.

Xây dựng nông thôn mới ở Cảnh Hóa: Nhiều khó khăn chồng chất

Thứ Tư, 29/07/2015, 15:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch, những năm qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Cảnh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương nhưng đến nay Cảnh Hóa chỉ mới đạt được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Cảnh Hóa chưa có tiêu chí nào đạt được. Và từ nhiều năm nay, khó khăn lớn nhất về quỹ đất và vốn luôn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Mặc dù là xã nông nghiệp nhưng hàng trăm hộ dân ở Cảnh Hóa đang phải đối mặt với cảnh thiếu đất sản xuất.

Theo thống kê, toàn xã có 1.174 hộ  với hơn 4.800 nhân khẩu nhưng chỉ có 83 ha đất sản xuất, bao gồm cả đất trồng lúa nước và hoa màu. Nếu may mắn thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho bà con trong vòng khoảng 6 tháng, 6 tháng còn lại họ phải xoay xở theo nhiều phương kế khác. Đặc biệt vụ sản xuất hè-thu năm 2015 này xã có 41 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng trong đó có 12 ha đất thiếu nước trầm trọng, đành bỏ hoang chờ vụ đông-xuân 2015-2016.

Hiện tại toàn xã có 7 thôn nhưng có 2 thôn “trắng” đất trồng lúa, lại thêm không có ngành nghề khác nên một số người dân phải vào rừng chặt củi, đốt than kiếm thêm thu nhập hoặc đi làm thuê, còn số khác chọn con đường “ly hương” làm ăn tại các tỉnh miền Nam. Thiếu đất, lương thực không bảo đảm khiến đời sống của người dân hết sức bấp bênh.

Tiêu chí giao thông là một trong những vấn đề nan giải trong lộ trình xây dựng nông thôn mới ở xã Cảnh Hóa.
Tiêu chí giao thông là một trong những vấn đề nan giải trong lộ trình xây dựng nông thôn mới ở xã Cảnh Hóa.

Bài toán khó trong xây dựng nông thôn mới ở Cảnh Hóa không chỉ là thiếu đất mà chính quyền địa phương còn phải đối mặt với “cơn khát vốn” từ nhiều năm nay. Kinh tế chậm phát triển, Cảnh Hóa gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ phía người dân. Đây chính là rào cản đáng ngại trên lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Cảnh Hóa.

Theo đề án xây dựng nông thôn mới của xã, tổng nhu cầu vốn hiện tại để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới khoảng trên 23 tỷ đồng. Một con số quá lớn, vượt xa khả năng tài chính hiện có của xã. Xác định phát triển kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, nên những năm qua chính quyền xã Cảnh Hóa đã có nhiều biện pháp thích hợp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.

Ngoài việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân đã tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại, trang trại. Đến nay, tổng đàn gia súc của toàn xã có hơn 460 con, tổng đàn gia cầm trên 20.000 con. Với phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Cảnh Hóa đã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, cho thu nhập cao hàng năm như: các mô hình chăn nuôi lợn, nuôi bồ câu nhốt, mô hình gà thả vườn...

Tận dụng diện tích đất vườn, gia đình ông Phạm Văn Kính ở thôn Kinh Tân đã đầu tư vốn vào việc xây dựng chuồng trại, vây lưới xung quanh vườn để nuôi gà thương phẩm. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ việc tiêm vắc xin phòng bệnh, bảo đảm đủ thức ăn và nước uống nên đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Mỗi năm ông Kính nuôi được 6-7 lứa gà, mỗi lứa nuôi được khoảng 1.000-1.500 con.

Cứ theo chu trình gối vụ, khoảng 3 tháng ông Kính lại xuất bán một lứa gà, đạt trọng lượng từ 1,5-2kg/con, với giá bán từ 90-100 nghìn đồng/kg. Sau khi đã trừ chi phí, tổng thu nhập từ nuôi gà, bình quân mỗi năm ông Kính thu về hơn 200 triệu đồng. Thời gian tới, ông Kính có kế hoạch mở rộng thêm diện tích để nâng cao hiệu quả từ nuôi gà, tăng thu nhập cho gia đình.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo và an sinh xã hội, nhưng đến nay, xã Cảnh Hóa vẫn chưa đạt được tiêu chí về thu nhập và tiêu chí hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người của người dân vẫn chưa đến 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,1%.

Hiện tại xã Cảnh Hóa mới chỉ đạt được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm tiêu chí quy hoạch, chợ, trạm y tế, bưu điện, giáo dục, hệ thống chính trị, an ninh trật tự và tiêu chí thủy lợi. Phấn đấu cuối năm 2015 này, xã sẽ đạt thêm 3 tiêu chí đó là trường học, nhà ở, việc làm. Tuy nhiên theo nhận định của chính quyền địa phương, tiêu chí về trường học rất khó thực hiện bởi nguồn vốn huy động được quá ít.

Không chỉ loay hoay với bài toán khó về thu nhập, hộ nghèo, tiêu chí môi trường cũng đang là “nút thắt” khó gỡ đối với chính quyền xã Cảnh Hóa. Thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân vẫn còn hạn chế, các giải pháp khắc phục tình trạng nói trên vẫn thiếu tính khả thi nên khoảng cách để Cảnh Hóa “cán đích” tiêu chí này vẫn còn quá xa vời.

Với xã đặc biệt khó khăn như Cảnh Hóa, để hoàn thành nốt 11 tiêu chí còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình. Ngoài  sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, xã Cảnh Hóa rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành và các dự án để hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

X.Phú-H.Thi