.

Kỷ niệm nhỏ về một thời làm đại biểu dân cử

Thứ Sáu, 20/05/2016, 13:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1994 tôi là Phó Chủ tịch HĐND huyện Tuyên Hoá khóa VII, nhiệm kỳ 1994-1999 và là đại biểu HĐND ứng cử tại xã Đức Hóa cùng các ông Võ Văn Uẩn (Chánh Thanh tra huyện) và ông Hoàng Cù (Giám đốc doanh nghiệp xây dựng tư nhân).

Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo luật định, 6 tháng một lần, chúng tôi còn bố trí thời gian về trên địa bàn xã trực tiếp đi khảo sát tình hình, kịp thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân để trên cơ sở đó làm việc với lãnh đạo xã, đề xuất những biện pháp giải quyết. Sau một nhiệm kỳ hoạt động, chúng tôi đã để lại cho bà con nhân dân ở đây những ấn tượng tốt đẹp. Nhân dịp chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tôi xin ghi lại đây một việc làm cụ thể và là ấn tượng khó quên của tổ đại biểu hồi đó mà đến bây giờ, tuy đã gần 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi.

Đức Hóa là xã miền núi của huyện Tuyên Hoá, vào những năm 90 của thế kỷ XX điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân rất thấp, tỷ lệ đói nghèo lúc đó trên 40%. Địa bàn dân cư lại nằm dọc 2 bên bờ sông Gianh, nhiều vùng thấp trũng, cứ hễ mưa là lũ lụt nước ngập mênh mông.

Hàng năm có nhiều trận lũ lớn nhỏ làm thiệt hại đến mùa màng, tài sản, tính mạng của nhân dân nơi đây. Trong số đó, thôn Kinh Trừng là làng quê hay bị ngập lụt nhất ở xã Đức Hoá, có địa bàn nằm lọt thỏm trong một vùng đất thấp, một bên là bờ nam sông Gianh, một bên là ngọn núi đá Phúc Sơn án ngữ - nơi có truyền thuyết về Lèn Tiên giới ngày xưa.

Vì thế năm nào ở đây cũng bị lũ lụt, điển hình là trận lũ lịch sử năm 1993 đã làm thiệt hại nhiều đến tài sản, tính mạng mùa màng của nhân dân. Nhà cửa, tài sản của nhân dân bị nước cuốn trôi, nhiều gia đình lâm vào cảnh không có nhà để ở, cuộc sống đói nghèo cứ dai dẳng bám theo họ từ năm này qua năm khác. Toàn thôn lúc đó có 42 hộ với hơn 200 khẩu hầu hết là đồng bào theo đạo Thiên chúa.

Đường vào thôn Kinh Trừng (xã Đức Hóa) ngày nay.
Đường vào thôn Kinh Trừng (xã Đức Hóa) ngày nay.

Qua khảo sát thực tế sau các trận lũ, đặc biệt qua tiếp xúc cử tri với bà con ở đây, chúng tôi thấu hiểu được nỗi cực khổ của nhân dân. Làm cách nào để nhân dân thoát được cảnh lũ lụt hàng năm? Đó là câu hỏi lớn bức xúc đặt ra cho chúng tôi. Chúng tôi đem trăn trở đó trao đổi với lãnh đạo xã và đề xuất với xã tìm phương án di dân. Bước đầu lãnh đạo xã nhất trí, nhưng vấn đề đáng quan tâm  là nếu di dân thì kinh phí đâu ra? Điều quan trọng nữa là lấy đất đâu để người dân sản xuất bảo đảm đời sống, trong khi đó ở chỗ cũ nhiều hộ còn có nghề kiếm sống trên sông nước, rồi bà con có đồng tình đi nơi khác hay không?...

Nhiều vấn đề nan giải đặt ra. Trước tình hình này, tổ đại biểu chúng tôi cùng với lãnh đạo xã tổ chức gặp gỡ trao đổi xin ý kiến với một số già làng, những hộ nòng cốt, rồi đưa ra buổi tiếp xúc cử tri của thôn để nghe ý kiến bà con. Điều đáng mừng là ai cũng đồng tình với phương án di dời đi nơi khác chứ không muốn cái cảnh lụt lội kéo dài này mãi. Khi bà con đã đồng tình với việc di dời đi nơi khác, chúng tôi lại cùng với các đồng chí lãnh đạo xã đi khảo sát thực tế một số nơi có thể di dân đến được.

