số thuyền viên trên tàu gồm 10 người. Có tàu mới với đầy đủ phương tiện và ngư lưới cụ hiện đại như thế này, chúng tôi hoàn toàn yên tâm bám biển vươn khơi.

Khai thác tiềm năng kinh tế biển mang lại nguồn lực lớn để huyện Bố Trạch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là hiện tại nhu cầu đánh bắt vùng biển xa của người dân vẫn còn rất nhiều. Tin rằng, với những chiếc tàu 67 đã hoàn thành và hạ thủy sẽ tạo đà cho ngư dân Bố Trạch phát triển mạnh hơn nữa đội tàu đánh bắt xa bờ; đồng thời mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân có điều kiện đi biển dài ngày; vừa khai thác tiềm năng kinh tế biển, vừa góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thanh Hải