.

Quản lý môi trường vùng bờ: Đối mặt với nhiều thách thức

Thứ Tư, 06/05/2015, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Sở hữu bờ biển dài hơn 116km, Quảng Bình có đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo để phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng như khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển… Chính vì tiềm năng đa ngành nên nhiều ngành kinh tế cùng khai thác, sử dụng trên một không gian bờ và biển đảo, việc quản lý tài nguyên theo mỗi ngành riêng lẻ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các ngành. Bởi vậy, tài nguyên và môi trường ven biển đang ngày một bị tổn thương nhiều hơn, do đó cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Hoạt động vận tải thủy cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường vùng bờ.
Hoạt động vận tải thủy cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường vùng bờ.

Nhiều thách thức

Mặc dù giàu tài nguyên và có tiềm năng lớn để phát triển, song dải ven biển tỉnh ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tài nguyên và môi trường. Nguồn lợi hải sản và các tài nguyên thủy sinh có chiều hướng suy giảm. Chất lượng nước ven bờ, đặc biệt là tại các vùng nước cửa sông, bến cảng, các khu đô thị và dân cư ven biển đang ô nhiễm.

Tại các cảng cá Nhật Lệ, cảng Gianh... đã có hiện tượng ô nhiễm dầu.  Nguồn ô nhiễm dầu chủ yếu do tình trạng phát thải của giao thông đường thuỷ, tàu thuyền có sử dụng động cơ và một số hoạt động sản xuất công nghiệp trên bờ. Tại nhiều điểm quan trắc, môi trường nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dinh dưỡng, ô nhiễm hữu cơ và kim loại. Ngoài ra, nguồn nước thải công nghiệp chủ yếu phát sinh từ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống với hàm lượng cao các chất hữu cơ và dinh dưỡng; các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng là các nguồn phát sinh rất lớn các chất thải nguy hại đến môi trường vùng bờ.

Bên cạnh đó, hiện tượng bồi lấp và xói lở tại nhiều vùng cửa sông, ven biển và các khu vực cảng ngày một nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái ven biển. Theo báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tỉnh Quảng Bình năm 2014, tình hình sạt lở bờ sông toàn tỉnh diễn ra tại 64 xã với chiều dài 180km, trong đó có 109km bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trên 116,04km bờ biển tỉnh có khoảng 32 đoạn bờ bị xói lở với tốc độ và chiều dài khác nhau.

Hơn nữa, Quảng Bình là nơi chịu thiệt hại nhiều do thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng, nơi chịu tác động bởi hiện tượng cát bay, cát chảy và tiềm ẩn nguy cơ gió lốc, vòi rồng, trong đó có các tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu. Dân số vùng ven biển vẫn gia tăng và đa số họ làm nghề nông, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, đời sống chủ yếu nhờ vào nguồn lợi biển nên thiếu ổn định, tỷ lệ nghèo còn cao...

Nỗ lực trong công tác bảo vệ

Trước những sức ép ô nhiễm môi trường của đất liền đối với vùng bờ, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ môi trường. Có thể kể đến việc dành kinh phí cho các hoạt động môi trường của tỉnh luôn được ưu tiên ở mức cao. Cùng với đó, bộ máy cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến các địa phương cũng được kiện toàn. Các địa phương đều đã thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường và đã bố trí cán bộ chuyên trách.

Nguồn nước ở một số vùng bờ đã bị ô nhiễm do chất thải từ các chợ cá, khu dân cư...
Nguồn nước ở một số vùng bờ đã bị ô nhiễm do chất thải từ các chợ cá, khu dân cư...

Để cán bộ các cấp và cộng đồng dân cư hiểu vai trò quan trọng của môi trường biển và trách nhiệm chung tay bảo vệ, công tác tập huấn tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã được tăng cường thực hiện thông qua các sự kiện như: kỷ niệm Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học... Công tác quản lý chất thải, nguồn thải gây ô nhiễm trước khi xả thải vào các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển được chú trọng. Công tác quan trắc định kỳ chất lượng môi trường nước biển ven bờ được thực hiện với tần suất 4 đợt/năm nhằm theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng nước để kịp thời phát hiện, xử lý.

Hiện tỉnh cũng đang triển khai thực hiện các dự án xây dựng, củng cố đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển như dự án xây dựng, củng cố đê, kè, chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp đê, kè...

Bên cạnh đó, tỉnh đã có quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đồng thời hoàn thiện các quy phạm pháp luật về thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và du lịch... Phối hợp với các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Phát triển Châu Á triển khai dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; hợp tác với JICA (Nhật Bản) triển khai dự án Phục hồi quản lý bền vững rừng phòng hộ...

Ông Phan Đình Hùng, Phó Trưởng phòng Biển và Hải đảo, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường vùng bờ, tuy nhiên những nguy cơ, sức ép ô nhiễm môi trường từ đất liền đối với vùng biển đang ngày một phức tạp hơn.

Do đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển vẫn là vấn đề cấp thiết cần quan tâm giải quyết. Trong đó, việc phân khu sử dụng vùng bờ là việc làm quan trọng nhất nhằm phát huy tốt trách nhiệm của mỗi cấp, ngành trong việc bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả tiềm năng vùng bờ. Tất cả mọi người dân cũng cần chung tay nâng cao ý thức trách nhiệm của mình để bảo vệ một môi trường biển quê hương trong sạch, giàu tài nguyên.

Lê Mai