.

Nhớ về Đại đội 5, du kích huyện Quảng Trạch

Thứ Bảy, 06/05/2017, 15:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 27-3-1947, giặc Pháp đổ bộ cửa biển Nhật Lệ, đánh chiếm Đồng Hới mở đầu cho cuộc xâm lược Quảng Bình.

Ngày 12-10-1947, đại đội du kích thường trực Huyện đội Quảng Trạch được thành lập lấy tên là Đại đội 5. Ban chỉ huy đại đội gồm 5 đồng chí do Phạm Điệt làm đại đội trưởng và Trương Sô làm đại đội phó, Phạm Bá Dượng làm chính trị viên.

Ngày 19-5-1948, Đại đội 5 phối hợp với Tiểu đoàn 400 Hà Tĩnh tập kích các vị trí Ba Đồn, Minh Lệ gây cho địch nhiều thiệt hại. Đặc biệt, ngày 12-7-1948, địch tấn công vùng Roòn với lực lượng lớn gồm thủy, lục, không quân hơn 1.000 tên. Ở Mũi Vích, một tiểu đội của Đại đội 5 đã ngoan cường chặn địch nhưng chúng đông gấp bội nên đành phải rút lui.

Hơn một ngày đêm chiến đấu, tuy lực lượng không cân sức nhưng dựa vào công sự và vật cản, quân dân Cảnh Dương đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt 11 tên Pháp, trong đó có 1 tên quan ba. Làng Cảnh Dương trở thành làng anh hùng, một điểm sáng trong phong trào chiến tranh du kích của tỉnh Quảng Bình.

Sáng 10-8-1948, một đoàn xe của địch đi  từ Tiên Lương về, có 16 tên Pháp (trong đó có thiếu tá Niox, đặc phái viên của tướng Lebis)  và 3 tên sĩ quan Pháp, bị 2 tiểu đội của Đại đội 5 phối hợp với 2 tiểu đội của Tiểu đoàn 400 chặn đánh. Sau 1 giờ chiến đấu, ta đã diệt 14 tên Pháp, bắt sống tên Carapel.

Tên tỉnh trưởng Quảng Bình Nguyễn Hữu Nhơn bị thương nặng rồi bỏ mạng cùng tên tỉnh phó Đặng Đàm và phủ trưởng Quảng Trạch Tôn Thất Cảnh. Ta phá hủy 5 xe jeep, thu 2 súng trường, 1 súng col12. Đây là trận phục kích kết hợp vận động chiến đấu có phương án chiến đấu sát đúng do đồng chí Lê Văn Huyên, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 400 chỉ huy.

Tháng 8 năm 1949, Trung ương Đảng ra chỉ thị chuyển các đại đội du kích tập trung thành bộ đội địa phương. Đầu tháng 12 năm 1949, Đại đội 5 du kích huyện Quảng Trạch chuyển thành Đại đội 365, Bộ đội huyện Quảng Trạch. Đại đội 365 đã cùng Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57 Nghệ An mới tăng cường cho Quảng Bình), bao vây đánh các đồn Hòa Ninh, Minh Lệ, Phú Ninh, Đơn Sa, Ba Đồn bắt nhiều tù binh thu vũ khí. Đầu năm 1950, các chiến sĩ Đại đội 365 đã kết hợp với Tiểu đoàn 418 giải phóng nhiều thôn ở Nam, Bắc sông Gianh. 

Ngày 27-2-1950, Đại đội 365 và dân quân, du kích tham gia cùng Tiểu đoàn 418 đã đập tan trận càn của địch vào vùng Nam Quảng Trạch, làm nên chiến thắng Phú Trịch vang dội. Ta đã tiêu diệt 120 tên, bắn bị thương hàng trăm tên khác, bắt sống 10 tên, bắn chìm 4 tàu thuyền và thu hàng trăm khẩu súng của địch.

Tháng 5 năm 1952, trên địa bàn huyện Quảng Trạch chỉ còn 2 đồn chính ở Ba Đồn và Mỹ Hòa. Ba Đồn là một vị trí mà địch có thể khống chế được 3 xã An Trạch, Thuận Trạch, Phong Trạch và phía Bắc tỉnh  Quảng Bình.

Bộ chỉ huy mặt trận quyết định đưa Trung đoàn 95 do Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri chỉ huy (sau này đồng chí Lê Văn Tri là Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa IV), phối hợp với Đại đội 365 và Trung đoàn 18 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hòa chỉ huy (sau này là đồng chí Nguyễn Hòa  trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa V), giải phóng Ba Đồn - Mỹ Hòa. 

Đêm 30-5-1952, sau 20 phút nổ súng, Trung đoàn 18 làm chủ trận địa ở Mỹ Hòa bắt tù binh, thu vũ khí. Quân địch ở đồn Thanh Khê bắn chi viện, lập tức bị hỏa lực của ta đóng ở Cao Lao bắn áp chế, đồn địch bốc cháy. Ở hướng chính, Trung đoàn 95 và Đại đội 365 “nhổ” xong tháp canh Cửa Phủ, Hàng Bò ở ngoại vi, tiếp tục tiến công vị trí Ba Đồn.

Sáng 31-5, địch điều 1 tiểu đoàn Âu Phi từ Đồng Hới ra Thanh Khê, cùng 5 ca nô ngược dòng sông Gianh lên tiếp viện cho Ba Đồn. Ca nô địch vừa cập bến, bộ phận chặn viện của ta nổ súng. Ta dồn chúng xuống bãi lầy diệt hàng trăm tên. Bộ phận bao vây ở Ba Đồn được lệnh tập trung về một phía chuẩn bị đánh viện binh, nhân cơ hội đó bọn sống sót cải trang thành dân thường trốn xuống ca nô. Tối 31 tháng 5, ta mở đợt tấn công lần thứ hai, tiêu diệt và làm bị thương 180 quân địch, thu 200 súng và 5 tấn đạn dược.

Quê hương được giải phóng, nhân dân vô cùng phấn khởi, vùng tự do được mở rộng từ Quảng Trạch, Tuyên Hóa đến Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Kết thúc 9 năm kháng chiến thắng lợi, Đại đội 5 du kích Quảng Trạch và sau này là Đại đội 365, Huyện đội Quảng Trạch đã phối hợp với bộ đội chủ lực và lực lượng dân quân, du kích đánh trên 400 trận, tiêu diệt trên 200 tên địch, bắt sống 50 tên, đốt cháy 10 xe quân sự, thu hàng trăm súng các loại...

Hoàng Minh Đức