.

Lược trích tham luận của các đại biểu tại Đại hội

Thứ Ba, 27/10/2015, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Lược trích tham luận của các đại biểu tại Đại hội.

>> Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020

>> Lược trích tham luận của các đại biểu tại Đại hội

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

- Đại biểu Lê Văn Phúc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trong nhiệm kỳ tới, mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta là "Huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững". Để đạt được mục tiêu trên phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 5 năm là 8,5-9%, thu ngân sách đạt 8.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 65-70 triệu đồng...

Đây là mục tiêu rất cao trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn lực của tỉnh rất hạn chế, đòi hỏi phải tiếp tục tập trung quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, ngoài các giải pháp trong báo cáo chính trị đã nêu, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là: Đối với một tỉnh khó khăn thì việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là cực kỳ quan trọng. Do vậy, cần tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư các công trình, dự án kết cấu hạ tầng mang tính đột phá, tạo điều kiện để tỉnh bứt phá đi lên. Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - một lĩnh vực mà chúng ta còn yếu - tranh thủ các nguồn vốn ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển của tỉnh.

Cùng với huy động các nguồn vốn thì việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, chống thất thoát, lãng phí cần được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ hơn. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong XDCB và mua sắm công. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hai là: Thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh. Trọng tâm là đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt thủ tục hành chính một đầu mối trong thu hút đầu tư; giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư và các thủ tục hành chính khác, đảm bảo nhanh, hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, của UBND tỉnh, cải cách chế độ công chức công vụ; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, lĩnh vực, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại quy chế làm việc của đơn vị mình, kịp thời bổ sung, điều chỉnh; tập trung rà soát các quy trình giải quyết công việc, nhằm giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trên cơ sở quy định của pháp luật. Phấn đấu nâng cao chỉ số nămg lực cạnh tranh của tỉnh các năm tiếp theo lên thứ hạng tốt của cả nước.

Ba là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, các cơ sở dịch vụ công, tạo quỹ đất... đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế; thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, đẩy mạnh công tác quy hoạch, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực này. Đồng thời giải quyết khó khăn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong đầu tư.

Bốn là: Đổi mới hơn nữa trong việc quảng bá về hình ảnh, tiềm năng cơ hội đầu tư vào Quảng Bình, đặc biệt là tiềm năng về phát triển du lịch của tỉnh trên các kênh thông tin trong nước và quốc tế, tập trung quảng bá, kêu gọi, và xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh cao như: Du lịch hang động, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh; du lịch biển kết hợp các khu vui chơi đẳng cấp quốc tế; sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao trên cơ sở nguồn tài nguyên khoáng sản chất lượng cao như đá vôi, cát thủy tinh, chế biến nông lâm, thủy sản ...

Năm là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề. Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển thị trường lao động đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và người lao động trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp khi đón đầu cơ hội gia nhập thị trường các nước trong khu vực và thế giới theo các hiệp định thương mại tự do giữa nước ta và các nước trên thế giới.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đi đôi với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Quảng Bình

- Đại biểu Lương Văn Luyến, Tỉnh ủy viên khóa XV, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch

Muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch và di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chiến lược phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời phát triển du lịch phải đi đôi với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức về nghề du lịch, vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương và ngành du lịch, tiếp tục xây dựng nâng cao vị thế và thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình với phương châm “mỗi người dân là mỗi hướng dẫn viên du lịch”.

2. Khai thác các giá trị văn hóa, khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống làm cho các tài nguyên văn hóa của quê hương Quảng Bình trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước hình thành nên những khu, tuyến, điểm du lịch có thương hiệu trong bản đồ du lịch của cả nước. Trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch văn hóa tộc người, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch khảo cứu,... gắn chặt việc phát triển các du lịch cộng đồng và các dịch vụ du lịch đi kèm với sự tham gia tích cực của dân cư địa phương...

3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch:

Tận dụng các nguồn vốn tài trợ, thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2025; Quy hoạch phát triển du lịch bền vững VQG Phong Nha-Kẻ Bàng giai đoạn 2010-2020; trong đó đặc biệt ưu tiên bổ sung quy hoạch xây dựng tuyến cáp treo du lịch hang Sơn Đoòng.

