.

Người Mã Liềng giữ rừng

Thứ Tư, 01/02/2017, 19:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với tập quán sống cạnh những khu rừng nguyên sinh, người Mã Liềng ở phía Tây huyện Tuyên Hoá đã xây dựng nên những luật tục giữ rừng của riêng họ và lưu truyền từ đời này sang đời khác để bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Có những thời điểm, nhiều nơi trong tỉnh từng rộ lên nạn lâm tặc xâm hại rừng một cách vô tội vạ, thế nhưng, chính nhờ những luật tục khá nghiêm khắc đó, người Mã Liềng vẫn giữ lại cho cộng đồng được khá nhiều diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh.

Giữ rừng bằng luật tục cúng "thần rừng"

Những ngày cận Tết Đinh Dậu 2017, chúng tôi lại được già làng Cao Châu (trú tại bản Cà Xen, xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá) cởi mở kể thêm vài câu chuyện liên quan tới luật tục, sự lịch lãm của người Mã Liềng đối với "Thần rừng".

Các khu rừng được người Mã Liềng (bản Kè, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá) bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Các khu rừng được người Mã Liềng (bản Kè, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá) bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Già Châu kể rằng, để giữ rừng hiệu quả, hàng năm người Mã Liềng đều tổ chức hai lễ cúng "Thần rừng", đó là vào đợt Tết cổ truyền và dịp lễ 2-9. Lễ cúng "thần rừng" đầu tiên được dân bản tổ chức vào ngày 1-1 âm lịch.

Theo quan niệm của người Mã Liềng, đây chính là ngày khởi đầu trong năm, trời đất và "thần rừng" lúc đó rất linh thiêng. Việc cúng là để cầu mong "Thần rừng" phù hộ cho dân bản có một năm mới gặp nhiều may mắn, hạn chế rủi ro, bệnh tật, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi, được mùa. Đây cũng là dịp để mọi người trong bản quần tụ, chung vui bên nhau nhằm thắt chặt sự đoàn kết, gắn bó; ôn lại những luật tục mà các thế hệ cha ông đã truyền lại khi vào rừng để tránh mắc tội với "thần rừng".

Lễ cúng "thần rừng" lần thứ hai sẽ được tổ chức vào 7-7 âm lịch của năm (sau này được người Mã Liềng chuyển sang dịp lễ 2-9), đây là thời điểm dân bản thu hoạch xong mùa màng. Lễ cúng này nhằm mục đích cảm tạ "thần rừng" đã mang lại sự an lành, no ấm cho mọi người. Mỗi lễ cúng đều được dân bản chung tay chuẩn bị chu đáo và tất cả các gia đình đều mang lễ vật đến cúng. Ngoài ra, cả bản góp tiền mua một con lợn, vài con gà cùng cơm, rượu, sáp ong, muối mang đến nhà già làng có uy tín nhất bản để tổ chức làm lễ cúng...

Già làng Cao Ngụ ở bản Kè, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá nói thêm, lễ cúng "thần rừng" của đồng bào Mã Liềng đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Lễ cúng chính là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống của đồng bào. Theo quan niệm, "thần rừng" luôn sống cạnh bà con và che chở, phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối, tấn công con người...

Bởi vậy, hàng năm đồng bào tổ chức các lễ cúng nhằm cầu xin, cảm tạ các vị thần đã che chở người Mã Liềng trong cuộc sống. Và cũng vì thế, ở nơi nào có đồng bào Mã Liềng sinh sống, rừng thường được bảo vệ khá tốt. Với người Mã Liềng, việc bảo vệ rừng hiệu quả còn mang lại nguồn nước trong lành để sinh hoạt, làm lúa nước, trồng ngô, lạc và có gỗ, tre, nứa, lá tranh mà dựng nhà ở...

Nhiều cây cổ thụ quý được người Mã Liềng, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá giữ lại ở cạnh bản.
Nhiều cây cổ thụ quý được người Mã Liềng, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá giữ lại ở cạnh bản.

