.

Phát triển đảng viên trong đồng bào Rục: Còn nhiều khó khăn

Thứ Tư, 08/06/2016, 16:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước, đời sống của đồng bào Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) ngày càng được nâng lên. Các chi bộ Đảng cũng đã được thành lập cách đây hơn 15 năm nhưng chất lượng hoạt động chưa cao, việc phát triển đảng viên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo số liệu thống kê của Đảng bộ xã Thượng Hóa, hiện 3 bản ở đồng bào Rục có tất cả 14 đảng viên. Trong đó, chi bộ bản Ón có 4 đảng viên, chi bộ bản Yên Hợp có 4 đảng viên và chi bộ bản Mò O Ồ Ồ có 6 đảng viên. Trước đây, mỗi chi bộ chỉ có từ 1 đến 2 đảng viên nên Đảng bộ xã và Bộ đội biên phòng phải cử đảng viên về tham gia sinh hoạt.

Ngay sau khi thành lập, các chi bộ đã nỗ lực thể hiện tính tiên phong, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể cùng bà con nhân dân nơi cư trú đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh khu vực biên giới. Nhờ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào ngày càng được đi lên, các chi bộ từ chỗ yếu kém đã vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và phát triển đảng nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong số 14 đảng viên của 3 bản thì có 1 cán bộ Bộ đội biên phòng, có 2 người thuộc dân tộc Kinh từ nơi khác chuyển đến và một số cán bộ xã cư trú tại đây về cùng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ. Trong vòng 2 năm qua, chỉ có bản Yên Hợp phát triển thêm được hai đảng viên, nhưng cả hai đồng chí này từng là bộ đội, được kết nạp tại đơn vị rồi về địa phương chuyển chính thức.

Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào Rục.
Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào Rục.

Còn tính trong vòng 3 năm trở lại đây, cả 3 chi bộ không thể phát triển được đảng viên nào. Hiện các đảng viên ở đồng bào Rục đều đã lớn tuổi, trình độ thấp nên rất khó khăn trong việc lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Mặc dù hàng năm, Đảng bộ xã giao cho các chi bộ trong đồng bào Rục phải phát triển từ 1 đến 2 đảng viên nhưng do trình độ dân trí, nhận thức của người dân còn thấp, đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn nên không đạt được mục tiêu. Hiện mỗi bản vẫn còn 4 đến 5 người có đủ trình độ, năng lực và nhận thức, thậm chí có người đã từng học đối tượng đảng đến 2 lần nhưng đến nay họ vẫn chưa thể vào Đảng.

Anh Trần Xuân Vinh ở bản Ón nói rất hồn nhiên: “Thật sự tôi cũng muốn vào Đảng lắm chứ. Bởi nơi đó, tôi được cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cũng như thể hiện được lý tưởng cao đẹp. Nhưng nếu được vào Đảng, gia đình tôi sợ bị cắt hộ nghèo. Mà cắt hộ nghèo thì con cái đi học rất khó khăn, miếng cơm, manh áo của gia đình cũng sẽ ảnh hưởng”.

Ông Trần Xuân Tư, đảng ủy viên xã Thượng Hóa, phụ trách chi bộ bản Ón và bản Yên Hợp nói: “Khó khăn trong việc phát triển đảng viên ở đồng bào Rục đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể cũng như lãnh đạo bà con phát triển kinh tế-xã hội. Bởi có những người đứng đầu các tổ chức không phải đảng viên nên họ khó phát huy hết trách nhiệm, mà chúng tôi cũng khó khăn trong việc “gò” họ vào khuôn khổ”.

Thượng tá Trần Xuân Hường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho hay: “Để phát triển Đảng trong đồng bào Rục, Đồn đã cử cán bộ, chiến sỹ tham gia tuyên truyền, vận động và trực tiếp về sinh hoạt tại các chi bộ; đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ nhiều đối tượng làm hồ sơ kết nạp Đảng gửi lên cho Đảng ủy xã, nhưng ba năm nay vẫn chưa kết nạp được đảng viên nào.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Đảng bộ xã tuyên truyền, vận động, chọn những đối tượng có trình độ, năng lực, trách nhiệm để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Đồng thời, phối hợp với Trường trung cấp Luật Quảng Bình cho con em đồng bào Rục vào học tập, nâng cao kiến thức để tạo nguồn phát triển đảng viên cho các chi bộ”.

Ông Cao Thanh Biên, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa công nhận: “Việc phát triển đảng viên ở 3 bản đồng bào Rục hiện đang rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Đảng bộ xã sẽ thông qua các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống. Qua đó, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Đảng tại đồng bào Rục”.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Những đối tượng hộ nghèo vẫn được kết nạp vào Đảng. Sau khi kết nạp sẽ không đưa họ ra khỏi diện nghèo nếu thực sự sự họ còn nghèo mà chỉ đánh giá vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên. Theo quy định chung, những đảng viên hộ nghèo sẽ được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở xuống”.

Việc nhiều người dân nói chung và đồng bào Rục nói riêng “sợ” thoát nghèo không những là rào cản trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn là rào cản trong công tác xây dựng, phát triển Đảng ở các địa phương.

Xuân Vương