.

Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến phù hợp với biến đổi khí hậu

Thứ Tư, 18/05/2016, 15:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 18-5, Sở Nông nghiệp-PTNT tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ một số kết quả trong nghiên cứu biện pháp kỹ thuật theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) phù hợp với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa tại Quảng Bình.

Trình bày tham luận chia sẻ về các vấn đề liên quan đến canh tác lúa cải tiến với biến đổi khí hậu
Toàn cảnh hội thảo.

SRI là một hệ thống canh tác (thâm canh) lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Đây là hệ thống canh tác tổng hợp các biện pháp thâm canh lúa nhằm phát huy tiềm năng di truyền vốn có của cây lúa để thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát triển, tạo năng suất cao và tăng hiệu quả sử dụng đất và nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia các tham luận chia sẻ về các vấn đề liên quan đến canh tác lúa cải tiến với biến đổi khí hậu gồm: sự cần thiết áp dụng SRI tại Quảng Bình; một số biện pháp kỹ thuật theo hướng thâm canh lúa cải tiến trong sản xuất lúa chất lượng tại tỉnh ta; ảnh hưởng của quản lý nước, phân bón và SRI đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên cây lúa tại tỉnh ta và Thừa Thiên-Huế.

Theo đó, SRI được giới thiệu ở Việt Nam từ năm 2003 và được thí điểm ở một số tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc. Riêng tại tỉnh ta, canh tác lúa cải tiến SRI đã được áp dụng từ năm 2012. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng với tổng diện tích 619ha trên địa bàn 8 xã ở 4 huyện, thị xã gồm: Lệ Thủy 183ha, Quảng Ninh 316ha, Bố Trạch 45ha và Ba Đồn 30ha.

Qua đánh giá phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI trên địa bàn tỉnh ta trong 3 năm qua cho thấy, việc áp dụng SRI đã giảm được khoảng 50-60% lượng giống; nông dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả hơn so với canh tác truyền thống; giảm khoảng 20-30% lượng đạm so với canh tác truyền thống; diện tích áp dụng SRI có hiệu quả vượt trội so với canh tác truyền thống, năng suất tăng bình quân 8%, nơi cao đạt 13%; lợi nhuận tăng 35%... Như vậy, rõ ràng canh tác theo SRI thể hiện rõ ưu thế đối phó với cây lúa đối với những tác động của biến đổi khí hậu trong những năm vừa qua.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay, việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa để ngày càng thích nghi với biến đổi khí hậu là điều cần thiết. Vì vậy, kỹ thuật SRI trên cánh đồng là giải pháp tích cực nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Hiện nay, nông dân ở các địa phương trong tỉnh có điều kiện để áp dụng phương pháp canh tác mới và hiệu quả này, tuy nhiên để diện tích ứng dụng ngày càng được mở rộng thì ngoài những giải pháp về phát triển hệ thống hạ tầng rất cần sự thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong phương thức canh tác... 

N.L