.

Nếu ai hỏi vì sao...

Chủ Nhật, 01/01/2017, 09:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Cứ mỗi lần nghe bài hát Quảng Bình quê ta ơi... là tôi dừng xe để nghe cho hết, rồi lẳng lặng dắt xe đi, sợ nhảy lên xe làm tan mất cái cảm giác rưng rưng nghèn nghẹn trong lòng. Nếu ai hỏi vì sao... Quả thực giai điệu bài hát thật gợi. Nhưng sao khi nghe nhiều bài hay hay khác tôi lại không có cảm giác muốn khóc ấy? Vâng, tôi là người con tha hương sinh ra ở miệt cát Ngư  Thủy, Quảng Bình. Bài hát đã làm tôi nhớ mạ, cha, nhớ quê xưa đất tổ. Nhưng, có lẽ sâu xa hơn nỗi nhớ là niềm tự hào về quê hương luôn chảy trong huyết quản.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mới đây, anh Nguyễn Ngọc Trai, người Quảng Bình ở Huế đã viết hàng chục cuốn sách lịch sử, đến nhà tặng tôi cuốn Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp (NXB Thuận Hóa, 2014). Anh bảo: ”Tôi tặng ông cuốn sách viết về một người Quảng Bình, một Tổng Tư lệnh nữa của quân đội nước ta”. Tôi đọc Hoàng Kế Viêm, tôi cứ bần thần nghĩ đến mảnh đất Quảng Bình “Ô châu ác địa” ấy lại sinh ra ba danh tướng làm Tổng Tư lệnh của Quân đội Việt Nam vào 3 thời kỳ quan trọng nhất của lịch sử.

Đó là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), quê Vạn Ninh, Quảng Ninh, danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng tổng tư lệnh quân đội Chúa Nguyễn mở cõi , xác lập chủ quyền Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được dân Nam Bộ lập đền thờ ở rất nhiều nơi, gọi là Lăng Ông.

Hoàng Kế Viêm, là tổng tư lệnh quân đội Triều Nguyễn ở Bắc Kỳ thời kỳ đầu Pháp xâm lược. Ông người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh. Ông là phò mã kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hưng La. Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Tàu thất bại, tàn quân gồm quân Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng tràn sang, cướp bóc và quấy nhiễu ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Trong những năm từ 1870 đến 1873, Hoàng Kế Viêm với tài năng thao lược về chính trị và quân sự đã thu phục được quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu và biến đội quân này thành lực lượng quân sự của triều đình. Với quân Cờ Vàng, Cờ Trắng, chiêu dụ không thành, Hoàng Kế Viêm mới cho quân đánh dẹp. Hoàng Kế Viêm gánh vác sứ mệnh Thống đốc Quân vụ đại thần, là Tổng Chỉ huy Quân đội triều đình tại Bắc Kỳ, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất.

Mặc dù triều đình Huế chủ hòa, Hoàng Kế Viêm đã dũng cảm kháng mệnh Vua, tổ chức lực lượng phối hợp với quân Triều đình phục kích tiêu diệt quân Pháp tại Cầu Giấy năm 1873, giết chết chủ tướng giặc là Gác-ni-e với trên 100 binh sỹ Pháp khiến cho quân Pháp hoang mang cực độ. Năm 1883, đến lượt Đại tá hải quân Pháp Henri Rivière  cũng lại bị quân của Hoàng Kế Viêm giết chết tại Ô Cầu Giấy tháng 5 năm 1883. Thật là một vị tướng tài danh và khí tiết !

Thời hiện đại, xuất hiện danh tướng thiên tài, Tổng Tư lệnh Quân dội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp (1911- 2013). Đại tướng quê  ở An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy, thọ 103 tuổi. Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh chỉ huy Quân đội ta đánh bại hai đội quân nhà nghề Pháp và Mỹ. 10 vị tướng  Pháp, Mỹ đối địch với ông đã bị thất trận. Điều lạ lùng là Võ Nguyên Giáp không có đội quân nào để thừa kế mà phải bắt đầu từ con số không theo đúng nghĩa đen.

Bởi thế, Đại tướng được thế giới tôn vinh là một vị tướng huyền thoại, một thống soái vĩ đại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Nhân dân tặng Đại tướng câu đối: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ / Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Đám tang của Đại tướng là đám tang vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Tiễn đưa Đại tướng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê...