Lập hồ sơ đề xuất Chính phủ công nhận điểm du lịch quốc gia cho thành phố Đồng Hới, khu du lịch quốc gia cho Phong Nha và đô thị du lịch cho thành phố Đồng Hới. Nghiên cứu, chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng và các giá trị độc đáo của Di sản thiên nhiên thế giới..

Tăng cường hiệu lực và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về du lịch đồng thời tạo sự chủ động, năng động của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường du lịch thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn, để thu hút khách và phát triển du lịch.

4. Phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ du lịch:

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin, truyền thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường và các lĩnh vực liên quan bảo đảm đồng bộ để phục vụ yêu cầu phát triển du lịch; hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng tại các khu, điểm du lịch đặc biệt là giao thông giữa TP. Đồng Hới với Phong Nha-Kẻ Bàng. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp phát triển du lịch đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đất đai, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

5. Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và liên kết phát triển du lịch:

Thực hiện các chính sách marketing về phát triển thị trường chuyên biệt cho khách quốc tế và khách nội địa. Chú trọng vào phân khúc thị trường khách du lịch tâm linh, du lịch văn hóa-lịch sử.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước với các hình thức linh hoạt: tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá; tổ chức các hội thảo chuyên đề; các ấn phẩm du lịch; thực hiện các chương trình quảng bá trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế... với nội dung phong phú, đa dạng, chuyên biệt cho từng phân đoạn thị trường; gắn xúc tiến du lịch với tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Xác định và phát triển các giá trị cốt lõi của du lịch Quảng Bình; hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Bình, chú trọng phát triển thương hiệu điểm đến Phong Nha-Kẻ Bàng cũng như thương hiệu của các sản phẩm du lịch...

Nâng cao dân trí, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

- Đại biểu Hoàng Minh Đề, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa

...Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về nâng cao dân trí, xây dựng nguồn nhân lực,  bảo đảm an sinh xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ đề ra, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Trước hết, Đảng và Nhà nước ta hiện đang có nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội vùng miền núi, dân tộc. Về cơ bản, các chủ trương, chính sách này đã góp phần cải thiện bộ mặt vùng đồng bào dân tộc, miền núi, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, từ những chính sách an sinh xã hội đã tạo ra sức ỳ tâm lý trong đại bộ phận người dân, nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Đây chính là căn nguyên sâu xa làm hạn chế hiệu quả các chương trình đầu tư cho vùng dân tộc. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả và bền vững để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, từ đó góp phần nâng cao dân trí, trình độ nhận thức cho đồng bào vùng dân tộc.

Thứ hai, cần nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ dân tộc, miền núi, từ đó xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết tốt việc sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có; xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại gắn với yêu cầu phát triển hiện nay; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Kết hợp sử dụng cán bộ người dân tộc và cán bộ người kinh để bổ sung, giúp nhau cùng tiến bộ. Phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc thực hành chính sách ưu đãi đối với  miền núi, vùng đồng bào dân tộc: “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi”.

Thứ ba, từ vị trí chiến lược trọng yếu của miền núi, vùng đồng bào dân tộc, cần có giải pháp hữu hiệu trong việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ kết hợp với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh. Cần có những tiêu chí ưu tiên về trình độ văn hóa để con em các dân tộc được tham gia nghĩa vụ quân sự, được đào tạo trong các trường sĩ quan, kỹ thuật, nghiệp vụ của quân đội và công an, nhằm hình thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quan tâm đầu tư ngân sách để phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các ngành nghề tạo nhiều việc làm để thu hút nguồn nhân lực.

Tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, làm tốt công tác phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng dạy học ở các cấp học; nhất là đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc. Quan tâm chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường hiệu quả của công tác dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm xây dựng lực lượng lao động có tay nghề, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.

Thứ năm, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện việc luân chuyển, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức cho các xã vùng đồng bào dân tộc.

Thực hiện tốt việc tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức theo chính sách thu hút nhân tài và chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ hoạt động ở thôn, bản, tiểu khu...