.

Lập nghiệp trên vùng đất khó

Thứ Tư, 06/05/2015, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ một vùng đất cằn sỏi đá, nhờ chủ nhân biết đầu tư vun trồng, giờ đây đã biến thành một vườn cây có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đó là vườn thanh long ruột đỏ của anh Chu Quốc Việt, thôn 2, xã Quảng Kim (Quảng Trạch).

Vườn thanh long ruột đỏ của anh Chu Quốc Việt.
Vườn thanh long ruột đỏ của anh Chu Quốc Việt.

Do điều kiện gia đình khó khăn nên Việt không được học hành như những bạn cùng trang lứa, ở tuổi 16, 17 Việt đã tìm đường vào Nam làm thuê. Sau 10 năm trồng thuê và chăm sóc cây thanh long tại đất Bình Thuận nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, anh quyết định trở về Quảng Bình thuần hóa cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất cằn, sỏi đá ở quê hương. Bước đầu tuy gặp khó khăn nhưng anh đã luôn tìm cách vượt qua, bởi anh đã khẳng định rằng hướng đi của mình là đúng.

Qua thời gian trồng và chăm sóc thanh long ở Bình Thuận, anh thấy thanh long ruột đỏ là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất đồi, đất sỏi đá, lại ít sâu bệnh, chỉ cần phủ rơm rạ để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng là thanh long phát triển tốt. Lúc anh có ý định mở mô hình, người thân trong gia đình ai cũng sợ không mang lại hiệu quả kinh tế và không tiêu thụ được, anh cũng thấy lo nên đành trồng thử 3 gốc trước để xem có hợp với quê mình hay không. Khi trồng thử nghiệm thấy cây phát triển rất nhanh và đơm hoa kết trái như thường, anh mới bắt tay phát quang bụi rậm, đào đất, đắp ụ rồi trồng đại trà 200 trụ đầu tiên, lứa đầu tiên cho thu nhập cũng gần 17 triệu đồng.

Điều khiến anh lo lắng lúc ban đầu là vốn và việc khai phá đất đai. Những năm đầu, khi mới bước chân lên vùng đồi Quảng Kim thì vùng này đất đai gồ ghề, cây cối bụi rậm, đá sỏi...; cứ đặt xà beng và cuốc xuống là chùn tay, nhưng để tiết kiệm vốn vay, chỉ thuê máy móc ở những chỗ đất xấu nhất mà cuốc và xà beng không thể làm được nên anh phải cố gắng. Thế nhưng, bù lại sự chăm chỉ khó nhọc ấy cây thanh long không phụ lòng người, mỗi năm thu về cho gia đình anh hàng chục triệu đồng.

Khi được hỏi về khâu trồng và chăm sóc, anh Việt vui vẻ cho biết: Thanh long ruột đỏ tuy dễ trồng nhưng tốn nhiều công chăm sóc, đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật cũng như cách xử lý cho cây ra hoa quanh năm. Khi bắt đầu trồng phải dựng trụ bê tông cao 1,5m, cạnh vuông 12-15cm, trụ được chôn sâu 0,5-0,6m và tiến hành làm ụ để thoát nước. Khi chọn giống thì nên chọn các cành to, khoẻ, thẳng, không bị sâu bệnh, tuổi cành trên 6 tháng. Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 4 - 5 ngày/ 1 lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên cần chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc vì sẽ làm úng gốc.

Đây là giống thanh long ruột đỏ nên loại quả màu sắc hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng cao, mặt khác, giống thanh long mỗi vùng đất cho trái có hương vị khác nhau. Trồng ở đất đồi Quảng Bình thanh long ruột đỏ cho trái tuy nhỏ hơn ở Bình Thuận, nhưng trái ngọt nên được ưa chuộng trên thị trường và rất dễ bán.

Hiện nay, vườn của anh có 400 gốc thanh long đã cho thu nhập, anh đang tiếp tục làm thêm trụ xi măng để trồng thêm 600 gốc trong năm nay. Khoảng 2 năm là cây cho thu hoạch quả nên anh trồng xen trong vườn thanh long những cây ngắn ngày khác như dưa, mướp đắng, lạc... để lấy ngắn nuôi dài.

Bước đầu, nhiều người trong làng cũng đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm để trồng giống cây này. Từ mô hình của Việt mà trong và ngoài xã một số hộ cũng trồng thử và đang tiếp tục phát triển mô hình. Với điều kiện như hiện nay, phân tro, nguồn nhân lực có sẵn và lại dịch bệnh chưa xuất hiện, đó là điều kiện tốt để cây thanh long phát triển trên vùng đất cằn sỏi đá này. “Là thanh niên thì không ngại khó, ngại khổ, khó khăn chỉ là trước mắt; nghị lực vượt khó của bản thân mới là lâu dài tạo động lực để mình cố gắng hơn”, anh Việt chia sẻ.

Đây mới là năm thứ 2 được hưởng thành quả của mình sau nhiều năm nuôi dưỡng ước mơ trồng thanh long ruột đỏ, song nụ cười niềm nở của anh khi tiếp chúng tôi đã cho thấy anh thật sự vui mừng. Hy vọng rằng mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình khác học tập, làm theo.

T.Hoa- Ngọc Oai