.

Xây dựng khung khổ pháp luật về thuế ổn định, thống nhất

Thứ Bảy, 14/11/2015, 11:51 [GMT+7]
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tiên phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tiên phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 13-11, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), cơ bản tán thành với việc cần thiết sửa đổi các đạo luật này song, các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần đảm bảo nguyên tắc ổn định, thống nhất của pháp luật và quy trình xây dựng pháp luật; đánh giá cụ thể những tác động từ việc thiếu tính ổn định của pháp luật đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Chính sách thuế cần có tính ổn định

Buổi thảo luận ghi nhận những ý kiến còn khác nhau của các đại biểu Quốc hội đối với quan điểm về sự cần thiết sửa đổi cũng như một số nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế bao gồm Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Song các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm việc sửa đổi phải dựa trên quan điểm tiếp tục thực hiện chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ,...; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới.

Ngoài ra, việc sửa đổi đạo luật về thuế còn phải nhằm đảm bảo tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nêu quan điểm, việc sửa đổi một đạo luật thuế trong khi chưa có hiệu lực thi hành có thể ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật của Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng như cử tri và nhân dân cả nước luôn mong muốn những bộ luật, pháp lệnh khi đưa vào thực hiện phải có tính ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế có một số luật vừa có hiệu lực một thời gian ngắn thậm chí còn chưa tới thời điểm có hiệu lực thì đã phải đưa ra trình Quốc hội để tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.

Các đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng, trong khi các quy định mới về Luật thuế giá trị gia tăng và Luật quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 1-1-2015 và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (1-1-2016), nay lại tiếp tục được đề nghị sửa đổi không khỏi làm cho đại biểu Quốc hội và cử tri băn khoăn liệu rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này có thực sự là phương án cuối cùng? Cơ quan soạn thảo đã dự trù được hết những tình huống phát sinh trên thực tế hay không, hay vẫn còn những chỗ bất cập cần tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới?

Viện dẫn định hướng lớn trong Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 là ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đại biểu Phạm Tất Thắng đặt vấn đề, liệu sửa đổi chính sách thuế trong bối cảnh cuối năm, trước thềm Tết Nguyên đán - giai đoạn nước rút và thời điểm mang tính quan trọng nhất trong sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp có phù hợp?

Trên tinh thần đó, các đại biểu Phạm Tất Thắng, Phan Văn Quý đề nghị việc sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế cần phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo tính nhất quán của chính sách và thống nhất của pháp luật. Cần đánh giá thận trọng hơn nữa những tác động có thể xảy ra khi sửa đổi Luật về thuế - một đạo luật có tính nhạy cảm cao.

Việc sửa đổi thuế cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế để có các giải pháp thận trọng hài hòa giữa việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và việc tăng cường công tác quản lý, từ đó tránh được thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt khi luật này còn chưa đến thời điểm có hiệu lực, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc sửa đổi như vậy vừa thiếu tính ổn định trong chính sách về thu ngân sách vừa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nêu quan điểm hiện nay, ngành sản xuất ôtô trong nước có chi phí sản xuất cao hơn so với xe nhập khẩu sản xuất ở các nước trong khu vực đến 20%, việc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước sẽ không giúp thu hẹp được khoảng cách về chi phí này, do đó, sẽ chưa thể phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất trước sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập.

Nếu không cẩn thận, xe nhập khẩu sẽ được hưởng lợi kép từ việc vừa được giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt sẽ ngay lập tức ồ ạt nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, các nhà sản xuất xe ôtô trong nước cần nhiều thời gian chuẩn bị cho những thay đổi lớn về chính sách như vậy, chắc chắn, sẽ mất thị trường. Điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy rất lớn về chất xám, lao động và các vấn đề xã hội.

Thận trọng, đảm bảo công bằng khi xem xét xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước

Xung quanh điều khoản xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại như trong dự thảo luật, đa số các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận bày tỏ thái độ không đồng tình với quan điểm này vì cho rằng, quy định xử lý như vậy sẽ không đảm bảo công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp theo quy luật của nền kinh tế thị trường; thể hiện sự bất bình đẳng đối với đối tượng nộp thuế.

Thậm chí, việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước còn vô tình khuyến khích doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thiếu tính nghiêm túc trong kê khai, nộp thuế.

Có ý kiến đề nghị dự thảo chỉ nên quy định xóa nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước trong những trường hợp phát sinh nợ do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước, có như vậy mới đảm bảo thực hiện nghiêm tinh thần của Hiến pháp về việc mọi người, mọi công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, cũng tại buổi thảo luận, một số đại biểu có quan điểm tán thành với đề xuất khoản xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước như trong dự thảo luật với lập luận cho rằng, quy định như vậy sẽ tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc xóa nợ thuế chỉ được tiến hành với các doanh nghiệp Nhà nước “có địa chỉ rõ ràng” theo danh sách kết quả rà soát, chọn lựa của Chính phủ và thống kê cụ thể tổng kinh phí chi phí xóa nợ cho các đối tượng này.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo đảm bảo hình thành khung khổ pháp lý về thuế một cách đồng bộ, thống nhất, tránh thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho doanh nghiệp và sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 11 tới.

Theo Q.V (TTXVN/Vietnam+)