.

"Mỗi ca từ, nốt nhạc bật ra từ con tim..."

Thứ Sáu, 28/11/2014, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông nói rằng, dường như tự bao giờ, những làn điệu dân ca ngọt ngào của quê hương đã chảy trong huyết quản của mình, để rồi lúc nào đó từ con tim bật lên những ca từ, nốt nhạc. Đó là nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, một tên tuổi gắn liền với bài ca đi cùng năm tháng "Tình ta biển bạc đồng xanh".

- Trước khi sáng tác nhạc, được biết ông đã là nhạc công đàn violon của Đoàn văn công Quảng Bình. Chuyển sang học lý luận-sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội là từ mong muốn của ông hay do cơ duyên nào?

- Không phải là chuyển sang học lý luận-sáng tác, mà gần như là song song. Năm 1967, tôi là một nhạc công đi học về đàn, đoàn cử đi thì cứ nghĩ phải học đàn cho tốt để phục vụ cho đoàn.

Thực ra cũng ít nghĩ đến việc học sáng tác bởi thời đó chủ yếu sử dụng những tác phẩm của các nhạc sĩ Trung ương, rất nhiều nhạc sĩ đi chiến trường, vì thế mà Quảng Bình cũng có nhiều sáng tác hay. Nhưng quá trình học đàn thì tôi thấy việc học lý luận-sáng tác rất cần cho mình. Thế là song hành, tôi tham gia thêm lớp học lý luận-sáng tác.

- Nói đến sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, người ta nghĩ ngay đến ca khúc "Tình ta biển bạc đồng xanh", một tình khúc khá nổi tiếng. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh nào?

- Bài hát này tôi sáng tác năm 1973. Hồi đó, đoàn văn công có chương trình đi biểu diễn cho đồng bào các xã vùng biển theo kiểu cuốn chiếu, từ Cảnh Dương đi vào cho đến Vĩnh Linh. Đêm biểu diễn, ngày thì cùng sinh hoạt với ngư dân, nông dân; có lúc cùng xuống biển, có lúc lại lên ruộng lên nương. Cứ lặp đi lặp lại như thế rồi bỗng hình thành trong tôi cái tứ Biển Bạc-Đồng Xanh. Mà đất nước mình trải dài theo biển và rừng, gần như nơi nào cũng bên biển bên rừng; con người Việt Nam thì yêu lao động và luôn trăn trở dựng xây quê hương.

Cái tứ đó thấm đẫm vào tôi, hết thời gian biểu diễn dọc tuyến biển đó thì bài hát Tình ta biển bạc đồng xanh ra đời. Năm 1976 tôi gửi bài hát này ra Đài tiếng nói Việt Nam và được phát trên sóng, do Phan Huấn và Tuyết Thanh song ca đầu tiên.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương.

- "Tình ta biển bạc đồng xanh" được sáng tác từ rất lâu, được yêu thích từ rất sớm và trải qua thời gian, qua nhiều thế hệ và nhiều lứa tuổi vẫn được yêu thích. Có thể giải thích điều đó từ góc nhìn của người sáng tác về bài ca đi cùng năm tháng này?

- Âm hưởng chính của bài hát này là tình yêu quê hương, là niềm vui lao động, trong đó có tình yêu nam nữ. Tôi không viết về chiến tranh, không có địa danh cụ thể nào cả, không có màu sắc chính trị...Tôi nghĩ, chính giai điệu ngọt ngào (tiết tấu là một điệu van) hòa quyện với chất men tình yêu quê hương, tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa...đã lay động hồn người. Mọi thứ đều có giới hạn, chỉ Tình yêu quê hương đất nước - Tình yêu đôi lứa - Tình yêu lao động mãi  mãi trường tồn. Nghe bài hát, ai cũng thấy có mình trong đó!

- Phần lớn ca khúc của nhạc sĩ đậm chất dân ca miền Trung, đó là mạch nguồn đời sống tâm hồn của người dân miền Trung nói chung, Quảng Bình nói riêng chảy vào nhạc một cách tự nhiên hay sự cố ý về kỹ thuật trong sáng tác nhằm "mềm hóa" các giai điệu?

