.

Bài ca vỡ đất

Thứ Năm, 11/02/2016, 10:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Xin mượn ý thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông để nói về những người nông dân khai phá vùng đất Cầu Roòng ở thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa) phát triển kinh tế. Mang trong mình trái tim nhiệt huyết, họ đã biến vùng đất hoang sơ ven đường 12A huyền thoại năm xưa trở nên trù phú, ấm áp tình quê.

Mô hình cây ăn quả của các hộ dân ở Cầu Roòng.
Mô hình cây ăn quả của các hộ dân ở Cầu Roòng.

Trong không khí “tống cựu nghinh tân” chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Cầu Roòng, khi mà người dân nơi đây đang tranh thủ thời gian để thu hoạch nông sản mang về các chợ đầu mối bán cho người tiêu dùng khi Tết đến Xuân về. Đó là thành quả mà họ đã dày công vun đắp bằng chính mồ hôi, nước mắt và cả máu của chính mình cho mảnh đất này trong những năm qua.

Ông Cao Hữu Mựu, Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa tâm sự, trước đây vùng đất Cầu Roòng vẫn có người ở, nhưng trong khoảng thập kỷ 60 của thế kỷ trước, do có tuyến đường 12A huyết mạch chi viện cho miền Nam đi qua nên không quân Mỹ đã tập trung đánh phá rất ác liệt khiến bà con phải sơ tán đi nơi khác.

Hòa bình lập lại, đời sống của người dân lúc đó cũng quá khó khăn nên không ai nghĩ di dân ra đó phát triển kinh tế. Mãi đến sau này, vào khoảng năm 2000 trở lại đây mới có một số hộ dân của xã và trên địa bàn huyện ra đó an cư lạc nghiệp nên Cầu Roòng mới có bộ mặt đầy sinh khí như hiện nay. Hiện tại ở khu vực này đã có 27 hộ dân, là một tổ dân cư tự quản không thể tách rời của xã Hồng Hóa, bà con được bố trí đất để làm kinh tế, hộ ít thì vài ha hộ nhiều lên đến vài chục ha.

Với nguồn đất đai đó, bà con chủ yếu trồng rừng kinh tế, cây ăn quả, chăn nuôi, chế biến nông sản, dăm gỗ dịch vụ vật tư nông nghiệp... để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Hồng Hóa nói riêng và huyện Minh Hóa nói chung.

Trong những hộ dân định cư ở Cầu Roòng, ông Lê Ngọc Liêu được xem là người có thâm niên nhất nơi đây. Vốn là một cựu TNXP quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa, sau thời gian phục vụ trong cuộc trường chinh giành độc lập của cả dân tộc, ông đã chọn Minh Hóa làm quê hương thứ hai, và Cầu Roòng chính là nơi ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Được chính quyền giao đất, giao rừng với diện tích gần 29ha, ông và gia đình đã đầu tư trồng cây mây nếp, song bột, keo lai, cây ăn quả, nuôi ong, đào ao thả cá, nuôi bò, gà... để đến nay gây dựng được một cơ ngơi khang trang, cuộc sống đủ đầy. Giờ đây các con của ông lại tiếp tục công việc của cha mình để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình và xã hội.

Nhân vật thứ hai mà chúng tôi muốn nhắc đến trong quá trình góp phần làm đổi thay Cầu Roòng là anh Trần Văn Diến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Diến Hồng-một doanh nghiệp mạnh kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực trên địa bàn huyện Minh Hóa. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ được thành lập từ năm 2001 với 5 lao động, đến nay Công ty đã không ngừng lớn mạnh đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Minh Hóa.

Hiện tại, Công ty đang sử dụng gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng và tham gia các ngành nghề kinh doanh chủ yếu như: thương mại tổng hợp và siêu thị bán lẻ, mua bán vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp, thu mua gia công, chế biến nông sản, vận tải và thi công công trình.

Tuy là đơn vị kinh doanh sản xuất trên nhiều lĩnh vực, nhưng nông nghiệp vẫn như là máu thịt của hai vợ chồng doanh nhân này. Bởi lẽ vốn xuất thân từ gia đình nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên anh Diến rất thấu hiểu nỗi cực nhọc của bà con nông dân, do vậy khi lấn sân vào kinh doanh, mặt hàng nông sản đầu tiên mà anh luôn quan tâm, trăn trở để thu mua cho bà con là... hạt lạc.

Từ những hạt lạc thấm đẫm mồ hôi của người nông dân và chính của bản thân mình, anh Diến đã xây dựng nên một hệ thống cơ ngơi kinh doanh sản xuất bề thế đóng góp rất hiệu quả vào đời sống kinh tế-xã hội của huyện Minh Hóa.

Chính vì vậy, khi có chủ trương đầu tư phát triển vùng đất Cầu Roòng, anh và gia đình đã đổ rất nhiều công sức và hàng tỷ đồng vào nơi đây, đồng thời đối mặt với những khó khăn ban đầu để gây dựng nên một mô hình trang trại tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao với các loại cây trồng vật nuôi như: cây ăn quả, dó trầm, huê, gà thả vườn, ao cá...

Ngoài ra, anh còn phát triển thêm dịch vụ vật tư nông nghiệp, chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến nông sản... rất bài bản và chuyên nghiệp, bước đầu hình thành nên một chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vừa làm lợi cho gia đình, anh vừa áp dụng rất nhiều “chính sách kinh tế” rất mới và lạ, đó là, đầu tư mua sắm công cụ lao động, giống vật nuôi cây trồng, phân bón... để người lao động canh tác và gặt hái thành quả của chính mình.

Ảnh 25 : Gia cầm được người dân chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.
Gia cầm được người dân chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.

Anh tâm niệm, bản thân và gia đình may mắn có được kết quả như ngày hôm nay là do lao động mà thành, do vậy phải luôn tạo điều kiện cho những người khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống. Chỉ có lao động chân chính, thực sự bằng cả tấm lòng với ý chí và nghị lực thì mới bền vững, dân có giàu thì xã hội mới phát triển, anh Diến cho hay.

Ghi nhận sự đóng góp hiệu quả và tích cực của những cư dân vùng đất Cầu Roòng, vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề huyện Minh Hóa (điểm xã Hồng Hóa) với tổng diện tích ban đầu là 12ha. Mục đích của việc quy hoạch là chuyển đổi chức năng của khu đất từ chức năng đất rừng sản xuất, đất ở, đất xây dựng công trình sang chức năng đất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Đồng thời quy hoạch chi tiết nhằm tổ chức đồng bộ Khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề huyện với các chức năng, cụ thể là: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, đồ mỹ nghệ, cơ khí nhỏ, đan tre, nón lá..., khu xử lý kỹ thuật, hệ thống đường nội bộ, cây xanh cách ly theo hướng phát triển ổn định và bền vững. Trong tương lai với lợi thế sẵn có, hy vọng Cầu Roòng sẽ trở thành một vùng kinh tế quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện, ông Cao Hữu Mựu cho biết.

Từ một vùng đất gần như bị quên lãng, Cầu Roòng hôm nay đã trở mình để trở thành nơi hội tụ của những con người ở khắp mọi miền muốn gắn bó và cống hiến cho đồng đất quê hương Minh Hoá. Chính họ đã đánh thức Cầu Roòng bằng công sức lao động của mình với tâm niệm đúng đắn và cao đẹp để rồi đất cũng không phụ công người mà đền đáp lại bằng những mùa quả ngọt.

Trần Minh Văn