Ba vị tướng Tổng tư lệnh ấy sau khi xong trận đều về yên nghỉ ngàn thu tại quê nhà, làm cho đất mẹ càng linh thiêng hơn. Trách gì mỗi lần nghe ai hát Quảng Bình quê ta ơi, tôi lại ứa nước mắt... Tự hào lắm chứ! Vì  trong chiều dài lịch sử dân tộc, Quảng Bình không chỉ sinh ra tướng tài đánh giặc mà còn sinh ra rất nhiều những văn nhân thi sĩ, nhà sử học hàng đầu đất nước...

Quảng Bình cũng lắm văn nhân. Đó là nhà sử học nổi tiếng Dương Văn An thế kỷ 16. Ông là thượng thư nhà Mạc, quê Quảng Bình, học giỏi đỗ Tiến sĩ, được ra làm quan, có cuốn dư địa chí "Ô Châu cận lục", xuất bản năm Ất Mẹo (1555), mô tả chi li đủ chuyện xứ Bình, Trị, Thiên hồi đó, mà cho đến ngày nay vẫn tái bản, vẫn là một sách tham khảo quan trọng của sinh viên và các học giả đương đại.

Đó là nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh, người Trung Thuần, Quảng Lưu, Quảng Trạch, đỗ thủ khoa (giải nguyên) kỳ thi Hương lúc 23 tuổi. Ông làm quan to trong Triều Minh Mạng, Thiệu Trị và làm thơ. Ông là bạn của Thánh thơ Cao Bá Quát (Thần Siêu, Thánh Quát) , là thầy dạy học Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị). Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ. Ông để lại 3 tập thơ chữ Hán và một tập Phản thúc ước. Nội dung công kích mạnh mẽ giới cường hào và vạch trần những tệ nạn của xã hội. Đa phần thơ Nguyễn Hàm Ninh viết về tâm sự của riêng ông, về nạn nước, cùng cảnh sống khổ cực của những người nông dân nghèo.   

Nhà thơ khí khái nhất người Quảng Bình thời cuối triều Nguyễn là Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1900 – 1947) . Ông có trí nhớ hơn người, văn viết lưu loát. Ông là chủ bút tạp chí "Thần kinh" (Huế, 1927). Năm 1932  vua Bảo Đại thay nội các mới. Năm thượng thư: Nguyễn Hữu Bài (bộ lại), Tôn Thất Đàn (bộ hình), Phạm Liệu (bộ binh), Võ Liêm (bộ lễ) và Vương Tứ Đại (bộ công) bị cho về nghỉ.

Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H
Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H

Nguyễn Trọng Cẩn ghi lại biến cố đó trong bài thơ rất nổi tiếng: Năm cụ khi không rớt cái ình,/ Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh./Bài không đeo nữa xin dâng lại/... /Công danh như thế là hư hỉ,/Đại sự xin nhường kẻ hậu sinh.

Hai nhà thơ tiền chiến người Quảng Bình đi đầu trong việc bảo vệ thơ mới là Lưu Trọng Lư và Nguyễn Xuân Sanh. Lưu Trọng Lư (19-6-1911 - 10-8-1991), người làng Cao Lao Hạ, Hạ Trạch. Là một trong những người tiên phong của phong trào Thơ mới đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới.

Những bài thơ Tiếng thu hay Nắng mới của ông là những kiệt tác thơ mới Việt. Nguyễn Xuân Sanh cũng là một nhà thơ nổi tiếng đấu tranh cho thơ mới. Ông sinh ngày 16-11-1920 ở Dinh 10, Quảng Ninh. Năm 1939, ông cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tác  thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Ông có bài thơ nổi tiếng Buồn Xưa, đến  nay người yêu thơ vẫn nhắc: Lẵng xuân/Bờ giũ trái xuân sa /Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà... Ông hiện vẫn còn sống ở Hà Nội cùng vợ là bà Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, cùng quê, nhà văn thuộc lớp đàn chị trong đội ngũ các nhà văn nữ Việt Nam. 

Một nhà thơ nổi tiếng nhất là Hàn Mặc Tử. Ông tên là Nguyễn Trọng Trí (1912-1940), sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Hàn Mặc Tử nghĩa là chàng trai bút nghiên. Cuộc đời Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Về thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên viết: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình...”

Tôi chỉ mới nhắc đến 3 vị  Danh tướng và điểm danh các nhà văn nhà thơ Quảng Bình nổi tiếng chứ chưa nói lĩnh vực khác. Thôi thế cũng đủ để mỗi khi nghe hát Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta... là tôi lại nghĩ về họ, về mảnh đất địa linh nhân kiệt Quảng Bình quê tôi với một niềm tự hào sâu sắc!

Ngô Minh