.

Ý kiến tâm huyết gửi đến kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ Năm, 10/12/2015, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Ý kiến tâm huyết gửi đến kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI.

>> Kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI

>> Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI: Quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020

>> Tập trung trí tuệ, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt kế hoạch năm 2016 (*)

>> Khai mạc kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI

"Mong có quyết sách để du lịch dịch vụ phát triển xứng với tiềm năng"

* Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch

Với vị trí địa lý thuận lợi, Bố Trạch sở hữu nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng, nhiều danh thắng đẹp cùng với nhiều lễ hội văn hoá độc đáo, tiêu biểu như Lễ hội đập trống của đồng bào dân tộc Ma Coong, lễ hội cầu ngư ở Nhân Trạch và các làn điệu dân ca hò Nhân Ngợi, hò Bài Chòi, tuồng bội Kẻ Đòi cùng các hình thức sinh hoạt văn hóa khác...

Đây còn là quê hương của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, dãy Trường Sơn huyền thoại và nhiều bờ biển đẹp... Tất cả đã tạo nên thế mạnh riêng có để Bố Trạch phát triển nhiều loại hình du lịch.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Phát triển dịch vụ du lịch là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện thời kỳ mới”. Cụ thể hóa nghị quyết, xây dựng các đề án phát triển du lịch và dịch vụ du lịch, Bố Trạch xác định tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và dịch vụ du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về các nguồn lợi từ du lịch và trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như các tài nguyên du lịch đang có; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách; chú trọng công tác xã hội hóa du lịch, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá và xúc tiến du lịch...

Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ là nỗ lực riêng của Bố Trạch mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các sở, ban, ngành.

Trước thềm kỳ họp HĐND tỉnh, mong rằng các đại biểu sẽ có những thảo luận, đề ra những quyết sách nhằm thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà nói chung và Bố Trạch nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng trên cơ sở bảo đảm tính bền vững, toàn diện, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và các mục tiêu văn hóa xã hội, quốc phòng-an ninh.

Thanh Hải (thực hiện)

Cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa,hiện đại hóa trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

* Ông Nguyễn Duy Viên, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, bộ mặt vùng nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được nâng lên... Tuy nhiên ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sản xuất lúa. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu, dẫn đến khi thực hiện sản xuất cánh đồng lớn khó khăn trong cơ giới hóa.

Bên cạnh đó chi phí các dịch vụ đầu vào cao, tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên sản xuất lúa lãi thấp,  thậm chí không có lãi. Đặc biệt là vụ hè-thu do thiên tai và chuột phá hoại, nên người dân một số địa phương không mặn mà.

Tôi hy vọng tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và đưa ra những giải phải mạnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quản lý tốt vật tư cho sản xuất nông nghiệp và có chính sách hỗ trợ về vật tư và đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Trong đó, cần tập trung các biện pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn, đồng thời thực hiện liên kết 4 nhà giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích; tiếp tục chỉ đạo, động viên người dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quan tâm hơn đến phát triển kinh tế trang trại, gia trại và kinh tế rừng. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng; tranh thủ các dự án để phát triển, bảo vệ rừng phòng hộ, trồng rừng tăng tỷ lệ che phủ, chống sạt lở ven sông, ven biển.

Ngoài ra, tôi đề nghị cần tăng cường các giải pháp kiên quyết về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chống tham nhũng và xử lý tham nhũng, có các giải pháp hữu hiệu trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để phát triển kinh tế và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Nhà nước cần tăng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hỗ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước lên 80%, nhân dân đóng góp 20%, để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho các huyện, xã có làng nghề truyền thống nhằm khôi phục, bảo tồn giá trị truyền thống, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thu nhập cho lao động nông thôn.

H.Tr (thực hiện)

Hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh tại đầu cầu Nhật Lệ được bố trí đẹp, hợp lý đã tạo được ấn tượng với du khách khi ghé thăm Quảng Bình. Ảnh: T.H
Hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh tại đầu cầu Nhật Lệ được bố trí đẹp, hợp lý đã tạo được ấn tượng với du khách khi ghé thăm Quảng Bình. Ảnh: T.H

Tăng cường đầu tư hơn nữa hệ thống công viên và cây xanh công cộng

* Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Công viên-Cây xanh Đồng Hới

Với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, thành phố Đồng Hới ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt năm 2015, thành phố được Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACNV) trao chứng nhận là đô thị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh- sạch- đẹp.

