.

ADB hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á

Thứ Bảy, 19/07/2014, 10:03 [GMT+7]

Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2014 công bố ngày 18-7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2014 từ mức dự đoán tăng 5% đưa ra hồi tháng Tư xuống 4,7%, do diễn biến chính trị phức tạp tại một số quốc gia, cũng như nhu cầu nhập khẩu từ ngoài khu vực giảm.
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: philstar.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: philstar.com)

Báo cáo của ADB nêu rõ, trong quý I-2014, tăng trưởng kinh tế Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đã chậm lại ở mức 5,2%, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu tụt thấp và các lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với một số mặt hàng khoáng sản khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước đó, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo rằng nền kinh tế đất nước "vạn đảo" sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự bất ổn trong dài hạn sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tuần trước, kèm theo đó là đà tăng trưởng kinh tế chậm (hiện đang đứng ở mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua), cũng như hoạt động đầu tư nước ngoài thưa dần.

Trong khi đó, kinh tế Thái Lan lại giảm 0,6% trong ba tháng đầu năm 2014, do tình hình bế tắc chính trị đã tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ nội địa và ngành du lịch - được coi là một trong những lĩnh vực mang về nhiều ngoại tệ cho nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, ADB cho rằng lòng tin của người tiêu dùng Thái Lan và chỉ số lòng tin tiêu dùng của nước này đang cải thiện đáng kể sau sự kiện quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính hồi tháng Năm vừa qua. Theo ngân hàng này, có một số tín hiệu ban đầu cho thấy kinh tế Thái Lan có thể phục hồi khiêm tốn trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, ADB cho biết thêm, căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng Năm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ ngoại giao, thương mại giữa hai nước, đồng thời tác động đến đà tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, các thông tin gần đây đều cho thấy triển vọng kinh tế của khu vực Đông Nam Á đang yếu đi, khiến ADB chỉ đưa ra mức dự báo tăng trưởng 5,4% cho khu vực này vào năm 2015. Song đối với toàn khu vực châu Á (gồm 45 nước), ADB vẫn giữ nguyên mức ước tính tăng trưởng GDP trong năm 2014 và 2015 lần lượt ở mức 6,2% và 6,4%, đồng thời nâng dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Á từ mức 5,8% lên 6,1% vào năm 2015.

Theo Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)