.

Chuyện ghi ở Thác Nậy

Thứ Bảy, 12/08/2017, 15:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Giữa tiết trời nắng gắt của mùa hè, chúng tôi chọn một khúc sông Rào Trổ có mực nước thật cạn rồi lội vào làng Thác Nậy, xã Ngư Hoá (huyện Tuyên Hoá). Đến Thác Nậy, chúng tôi được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu và lắng nghe người dân nơi đây kể về lịch sử của làng bằng nhiều câu chuyện cảm động, thắm đượm nghĩa tình...

Nghĩa tình trong kháng chiến

Thôn 1, xã Ngư Hoá (huyện Tuyên Hoá) nằm ở thượng nguồn sông Rào Trổ, nơi giáp ranh với địa bàn xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Tại thôn có một ngọn thác lớn nhất trong hệ thống hàng chục  ngọn thác chảy qua địa bàn xã Ngư Hoá nên nhiều người vẫn thường lấy tên gọi của ngọn thác (Thác Nậy) để đặt cho tên của làng.

Một vạt rừng trồng cây keo lai ven sông Rào Trổ của người dân làng Thác Nậy, xã Ngư Hoá.
Một vạt rừng trồng cây keo lai ven sông Rào Trổ của người dân làng Thác Nậy, xã Ngư Hoá.

Các cụ cao niên làng Thác Nậy kể lại rằng, vào thời chống Pháp, người dân ở nhiều nơi trong tỉnh đã kéo đến khu vực rừng núi âm u này để chạy giặc, hoạt động cách mạng, khai khẩn đất hoang. Làng được lập ra từ đó, nhưng cho tới nay, hầu như không mấy ai còn nhớ địa phương của họ chính thức được thành lập vào ngày, tháng, năm nào...

Cụ Lê Xuân Thi, 71 tuổi, nguyên là Chủ tịch UBND xã Ngư Hoá, hiện trú tại thôn 1, xã Ngư Hoá cho biết, làng Thác Nậy tuy nghèo cơm, nghèo sắn, nhưng những con người chân chất nơi đây rất giàu nghĩa tình. Vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1947 - 1949), xã Ngư Hoá nói chung và làng Thác Nậy nói riêng là nơi đứng chân của Trường THPT Phan Bội Châu và Trạm quân y tỉnh.

Đến những năm giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc (giai đoạn 1964-1968), làng Thác Nậy đã trở thành một địa điểm lý tưởng để chính quyền chọn làm nơi dừng chân trú ẩn trên chặng đường vận chuyển thương, bệnh binh ra miền Bắc điều trị.

Thời điểm đó, dù khó khăn vất vả, nhưng với tinh thần nhường cơm sẻ áo "hạt gạo chia đôi, bát cơm sẻ nửa", "tất cả vì Tổ quốc thân yêu"..., người dân Thác Nậy đã nấu từng bát cơm, bát cháo bổ dưỡng để góp phần hồi phục sức khoẻ cho thương, bệnh binh trong thời gian dừng chân điều trị, nghỉ dưỡng ở địa phương.

Đến khoảng những năm 1967-1968, chiến tranh ác liệt, Ngư Hoá trở thành địa điểm che chở cho hàng ngàn học sinh cấp 3 của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ sơ tán và nhiều học sinh địa phương khác đến đây trọ học. Những năm đó, hầu như gia đình nào ở Thác Nậy cũng rộng lòng đón dăm ba học sinh cấp 3 vào ở chung cùng gia đình và xem họ như người thân, ruột thịt trong nhà. Gia đình cụ Lê Xuân Thi cũng nhận hơn mười học sinh cấp 3 về ở chung...

Theo dòng cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Tuyên Hoá (tập II, trang 131) và những thông tin do ông Nguyễn Hữu Lai, Bí thư Đảng bộ xã Ngư Hoá cung cấp, năm 1947, Ngư Hóa chỉ là thôn Ba Phường (thuộc xã Lê Trực, Tuyên Hoá). Tuy là một thôn nhỏ nhưng Ba Phường được xác định là chiến khu cách mạng của tỉnh. Nhiều cơ quan Nhà nước của tỉnh được tập kết về đây, như: Cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, Ngân hàng nhà nước, Bệnh viện tỉnh, Ty Công an, Công đoàn ấn loát, Sở Canh nông, Trại giam...

Tại vùng đất này, mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ bởi sự đánh phá ác liệt của thực dân Pháp, nhưng lực lượng cách mạng cũng như các cơ quan của tỉnh đóng trên địa bàn luôn được người dân bảo vệ an toàn.