- Có lẽ tôi cũng như nhiều người con của miền Trung nói chung, Quảng Bình nói riêng, lớn lên trên vùng đất này thì dân ca đã chảy vào trong huyết quản. Mỗi ca từ, nốt nhạc bật ra là từ con tim và người nghe nhận thấy sự mềm mại, ngọt ngào của dân ca, chứ không thể lấy dân ca để nhào nặn thành ca khúc của mình. Nghệ thuật là một bông hoa của chính người sáng tạo chứ không của ai khác. Lý luận sáng tác (hay nói cách khác là kỹ thuật) nó phải được tiêu hóa trong bản thân nhạc sĩ rồi chứ không thể gò ép vào được.

- Có một số người cho rằng, trong một ca khúc, ca từ chiếm vị trí quan trọng hơn, nhưng cũng có người nghĩ rằng ca từ và giai điệu-tiết tấu phải quyện vào nhau mới có một nhạc phẩm hay. Ví dụ, cùng nói về nhạc Trịnh Công Sơn, có người ví Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn, nhạc chỉ là “chiếc xe tải” chở thơ ông đến với mọi người, còn nhạc sĩ Văn Cao lại nói rằng nhạc Trịnh Công Sơn là "những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt". Nhạc sĩ nghĩ sao?

- Một ca khúc hay thì rõ ràng đó là sự hòa quyện giữa nhạc và lời. Nhưng tôi nghĩ, nếu cần phải xác định ưu tiên thì nhạc vẫn quan trọng hơn, bởi khi nhạc hay thì nó sẽ làm cho ca từ bay bổng, ngược lại, nếu ca từ hay mà nhạc không hay thì ca khúc cũng khó mà đi vào lòng người.

Với Trịnh Công Sơn thì theo tôi là một trường hợp đặc biệt. Tôi thích ý nói thứ nhất hơn. Ông là một nhà thơ lớn, phần ca từ quá xuất sắc nên đã làm cho nhạc của ông có sự khác biệt chứ không phải là phần nhạc

- Có những ca khúc cả phần nhạc và ca từ do nhạc sĩ sáng tác nhưng cũng có những ca khúc nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của người khác, có gì khác nhau về kỹ thuật, về cảm xúc?

- Rõ ràng cái mà mình làm ra hoàn toàn bao giờ cũng dễ (sáng tác ca khúc cả phần nhạc và phần ca từ). Còn phổ nhạc từ thơ người khác không dễ, nói chính xác phần lớn là phỏng thơ thì đúng hơn, bởi nhạc sĩ đã có sự thay đổi ít nhiều lời của bài thơ. Không phải nhạc sĩ nào cũng phổ thơ được (theo nghĩa để có ca khúc hay). Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ nổi tiếng về phổ thơ. Phải là người đa tài mới có thể chiều theo lời thơ của người khác mà vẫn có một ca khúc hay. Đó là một năng khiếu riêng.

- Có thể gọi đó là sự đồng điệu giữa nhà thơ và nhạc sĩ để có một ca khúc phổ thơ hay?

- Cũng có thể nói như vậy nhưng không hoàn toàn đúng. Bởi, có những bài thơ khi phổ nhạc, nhạc sĩ phải phá ra, do thanh âm thơ có khi chưa phù hợp với nhạc, ví dụ câu thơ có nhiều thanh bằng hoặc có nhiều thanh trắc quá... Vì thế, khi phổ nhạc từ thơ người khác, nhạc sĩ đã phải dày công lựa chọn những bài thơ ngoài nội dung phù hợp điều mình muốn còn phải giàu chất nhạc trong đó rồi.

- Khi phổ nhạc một bài thơ, nhạc sĩ có phải xin ý kiến của tác giả bài thơ?

- Không cần phải xin.

- Thế có vi phạm bản quyền?

- Khi mình phổ nhạc thơ họ, thì họ đã mừng rồi (Cười).

- Đã có trường hợp nào nhà thơ kiện các nhạc sĩ về chuyện này?

- Cũng có, nhưng hiếm. Có những ca khúc phổ thơ làm lời thơ dở đi, nhưng phần nhạc lại làm nhiều người biết đến bài thơ. Tôi nghĩ người làm thơ biết điều đó và đồng tình.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương chuẩn bị ra 3 đĩa nhạc Sóng nước miền Trung 1, 2 và 3.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương chuẩn bị ra 3 đĩa nhạc Sóng nước miền Trung 1, 2 và 3.

- Một sáng tác mới nhất của nhạc sĩ là "Vị thánh lòng dân" viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là phỏng thơ Nguyễn Trọng Tạo. Vì sao nhạc sĩ chọn bài thơ này để phổ nhạc ? Phải chăng đây là sự đồng điệu giữa nhạc sĩ và nhà thơ để cùng bật lên giai điệu và ca từ vừa ngọt ngào vừa hào sảng về Đại tướng?

