.

Người anh hùng 13 năm chuyển tài liệu mật cho Đại tướng

Thứ Bảy, 19/10/2013, 12:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ tên tuổi của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Triêm (Sơn Trạch, Bố Trạch) đã được rất nhiều người biết đến. Nhưng chuyện ông đã từng 13 năm làm nhiệm vụ chuyển tài liệu mật cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vẫn còn rất mới mẻ mà ông chưa từng tiết lộ với ai. Nhưng cảm xúc dồn nén quá nhiều vì xót thương, ông đã kể cho chúng tôi nghe chuyện này đúng vào ngày đưa Đại tướng về cõi vĩnh hằng. 

 

Nhiều tài liệu, ký ức một thời gắn bó với Đại tướng được ông Triêm hồi tưởng trong niềm thương tiếc.
Nhiều tài liệu, ký ức một thời gắn bó với Đại tướng được ông Triêm hồi tưởng trong niềm thương tiếc.

Cuộc đời binh nghiệp của ông Nguyễn Văn Triêm, ở thôn Xuân Sơn (Sơn Trạch, Bố Trạch) bắt đầu từ năm 1957. Dù mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 10 tuổi, nhưng cả ba anh em ông đều có tinh thần yêu nước nồng nàn. Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ba chàng trai ấy rời quê hương lên đường.

Ngày đó, ông Triêm được biên chế vào đội khảo sát do Tỉnh đội Quảng Bình quản lý. Năm 1962, ông được Bộ Quốc phòng rút qua làm giao liên cho Binh trạm 12 chuyên nhận tài liệu mật từ Hà Nội sang Lào, Thái Lan và chiến trường miền Nam, trong đó có rất nhiều tài liệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gián tiếp giao phó.

Năm 1965, ông được đơn vị giao nhiệm vụ sang nước bạn Lào hoạt động bí mật. Năm 1966, Cục tình báo điều ông về đảm nhận nhiệm vụ điệp báo tại Phòng 76, chuyên đưa, nhận thư mật và đưa đón cán bộ cấp cao của Nhà nước đi vào các chiến trường.

Ông Nguyễn Văn Triêm kể lại: “Ngày đó, mỗi chuyến đi của tôi luôn phải đối mặt với cái chết, miễn sao bảo vệ được tài liệu mật mà Bộ Quốc phòng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao phó, cũng không được tiết lộ thân phận mình cho bất cứ ai, ngay cả vợ con và người thân trong nhà. Việc giao nhận tài liệu cũng không được gặp trực tiếp Đại tướng mà phải qua khâu trung gian”.

Có lần, ông chuyển thư mật từ chiến trường Lào đến cửa khẩu Cha Lo rồi hành quân theo Quốc lộ 12A về tới thị trấn Ba Đồn thì bị lực lượng Công an của ta bắt lại. Theo tinh thần quán triệt từ trước, ông đã không hề khai báo mình là ai, mình làm nhiệm vụ gì. Ngay lập tức, ông đã điện ra Cục trao đổi nội dung và niêm phong ba lô để lại đó và bỏ đi không để lại tung tích.

Công việc chuyển tài liệu mật hết sức nguy hiểm, khó khăn. Dù mưa nắng, dù ngày hay đêm, dù bom đạn quân thù dội như mưa bão, cướp đi hàng vạn đồng đội, người dân của ta nhưng không vì thế mà ông run sợ. Bước chân của ông vẫn bền bỉ vượt qua dãy Trường Sơn, qua đất bạn Lào, sang Thái Lan.

Người lính già nói vui: “Lính tình báo như chúng tôi có sợ chi bom đạn đâu, chết là chuyện thường mà”. Nói xong, ông lấy dẫn chứng cụ thể: “Đó là vào một ngày tháng 2 năm 1967, tôi nhận thư từ chiến trường Thái Lan vượt qua sông Mê Kông, đến nước bạn Lào rồi về tới cửa khẩu Cha Lo thì bị máy bay Mỹ rải bom tọa độ. Bộ đội ta hy sinh rất nhiều, cây cối chết trụi, những ngọn đồi rung chuyển, chiến trường ngổn ngang hố bom.

