.

Minh Hóa: Nông sản đi qua "khe cửa" hẹp

Thứ Năm, 17/07/2014, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ mong một vụ mùa bội thu, sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra bán được giá để bù đắp chi phí sản xuất. Thế nhưng khi nông sản dư giả lại vướng “đầu ra” nên phải chịu cảnh bán tống, bán tháo để vớt vát chút đỉnh.

 

Người dân Minh Hóa thu hoạch lạc vụ đông-xuân 2013-2014.
Người dân Minh Hóa thu hoạch lạc vụ đông-xuân 2013-2014.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ lạm bàn đến một loại hàng nông sản đã đem đến nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn cho nông dân, cho các doanh nghiệp thu mua ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa do sự “lên xuống” của thị trường. Đó là cây lạc!

Theo đó, vụ sản xuất đông-xuân 2013-2014, toàn huyện Minh Hóa gieo trồng được 3.239,7ha, đạt 90,9% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước bằng 94,2%; tổng sản lượng lương thực dự ước 6.609 tấn, đạt 88,7% kế hoạch, bằng 98,04% cùng kỳ. Trong đó, cây lạc có diện tích gieo trồng 1.205ha, đạt 120,5% kế hoạch; năng suất bình quân 17,2 tạ/ha, đạt 73,2% kế hoạch; sản lượng 2.072,6 tấn, đạt 88,2% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước bằng 82,7%.

Trao đổi với chúng tôi về vụ lạc năm nay, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa cho biết, những năm qua, cây lạc trở thành cây trồng chủ lực của bà con nông dân vì bán được giá nên thu lãi nhiều hơn so với các loại nông sản khác. Đến mùa thu hoạch, bà con chỉ cần mang lạc về nhà tách hạt và phơi khô là có doanh nghiệp đến thu mua ngay, thậm chí ở những cánh đồng lạc chất lượng họ sẵn sàng mua tại ruộng. Nhờ cây lạc được giá nên bà con nông dân có “của ăn, của để”, đời sống gia đình nhờ đó mà bớt khó khăn hơn.

Tuy nhiên đến mùa sản xuất này, năng suất và sản lượng cây lạc thấp hơn nhiều so với những mùa vụ trước, đồng thời giá bán cũng chỉ còn 15.000 đến 16.000 đồng/kg, trong khi năm trước giá dao động từ 17.000 đến 21.000 đồng/kg. Do vậy nguồn thu từ lạc không đủ bù chi phí về giống, phân bón và công sức người nông dân đã bỏ ra.

Anh Đinh Xuân Tiến ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa tâm sự, mấy năm trước gia đình tui nhờ lạc mà sắm sửa các vật dụng sinh hoạt, con cái được chăm sóc kỹ càng hơn. Bước sang vụ mùa này, do thời tiết thất thường nên năng suất thấp hơn cùng với mất giá nên thu hoạch xong cũng vừa đủ chi tiêu tằn tiện trong gia đình.

Nói về giá cả thất thường của nông sản nói chung và lạc nói riêng, ông Trần Văn Diến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Diến Hồng (đơn vị tham gia dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Quảng Bình-Dự án SRDP) cho biết, cả vụ mùa này, toàn thể công ty vất vả theo cây lạc vì theo truyền thống, hàng năm doanh nghiệp đều trực tiếp thu mua sản phẩm cho bà con nông dân huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và các huyện phía tây tỉnh Hà Tĩnh.

Thế nhưng năm nay lạc rớt giá bất thường khiến người nông dân đã khổ mà doanh nghiệp cũng lao đao vì lỗ quá lớn. Một trong những nguyên nhân lạc năm nay rớt giá là do sự bất ổn của thị trường. Trước đây khi thị trường Trung Quốc rất “dễ tính”, hàng nông sản của nước ta đưa lên biên giới đều được xuất khẩu nhanh gọn, nay thì “kén” hơn vì họ đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, giá cũng thấp hơn nhiều so với trước, từ 15.500 đến 16.000 đồng/kg đầu vụ, nay chỉ còn 13.000 đến 13.500 đồng/kg. Một tuần may ra mới có được một xe hàng thông quan để xuất sang biên giới, các doanh nghiệp lỡ gom hàng nhiều chỉ biết kêu trời vì lỗ nhưng không biết bán cho ai.

Lạc tập kết tại kho chờ tiêu thụ.
Lạc tập kết tại kho chờ tiêu thụ.

Ngoài ra, riêng về mặt hàng lạc thương phẩm, hiện chúng ta phải cạnh tranh với lạc của Ấn Độ và Nam Phi. Mặc dù phải vận chuyển bằng đường biển về Hải Phòng rồi mới đưa lên các cửa khẩu phía Bắc, nhưng lạc Ấn Độ có chất lượng cao, giá vẫn rẻ hơn lạc của Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí vận tải cao gần gấp đôi so với trước, giá giống, phân bón... cũng “leo thang” khiến lạc thương phẩm của Việt Nam rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nước trong khu vực.

Hiện trên địa bàn tỉnh ta đang triển khai rất nhiều dự án nhằm tạo sinh kế cho người nghèo ở nông thôn và miền núi. Trong đó có dự án SRDP triển khai tại 40 xã khó khăn trên địa bàn 6 huyện (trong đó có Minh Hóa) và thị xã Ba Đồn, trải qua nhiều lần hội thảo, tham vấn các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, SRDP đã quyết định lựa chọn ngành hàng tiềm năng cấp tỉnh gồm 8 sản phẩm, đó là: bò, gà, ong, ngô, lạc, keo, mây tre và lúa.

Tuy nhiên, nếu không có chiến lược mang tầm vĩ mô thì nguy cơ không có đầu ra cho sản phẩm là điều khó tránh khỏi, nhất là thời điểm hiện nay thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng, một chuyên gia về kinh tế cho hay.

Bàn riêng về cây lạc ở huyện Minh Hóa để nói chuyện nông sản trong toàn tỉnh, khi sản phẩm các loại đều chủ yếu bán thô ra thị trường chứ chưa phải là hàng hóa đã có sự tuyển chọn có chất lượng để xây dựng nên các thương hiệu mạnh. Nhưng phải nhìn nhận rằng, lĩnh vực trồng trọt đã và đang nuôi sống hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh, do vậy nếu không có chính sách mở rộng thị trường tiêu thụ, dự đoán cung cầu, thực hiện canh tác khoa học để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... thì có lẽ nông sản luôn luôn náu mình chờ đi qua “khe cửa” hẹp trong sân chơi kinh tế toàn cầu hiện nay.

Minh Văn