- Tôi đọc tập thơ chọn lọc 103 bài thơ về Đại tướng thì có nhiều bài thể hiện sự sân si (ý nói về tình cảm thương tiếc Đại tướng, nghĩ về Đại tướng mà ức giận về những điều xấu, người xấu... đang hiện hữu - PV). Tôi lại nghĩ khác, tôi muốn tìm một bài thơ nói về trí tuệ, đức độ, tầm vóc của Đại tướng hơn là chuyện sân si. Tôi thấy bài thơ "Bất tử" hợp với lòng tôi, hay nói cách khác, tôi đồng điệu với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nên tôi chọn bài này để phổ nhạc.

Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn có một số chữ dùng thuật ngữ mà nếu để nguyên khi nghe sẽ có người khó hiểu nên tôi phải thay đổi. Ví dụ, trong bài thơ có câu "trái tim hồng thành Xá lị, Kim đan" thì tôi phải sửa thành "bởi trái tim người chính đại quang minh". Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ, lại là một nhạc sĩ nữa nên đòi hỏi tôi phải dày công, làm sao để anh ấy thấy ca khúc "được".

- Có người nói rằng, ca khúc do nhạc sĩ sáng tác vẫn đậm về Huế hơn là Quảng Bình, điều này có đúng và vì sao?

- Đâu phải thế. Tôi sống ở Bình-Trị-Thiên và mỗi vùng tôi đều có sáng tác ca khúc. Ví dụ, ở Huế tôi có "Thành Huế chúng mình thương", "Nhớ Ngự Bình", "Tiếng dạ tiếng thương"..., thì ở Quảng Bình tôi có  "Phố biển tình anh", "Nhật Lệ trăng huyền thoại", "Chuyện tình Phong Nha"...

Nhưng có thể có người có cảm nhận như thế vì do thời tuổi trẻ tôi sống ở Huế nhiều và ra đĩa nhạc về Huế trước khi ra đĩa nhạc về Quảng Bình. Mặt khác, trong các sáng tác của tôi cũng thể hiện sự giao thoa văn hóa Quảng Bình-Huế, nếu người trong tỉnh thì dễ phân biệt, còn người nơi khác có khi khó nhận ra nên cứ nghĩ phần lớn ca khúc là viết về Huế, âm hưởng dân ca Huế.

- Gia đình nhạc sĩ có nhiều người hoạt động nghệ thuật và có những người thành danh trong giới ca sĩ (Mỹ Lệ, Hương Giang), có định hướng nào từ đầu không hay đó là gen nghệ thuật gia đình?

- Có lẽ là môi trường cộng với khả năng riêng của các cháu. Gia đình tôi cả vợ và chồng trước đều hoạt động nghệ thuật. Tôi và bà xã tôi gặp nhau ở trường nhạc. Rõ ràng các cháu lớn lên cũng sẽ có những ảnh hưởng niềm yêu thích nghệ thuật từ cha mẹ. Nhưng đi theo nghệ thuật phải thực sự có năng khiếu và đam mêm chứ không thể có định hướng hay ép buộc nào. Bởi nhiều gia đình cả vợ chồng đều làm nghệ thuật và nổi tiếng nhưng con cái chắc gì đã theo nghệ thuật và thành danh.

- Đã ở tuổi ngoài thất thập, nhạc sĩ còn dự định gì không về sáng tác nhạc, đặc biệt là sáng tác về quê hương Quảng Bình?

- Thật khó mà nói về dự định sáng tác nhạc, bởi nhạc hay thơ cũng vậy, nó là cảm xúc bật lên một cách tự nhiên. Bây giờ đã nhiều tuổi rồi, tôi chỉ dự định và đang thực hiện việc ra đĩa nhạc và xuất bản sách. Tới đây tôi sẽ ra ba đĩa nhạc "Sóng nước miền Trung", tập hợp những ca khúc theo chủ đề về biển, sóng, nước dọc miền Trung mình. Về xuất bản, tôi mong muốn mấy năm tới làm được Tuyển tập Hoàng Sông Hương để lưu lại sau này.

- Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này. Chúc nhạc sĩ sẽ tiếp tục có những sáng tác mới, đặc biệt là những sáng tác về Quảng Bình quê hương và sớm hoàn thành những dự định về xuất bản đĩa nhạc, tuyển tập!

Hữu Thái (thực hiện)