Cuối cùng một phương án tối ưu nhất được nhiều người đồng tình là phương án di dời cả làng sang bờ bắc sông Gianh nơi đối diện với làng cũ, chỉ cách một con sông nên việc di chuyển sẽ thuận lợi, ít kinh phí, vị trí này lại cao ráo hơn, ít bị ngập lụt hàng năm, chỉ có lụt lớn mới bị ngập.

Mặt khác ở nơi này chỉ  cách đường quốc lộ 12A khoảng 300m. Bà con đi lại thuận tiện. Đất ở đây là đất trồng màu, có cả diện tích đất 5% của xã xin chuyển đổi sang đất ở sẽ dễ dàng hơn, còn đất ở làng cũ lại xin chuyển đổi sang đất nông nghiệp, bà con đi lại sản xuất cũng thuận tiện, chỉ cách một con sông.

Sau khi đã thống nhất với lãnh đạo xã, tôi bèn đưa việc này ra báo cáo xin chủ trương của UBND huyện, được UBND huyện đồng tình và giao trách nhiệm cho các phòng ban liên quan phối hợp với UBND xã tổ chức các bước tiếp theo như: đo đạc quy hoạch khu dân cư mới bảo đảm một hộ dân phải được cấp đất ở 400 mét vuông, rồi trình ra HĐND xã xin điều chỉnh lại quy hoạch khu dân cư, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại vị trí mới và đất ở sang đất nông nghiệp tại vị trí cũ...

Chủ trương được đưa ra mọi người đều đồng tình cao. Trong khó khăn về ngân sách, các hộ đều nhất trí bỏ kinh phí ra, để di dời và tạo điều kiện hỗ trợ giúp nhau di chuyển khi có chủ trương của cấp trên.

Cuối năm 1997, mọi thủ tục đã hoàn tất. Đầu năm 1998, toàn bộ dân thôn Kinh Trừng bắt đầu di dời sang nơi ở mới với tinh thần ai có đủ điều kiện trước đi trước, ai chưa có điều kiện đi sau, nhưng trong năm 1998 phải di chuyển hết. Quá trình di chuyển bà con lối xóm đã tạo điều kiện giúp đỡ tương trợ lẫn nhau nên cuối năm 1998, cả thôn Kinh Trừng đã chuyển hẳn sang vị trí mới theo đúng kế hoạch. Năm 1999 có điện lưới quốc gia về nên bà con lại càng phấn khởi...

Bây giờ ai có dịp về lại thôn Kinh Trừng sẽ  thấy bộ mặt của làng quê ngày càng đổi mới. Toàn thôn hiện có 67 hộ, với 327 khẩu. Hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 12 hộ. Nhà cửa bà con được xây dựng khang trang, 80% số hộ có nhà xây cấp 4 trở lên; đã xây dựng được nhà thờ họ giáo mới kiên cố thuận tiện cho việc hành lễ của nhân dân; đường sá đi lại thuận tiện, đường làng đã được bê tông hoá, cuộc sống người dân nơi đây ngày một đổi sắc thay da.

Ông Nguyễn Hữu Thuyết ở thôn Kinh Trừng cho biết: “Từ ngày được di dời sang đây bà con rất phấn khởi, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên kinh tế-xã hội ngày một phát triển, đời sống khấm khá, nhà xây ngày càng nhiều, Bà con giáo dân đoàn kết nhất trí cao, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo.

Đến nay trong thôn đã có nhiều em tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghệp. Điển hình có hộ ông Nguyễn Ngọc Huân có đến 5 người tốt nghiệp đại học. Kinh Trừng đạt làng văn hoá cấp huyện từ năm  2001 và năm nào cũng được công nhận khu dân cư tiên tiến, xóm đạo bình yên”.

Hồ Duy Thiện

>> Quốc hội khóa I và công tác bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên ở Quảng Bình

>> Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử

>> Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021