.

Hồi ức của một phi công

Thứ Sáu, 03/10/2014, 16:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Nguyễn Đại Thắng, quê ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, nguyên là Phó giám đốc đoàn Phi công dân dụng 919 Việt Nam đã có những kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

>> Đại tướng như chưa thể đi xa...

Câu chuyện liên quan tới kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được ông kể lại cho chúng tôi nghe vào ngày Quốc khánh 2-9-2014, khi ông về thăm quê hương Quảng Xá.

Người cựu phi công Nguyễn Đại Thắng sinh năm 1947, tại làng Quảng Xá. Gia đình vốn có truyền thống cách mạng. Ba của ông nguyên là Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Bình.

Đang học dở cấp 3 Đồng Hới năm 1966, ông được trúng tuyển vào phi công. Năm 1975 ông được tu nghiệp tại Úc, Hà Lan. Năm 1979 ông vinh dự  cùng tổ phi công được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông kể: Chuyến bay xuất phát từ Sài Gòn ra thủ đô Hà Nội. Tập thể tổ bay khi nghe tin được chở  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai cũng cảm thấy vinh dự và tự hào.

Trước khi thực hiện chuyến bay đặc biệt, tập thể tổ lái ai cũng chuẩn bị tâm thế tinh thần tốt nhất để phục vụ Đại tướng. Thời tiết ngày hôm đó rất đẹp. Bầu trời trong xanh. Từ trên trời cao có thể quan sát xuống mặt đất tường tận từng thành phố, cánh đồng, núi đồi và những dòng sông. Hình ảnh non sông đất nước xinh đẹp trải dài hình chữ S trở thành  niềm tự hào đối với mọi hành khách trên mỗi chuyến bay. Khi máy bay bay đến vùng eo thắt nhất của đất nước,  nhận được nhiệm vụ chỉ bản đồ cho Đại tướng.

Vừa mới gặp, Đại tướng đã hỏi: “Anh quê ở Quảng Bình vậy anh có biết hiện tại máy bay đang bay qua vùng nào không?”  -“Thưa Đại tướng, máy bay đang bay qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Bình Trị Thiên ạ”. "Vậy anh chỉ cho mình biết khu vực chợ Tréo ở đâu?" Đại tướng hỏi tiếp. Đến câu hỏi này thì tôi có phần lo lắng, bởi tôi chưa một lần đến địa danh này.

Tôi đã chỉ một bờ sông Kiến Giang và trình bày: “Thưa Đại tướng, đây là chợ Tréo”. Đại tướng nhìn xuống mặt đất gật gật nhưng sau đó Đại tướng lắc đầu: “Không phải”. Tôi xin phép coi bản đồ. Dù tôi biết chắc rằng trên bản đồ khu vực Quảng Bình chỉ có Đồng Hới, Roòn, Quán Hàu. Đang loay hoay không biết làm sao thì Đại tướng nói: “Không phải tìm nữa. Đây rồi”. 

Nhìn theo tay Đại tướng chỉ cho phu nhân và mọi người xong, tôi xin lỗi Đại tướng và xin phép trở lại buồng lái. Đại tướng ân cần nói: “Anh không có lỗi gì cả, một địa điểm nhỏ như thế khó mà biết được. Nhưng người làm kỹ thuật phải tuyệt đối chính xác”. Tôi cảm ơn trước sự ân cần dạy dỗ của Người. Từ nhỏ đến trưởng thành tôi chưa bao giờ nhận được lời dạy dỗ nào ân cần, bổ ích và sâu sắc đến thế.

Lời dạy của Đại tướng sau đó trở thành cẩm nang hành động suốt cuộc đời ông. Nhớ lời dạy của Đại tướng, suốt mấy chục năm làm phi công, ông luôn khiêm tốn học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, thực hiện chuẩn xác những động tác bay và rất vinh dự là ông được bình chọn "Cánh bay vàng" - một danh hiệu dành cho những phi công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ .

Ngày 4 tháng 10 năm 2013, cũng như mọi người dân đất Việt trong nước và trên toàn thế giới, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ai cũng rơi lệ. Bằng tình cảm của mình, ông Thắng đã sáng tác 2 câu đối ca ngợi công đức của Đại tướng. Hai câu đối vinh dự được treo trang trọng ở nhà Lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại huyện Lệ Thủy:

“Lưng tựa Trường Sơn, quê mẹ ngàn năm ôm ấp hồn Đại tướng
Mắt tầm Đông Hải, nhân dân, quân đội trường tồn kính vĩ nhân”

Xin được chép lại câu đối như một niềm tôn kính dâng lên hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.                                                  

Phan Hòa