Hồ Chí Thành, Bí thư Chi bộ Cà Xen, xã Thanh Hoá tâm sự: Luật tục giữ rừng của người Mã Liềng hàng năm đều được dân làng cùng nhau bàn bạc thống nhất trong lễ cúng rừng dịp đầu năm và được thầy cúng trịnh trọng đọc trước lễ cúng ở rừng thiêng. Do đó, luật tục vừa mang sức mạnh thống nhất ý chí của cả cộng đồng, vừa mang sức mạnh của thần linh. Các quy định, quy ước bảo vệ rừng vì thế trở nên linh thiêng trong quan niệm tâm linh của người dân và họ tuân thủ tuyệt đối.

Giữ rừng, giữ lấy sự ấm no

Hiện nay, cộng đồng người Mã Liềng ở tỉnh ta chủ yếu sống tập trung tại phía Tây huyện Tuyên Hoá. Cụ thể, tại xã Lâm Hoá có 3 bản (gồm: Kè, Cáo, Chuối) với khoảng 110 hộ và hơn 550 nhân khẩu. Riêng xã Thanh Hoá hiện có 50 hộ, 168 nhân khẩu sống phân bố ở 3 vùng (gồm Cà Xen, Bải Cà, Bạch Tài) của bản Cà Xen.

Trưởng bản Kè, xã Lâm Hoá Cao Dụng cho hay, có một quãng thời gian khá dài, những khu rừng già quanh bản Kè bị lâm tặc lén lút vào khai thác một cách vô tội vạ. Vì thế, không ít diện tích rừng cạnh bản đã bị nghèo kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sản xuất, đời sống của người Mã Liềng.

Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, các chương trình dự án, nhiều diện tích rừng, đất rừng cạnh bản đã được giao trực tiếp cho người dân, cộng đồng quản lý, bảo vệ. Chất lượng rừng đã được cải thiện đáng kể. Hàng năm, rừng đã mang lại cho bà con một khoản thu nhập khá từ việc khai thác lâm sản phụ để nâng cao đời sống như lấy mật ong, lá nón, măng rừng, cây thuốc...

Gần đây, lễ cúng "thần rừng" còn được bản Kè xem như một cuộc họp tổng kết năm, tổng kết công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong bản. Việc thực hiện các qui ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, tình hình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản, các khoản đóng góp, các khoản được Nhà nước hỗ trợ... đều được bà con đem ra bàn bạc công khai.

Cũng tại đây, dân bản còn tiến hành cam kết với chính quyền địa phương không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, không săn bắt động vật hoang dã, không đốt nương làm rẫy bừa bãi, có trách nhiệm tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với đồng bào Mã Liềng, rừng không chỉ gắn liền với đời sống vật chất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh. Do đó, việc giữ rừng chính là giữ lấy sự ấm no cho toàn thể cộng đồng. 

Đường vào bản Kè, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá hôm nay.
Đường vào bản Kè, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá hôm nay.

Bí thư Đảng bộ xã Lâm Hoá Trương Tư Thoan chia sẻ, hiện nay những người Mã Liềng ở địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ rừng như tích cực tham gia hoạt động cùng lực lượng kiểm lâm; phối hợp với các đơn vị chức năng phòng chống cháy rừng, ngăn chặn và đấu tranh chống lâm tặc.

Ngoài ra, tại 3 bản có người Mã Liềng sinh sống ở Lâm Hoá, chính quyền, cơ quan chức năng đã có biện pháp giao khoán đất rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ. Tổng diện tích đất rừng được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng người Mã Liềng đến nay đạt khoảng 800 ha. Nhờ được bàn giao rừng, đất rừng để bảo vệ, phát triển, hiện 3 bản có người Mã Liềng ở xã Lâm Hoá đã trồng mới được trên 100 ha cây keo để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Ngoài ra, bà con còn trồng xen vào các khu rừng tự nhiên thêm hàng vạn cây gỗ quý như vàng, tim, huê, mộc... Người Mã Liềng còn chủ động xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp như trồng lúa nước, ngô, lạc, môn, mướp đắng, mướp ngọt, bí đỏ, dưa chuột, cà tim, bí đao.

Người Mã Liềng không xem rừng là thứ tài nguyên để chiếm lĩnh, khai thác... Họ xem rừng như chính ngôi nhà của mình. Họ đã xây dựng nên luật tục, ứng xử văn minh, lịch lãm, trân trọng đối với "thần rừng"...

Văn Minh