.

Tìm về một địa danh lịch sử

Thứ Hai, 24/06/2013, 09:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa là địa danh từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến, như hang lèn Đại Hòa, làng Còi (nơi thành lập Trung đoàn 18)... Nhưng có một địa danh lịch sử đang bị quên lãng đó là hang giấy Đồng Tràm. Đây là nơi từng đặt nhà máy in thời chống Pháp và là xưởng chế biến giấy nổi tiếng thời chống Mỹ.

Xưởng in thời chống Pháp.

Khi về đến thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa hỏi người dân nơi đây về hang giấy Đồng Tràm thì ai cũng biết nhưng khi hỏi về lịch sử địa danh này thì rất ít người biết.

Năm 1947, phong trào kháng chiến Quảng Bình gặp nhiều khó khăn. Trước khi giặc Pháp đánh chiếm Đồng Hới, cơ quan của tỉnh được lệnh sơ tán khỏi thị xã, tạm lánh về các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa. Lúc đó, xã Đồng Hóa là địa danh có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra.  Hang lèn Đại Hòa vào ngày 6/1/1948 đã khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, đồng thời là nơi cất giấu lương thực, vũ khí, trú ẩn an toàn cho bộ đội và người dân. Làng Còi, nơi thành lập Trung đoàn 18, đơn vị bộ đội chủ lực đã lập nên nhiều chiến thắng lẫy lừng trong chiến tranh. Lúc bấy giờ, hang giấy Đồng Tràm là nơi mà tòa soạn báo Thống Nhất và nhà in đóng quân và làm việc nơi này.

Hang giấy đã dần bị cây rừng và cỏ dại che kín
Hang giấy đã dần bị cây rừng và cỏ dại che kín

Theo lịch sử báo Quảng Bình: "Năm 1947, thực dân Pháp đổ bộ chiếm đánh Quảng Bình, địch làm chủ quốc lộ 1 từ Hạ Cờ đến bờ nam sông Gianh, kiểm soát vùng duyên hải, đồng bằng 3 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, chiếm đóng thị xã Đồng Hới. Phong trào kháng chiến của ta gặp nhiều khó khăn. Trước khi giặc Pháp chiếm đánh Đồng Hới, các cơ quan của tỉnh được lệnh sơ tán khỏi thị xã. Tòa soạn báo Thống Nhất và nhà in sơ tán ra Thanh Thủy (Tiến Hóa), sau đó lên Ba Phường (Ngư Hóa) rồi về đóng ở Đồng Tràm (Thuận Hóa) thuộc huyện Tuyên Hóa".

 Ở nơi sơ tán làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ công nhân viên của cơ quan báo và nhà in đều động viên nhau vững tin ở Đảng, vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1950, Tỉnh ủy chủ trương chuyển các cơ quan cấp tỉnh vào phía nam tỉnh. Cơ quan và xưởng in cũng chuyển theo để tuyên truyền, cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân ta.

Xưởng giấy thời chống Mỹ.

Năm 1966, địch đánh phá mạnh, lúc này, ngành công nghiệp Quảng Bình rất khó hoạt động công khai, nên xưởng giấy Đồng Tràm, xã Thuận Hóa (nay là xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) được chỉ đạo thành lập. Với lợi thế gần đường sông, nhiều nguyên liệu, địa hình hiểm trở, xung quanh là đồi núi đá vôi với nhiều  hang động, kín đáo có thể tránh được bom đạn của kẻ thù nên Ty công nghiệp Quảng Bình chọn hang Đồng Tràm làm xưởng sản xuất giấy.

Hang cao khoảng 20 mét, rộng gần 100m2, có 2 cửa có thể ra vào thuận tiện, lòng hang bằng phẳng, vào trong hang không khí mát lạnh dễ chịu. Hang bao gồm 2 ngăn, một ngăn được lắp đặt máy nổ, một ngăn dùng để sản xuất giấy. Cách đó 500 mét có một hang được gọi là hang ông Đạt (lấy tên của một y sĩ của xưởng) nơi đây dùng để vật liệu và trị liệu, dưỡng thương công nhân khi bị thương.

Kệ bê tông đặt máy sản xuất giấy còn nguyên vẹn và chắc chắn
Kệ bê tông đặt máy sản xuất giấy còn nguyên vẹn và chắc chắn

Chúng tôi tìm đến ông Phan Xuân Quyết, sinh năm 1930 (thôn Đồng Phú) một người từng cải tạo xí nghiệp giấy cho biết: Năm 1966, khi cấp trên có lệnh thành lập xưởng giấy Đồng Tràm, tôi cùng với 9 người khác được phân về cải tạo, mở rộng hang để mở xí nghiệp giấy. Năm 1967, xưởng giấy được đi vào hoạt động với gần 200 công nhân, đa số là thanh niên xung phong trên khắp toàn tỉnh được điều động về".

Xưởng giấy Đồng Tràm hoạt động khá sôi nổi. Nguyên liệu để làm giấy được lấy từ Thanh Lạng, xã Thanh Hóa. Sau khi giấy ra lò được đưa theo đường sông Gianh xuôi về Quảng Trạch để chuyển vào Nam phục vụ chiến đấu. Năm 1968, địch đánh phá ác liệt, nhưng nhờ ngụy trang kỹ càng nên xưởng giấy vẫn hoạt động bình thường, hàng ngày vẫn có giấy mới ra lò.

Ông Quyết cho biết thêm: Xung quanh xưởng giấy được trồng tre bao phủ nên địch rất khó phát hiện. Dù chiến tranh có bắn phá ác liệt như thế nào thì xưởng giấy ngày đêm vẫn hoạt động hết công suất.

Năm 1974, do nguyên liệu ngày càng khan hiếm, chiến tranh ở giai đoạn cuối thêm ác liệt và nhiều nguyên nhân khác nên xưởng giấy phải đóng cửa, thanh niên xung phong được điều động đi nơi khác, máy móc được chuyển đi. Xưởng giấy trở thành bãi hoang, người dân tới tận thu những thứ còn sót lại.

Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Đảng bộ xã Đồng Hóa cho biết: "Điều day dứt của tôi và các cựu chiến binh xã Đồng Hóa năm xưa là căn cứ cách mạng giữa lòng địch đang bị lãng quên. Đây từng là xưởng in nổi tiếng của huyện Tuyên Hóa thời chống Pháp và cũng là một xí nghiệp giấy lớn trong lịch sử ngành công nghiệp Quảng Bình thời chiến tranh, xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử".

                                                                      Thanh Hoa