.

Đề phòng gia súc "say nắng" trong mùa hè

Thứ Hai, 27/06/2016, 18:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng 6 năm 2016, nắng nóng xảy ra trên diện rộng đặc biệt là các xã vùng núi ở huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa cũng như một số địa phương khác trong tỉnh ta nên gia súc có hiện tượng “say nắng”.

Nguyên nhân gia súc “say nắng” chủ yếu do nhiệt độ cao, bức xạ lớn khiến cho việc thải nhiệt của gia súc bị cản trở dẫn đến thân nhiệt tăng quá mức khi ánh nắng chiếu trong thời gian dài, đặc biệt là nắng chiếu trực tiếp vào đầu sẽ gây ra bệnh cảm nóng. Nắng nóng kéo dài trong khi phần lớn gia súc ở các địa phương chủ yếu chăn thả ngoài đồng làm cho thân nhiệt gia súc tăng cao, chân đi lảo đảo, choáng, thở không đều lúc nhanh lúc chậm, tim đập nhanh và tỏ ra mệt mỏi...

Các triệu chúng trên nếu để kéo dài gia súc sẽ khó thở, tĩnh mạch cổ nổi rõ lên, niêm mạc tím tái, gia súc có thể nằm liệt, co giật và hôn mê. Khi thấy các triệu chứng trên nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời, gia súc có thể chết.

Theo kinh nghiệm của bà con chăn nuôi ở các địa phương và các chuyên gia chăn nuôi ngành nông nghiệp, khi thấy hiện tượng gia súc “say nắng” bà con cần đưa gia súc vào nơi râm mát. Dùng nước mát dội từ từ và dội nhiều lần vào đầu gia súc, đến khi đầu hạ nhiệt thì tiếp tục dội các vùng khác trên thân gia súc. Nếu có nước lạnh càng tốt vì nước lạnh làm gia súc hạ nhiệt rất nhanh.

Ngoài ra, bà con có thể sử dụng thuốc trợ sức, trợ lực như đường glucoza, capein, vitaminC... hoặc dùng thuốc paracetamol (20mg/kg thể trọng) cho gia súc uống hạ nhiệt sốt rất hiệu quả. Khi thấy hồi phục sức khỏe nên cho gia súc nghỉ ngơi và không lao động từ 4-5 ngày.

Cùng với việc điều trị bằng thuốc tây, bà con có thể áp dụng những bài thuốc nam rất có hiệu quả như: dùng 100g bột sắn dây pha với 300ml nước sạch hòa tan cho gia súc uống thay nước (cứ sau 1 giờ cho uống 1 lần) hoặc dùng 100g lá rau diếp cá và 100g rau má rửa sạch đem giã nhỏ cho vào 200ml nước trộn đều vắt lấy nước cho gia súc uống mỗi ngày 2 lần.

Lê Chiêu Phùng