Nỗ lực kiến thiết lại quê hương

Chỉ tay về phía những cánh rừng trồng xanh bạt ngàn bao quanh làng, chị Lê Thị Hà, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Ngư Hoá cho biết, làng có vị trí cách xa vùng trung tâm xã gần chục cây số đường rừng, lại bị ngăn cách bởi sông Rào Trổ nên việc giao thương với bên ngoài gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao. Trước thời điểm năm 1983, khu vực này có khoảng 50 nóc nhà, hàng trăm nhân khẩu. Sau thời điểm nói trên, do cuộc sống khá biệt lập với bên ngoài, nên đói nghèo cứ mãi đeo bám.

Đó cũng là nguyên do khiến nhiều hộ ở làng Thác Nậy xung phong vào tỉnh Bình Thuận để làm kinh tế mới, số khác chuyển ra vùng trung tâm xã Ngư Hoá định cư. Hiện dân số thôn 1 chỉ còn 14 hộ với 43 nhân khẩu, hầu hết đều là anh em ruột thịt, họ hàng, thông gia với nhau.

Với địa hình núi rừng giáp ranh rộng lớn, có nhiều gỗ tự nhiên quý hiếm, trước những năm 2000, Thác Nậy là nơi "màu mỡ", nhiều lâm tặc trong và ngoài tỉnh đến đây chặt phá lâm sản, săn bắt thú rừng.

Nhà văn hoá thôn 1, xã Ngư Hoá được xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Nhà văn hoá thôn 1, xã Ngư Hoá được xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Cũng chính vì cuộc sống đói kém mà không ít dân làng đã tiếp tay, thậm chí làm lâm tặc ngay trên mảnh đất mà cha ông họ đã lập làng. Tài nguyên rừng dần cạn kiệt và đời sống người dân Thác Nậy vẫn chẳng mấy khấm khá hơn. Không ít hộ dân đã rơi vào cảnh hoang mang, dự tính bỏ làng đến nơi khác kiếm sống bởi thiếu đi cơ hội việc làm, nguồn thu nhập. Chưa kể họ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai diễn ra ngày càng khắc nghiệt hơn...

Trước những khó khăn đó, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân Thác Nậy đã từng bước tiếp cận với các chủ trương, chính sách, trong đó có trồng rừng kinh tế để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Và công cuộc "trồng rừng để trả nợ rừng" đã góp phần đắc lực giúp người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và trở thành những hộ khấm khá của xã.

Bí thư Chi bộ thôn 1 Lê Thị Hà hồ hởi khoe, dân làng Thác Nậy bây giờ hầu như gia đình nào cũng sở hữu khoảng 10 ha keo lai, có những hộ lên tới 20-30 ha rừng. Tính từ khi bắt đầu trồng rừng đến nay, gia đình nào trong thôn cũng đều bán được ít nhất 1 lứa, có những hộ đã bán đến lứa rừng trồng thứ 2, thu về hàng trăm triệu đồng/hộ. Bên cạnh việc trồng rừng kinh tế, nhờ có quỹ đất rộng nên nhiều gia đình ở Thác Nậy đã trồng cỏ chất lượng cao để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Tiêu biểu như các hộ Trương Văn Nhỏ, Trần Văn Tuyển, Trần Văn Uyến... hiện đang sở hữu trên 10 con trâu, bò/hộ.

Là địa bàn thuộc Chương trình 135, nhờ chú trọng phát triển kinh tế rừng, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, đến nay Thác Nậy đã xoá sạch hộ đói và cơ bản không còn nhà tạm, nhiều gia đình hiện đã trở thành hộ khá của xã. Kinh tế ngày càng phát triển, người dân làng Thác Nậy càng có điều kiện kiến thiết quê hương. Người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, tài sản, ngày công để đầu tư xây dựng nhà văn hoá, bê tông hoá các trục đường liên thôn, kênh mương, thuỷ lợi...; chú trọng vận động con em nỗ lực học tập để nâng cao trình độ, kiến thức, hiểu biết xã hội.

Chia tay làng Thác Nậy, chúng tôi mang theo lời nhắn nhủ của Bí thư Chi bộ thôn 1 Lê Thị Hà, người dân Thác Nậy mong muốn có một chiếc cầu treo hoặc ngầm tràn bắc qua sông Rào Trổ để giúp giao thương với bên ngoài thuận tiện hơn. Nếu điều này sớm thành hiện thực, Thác Nậy sẽ thêm cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hôi, xoá đói giảm nghèo...

Văn Minh