Là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định xây dựng Đồng Hới thành thành phố du lịch, trong đó nhiệm vụ chỉnh trang, xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi cần có sự đầu tư ngân sách thỏa đáng từ tỉnh, thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành; sự đồng thuận của nhân dân.

Hoạt động trong lĩnh vực chỉnh trang, làm đẹp đô thị, tại kỳ họp 16, HĐND tỉnh khóa XVI sắp tới, chúng tôi mong muốn HĐND tỉnh xem xét, quan tâm đến nguồn ngân sách bố trí cho công tác chỉnh trang các đô thị, trong đó có thành phố Đồng Hới; chú trọng quy hoạch thêm các điểm xây dựng công viên; hỗ trợ trồng thêm cây xanh công cộng; xem xét đến vấn đề quy hoạch các cụm điểm quảng cáo; đầu tư hệ thống điện trang trí tại các tuyến phố chính tạo điểm nhấn cho thành phố về đêm...

Trong công tác quản lý, mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về vấn đề chỉnh trang đô thị, từ đó góp phần vào công tác chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng công cộng, cơ sở hạ tầng đô thị; đặc biệt tỉnh, thành phố cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý đô thị.

T.Long (thực hiện)

Nên bàn giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

* Ông Hoàng Quang Tuệ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy

Trước hết phải nói rằng, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có liên quan trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tác động lớn đến đời sống người dân nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì thế, tôi mong muốn kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI dành nhiều thời gian thảo luận, tìm giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chung này.

Riêng với địa bàn huyện Lệ Thủy, vốn là huyện thuần nông, thường xuyên phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra, hạ tầng cơ sở chưa phát triển nên việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cũng gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Tôi mong muốn các đại biểu tham dự kỳ họp lần này tập trung trí lực, cùng thảo luận các nội dung cụ thể liên quan đến từng tiêu chí để lãnh đạo nhân dân cùng chung tay thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới phục vụ chính người dân nên người dân phải là chủ thể.

Từ việc nâng cao nhận thức người dân sẽ tránh được tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước khi triển khai những công trình của chính mình. Kỳ họp cần xác định hướng cho các địa phương xác định rõ nên chọn tiêu chí nào làm khâu đột phá. Theo tôi, hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng cũng như các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo cần được quan tâm đúng mức để tạo tiền đề cho việc thực hiện các tiêu chí còn lại.

Qua kỳ họp này, tôi tin tưởng sâu sắc rằng các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng nhau bàn bạc, thảo luận để tìm giải pháp lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

“Cần quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại-dịch vụ trên địa bàn thị xã Ba Đồn”

* Bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương chợ Ba Đồn, thị xã Ba Đồn

Là người trực tiếp hoạt động kinh doanh buôn bán, tôi nhận thấy hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại-dịch vụ trên địa bàn thị xã Ba Đồn vẫn còn nhiều bất cập, dịch vụ chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của 1 đô thị trẻ và chưa tương xứng với vai trò đặc biệt quan trọng là trung tâm kinh tế, văn hoá phía bắc của tỉnh.

Nhằm đưa thương mại-dịch vụ thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế những năm tới, thị xã đang tập trung quy hoạch chi tiết các phường Quảng Thọ, Quảng Phúc, Quảng Thuận để phát huy quỹ đất kém hiệu quả chuyển sang phát triển thương mại-dịch vụ gắn với các khu tiểu thủ công nghiệp, nhà máy may xuất khẩu.

Để thị xã Ba Đồn ngày càng khẳng định được vị thế của mình và xứng đáng với tên gọi là trung tâm kinh tế, văn hóa phía bắc của tỉnh, là cửa ngõ phía bắc kết nối với các đô thị khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng kinh tế Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình trong hành lang kinh tế Đông-Tây, theo tôi chỉ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân thị xã trong việc tận dụng, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương là chưa đủ.

Vì vậy, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận và có những quyết sách liên quan đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại-dịch vụ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình, đồng thời hỗ trợ kêu gọi, xúc tiến đầu tư, xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thị xã.

Hiền Chi (thực hiện)