Lúc đó, tình thế quá gấp, ở đơn vị vẫn đang chờ tài liệu từng ngày. Nếu tôi không vượt qua được chiến trường thì công việc quốc gia chắc chắn bị ảnh hưởng. Lấy hết dũng khí và nhớ lại những lời động viên trước đó của Đại tướng, tôi đã cố gắng vượt qua chiến trường ngay trong đêm và tiếp tục cuộc hành trình”, người đưa thư cho Đại tướng bồi hồi nhớ lại.

Trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 đến năm 1968 là thời kỳ ác liệt nhất, đặc biệt là “khúc ruột” miền trung. Công việc của người đưa tài liệu mật như ông cũng theo đó mà thêm vất vả, hiểm nguy. Nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần thép, trong vòng 13 năm (từ năm 1962 đến 1975) ông đã mang thành công hàng trăm lá thư mật của Đại tướng ra chiến trường, từ chiến trường về cho Đại tướng.

“Mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, Đại tướng đều dành cho tôi những lời khen ngợi (khen qua đơn vị-P.V). Đại tướng nói, việc đưa tài liệu mật là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguy hiểm. Rồi bác động viên tôi cần cố gắng bền chí, dũng cảm hơn nữa vì sự nghiệp chung”, ông Triêm xúc động nhớ lại lời dặn của Đại tướng. 

Năm 1968, chiến trường miền Nam ác liệt, Mỹ tiếp tục bắn phá miền Bắc bằng không quân. Ngoài việc đưa tài liệu, ông Triêm cùng với đồng đội còn được giao nhiệm vụ xây dựng đội ngũ tình báo riêng, tiếp cận và đột nhập những căn cứ quân sự của địch ở nước ngoài để nắm bắt tình hình.

Trong thời gian làm nhiệm vụ ở Thái Lan, người đưa thư mật cho Đại tướng đã phát hiện và tiếp cận được hai sân bay quân sự của Mỹ là U đon và U ta Pao (đó là vị trí xuất kích gần nhất của các máy bay B52 đánh phá vào nước ta). Sau khi báo cáo tình hình lên Phòng 76 và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp ra lệnh phải đánh tan hai sân bay này nhằm ngăn chặn, hạn chế việc chúng ném bom bắn phá miền Bắc. Cách đánh phải bất ngờ, đánh từ trong ra, từ ngoài vào. Lệnh của Đại tướng đưa ra hết sức khó khăn bởi vì cơ hội sống sót của những chiến sĩ như ông Triêm là rất ít.

Bất chấp gian khổ, hi sinh, ông cùng 7 đồng đội khác đã sẵn sàng làm nhiệm vụ cảm tử. Và một lễ truy điệu sống cho 8 chiến sỹ đã diễn ra tại Hà Nội trước khi lên đường. Ngày 26-7-1968, tổ của ông đã đột kích thành công và phá hủy hai máy bay F4, một máy bay vận tải C41, một máy bay lên thẳng, làm hư hỏng đường băng và tiêu diệt 42 tên lính tại sân bay U đon. Thắng lợi giòn giã của trận đánh vừa có ý nghĩa chiến lược đánh thẳng vào sào huyệt của Mỹ và các nước chư hầu vừa là đòn nghi binh thu hút lực lượng địch.

Một tuần sau đó, tình báo của ta tiếp tục đánh vào sân bay U ta Pao, phá hủy hai máy bay B52 và làm hỏng nặng 2 chiếc khác, đài chỉ huy của địch phải ngừng hoạt động trong 10 ngày.

Hai trận đánh vào sân bay của Mỹ ở nước ngoài đã đi vào lịch sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với những chiến công trên, tháng 3-2011, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phương Hiền - Xuân Vương