.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Về nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, tôi nhất trí cao với dự thảo. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc thực hiện mục tiêu "sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" thì nông nghiệp vẫn là lĩnh vực ưu tiên và cần được đầu tư tương xứng cả về nguồn lực và cơ chế chính sách.

* Đồng chí Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh

Tôi nhất trí cao với dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm tới; mục tiêu tổng quát 5 năm (2016-2020); 12 nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới; các chỉ tiêu về tốc độ phát triển kinh tế và GDP bình quân 5 năm; về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; mục tiêu và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vấn đề kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với đối ngoại và về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng: Bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD là quá cao trong điều kiện tình hình đất nước và thế giới 5 năm tới tiếp tục còn nhiều khó khăn.

Tôi đề nghị tách nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí thành mục riêng. Vì hiện nay tình trạng tham nhũng, lãng phí đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng; phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả sẽ góp phần củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:

- Trong định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cần ưu tiên phân bổ đầu tư cho các vùng ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cần có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế miền núi phù hợp với đặc điểm từng vùng, có chính sách ưu tiên, bố trí đủ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và giải quyết tốt các vấn đề xã hội ở miền núi.

* Đồng chí Nguyễn Mậu Quyết, Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Ninh

Về phát triển văn hoá, tôi hoàn toàn nhất trí với những nội dung nêu trong dự thảo báo cáo. Tôi xin nhấn mạnh thêm: Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì vậy, cần quan tâm tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa tương ứng với đầu tư cho phát triển kinh tế.  Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, phát triển phải đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số nhiều nhưng chưa tập trung, còn dàn trải, manh mún, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phát triển toàn diện vùng miền núi, dân tộc thiểu số để nâng cao trình độ, đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân tộc thiểu số; có chính sách cụ thể bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số, đồng thời hòa nhập nhanh với xã hội.

Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vui chơi, giải trí phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; có biện pháp đẩy lùi văn hóa độc hại, quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội.

Ngoài ra, về quản lý xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, theo tôi:

- Cần quan tâm chăm lo tốt hơn đến công tác an sinh xã hội, chế độ chính sách đối với gia đình chính sách, người có công; chế độ lương đối với công chức, viên chức và người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng giả mạo hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong và nạn nhân chất độc da cam.

- Nâng định mức đầu tư cho các xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn đang thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Đảng, Nhà nước cần bảo đảm mọi mặt để Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ.

H.Trà (thực hiện)

* Đồng chí Phan Văn Quang, CCB phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi nhất trí cao với các vấn đề mà dự thảo đưa ra. Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, khoa học và có chất lượng cao. Nội dung đã được đề cập toàn diện, có sự nghiên cứu sâu sắc. Các vấn đề nêu trong dự thảo bảo đảm tính khách quan, đúng với thực tiễn tình hình.

Bên cạnh đó, phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), theo tôi Trung ương cần đánh giá sâu hơn nữa về những thành tựu quan trọng, nổi bật trong nhiệm kỳ qua trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội. Ngoài ra cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm (một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch, nợ công tăng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập...).

Về nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, tôi nhất trí cao với dự thảo. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc thực hiện mục tiêu "sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" thì nông nghiệp vẫn là lĩnh vực ưu tiên và cần được đầu tư tương xứng cả về nguồn lực và cơ chế chính sách. Trung ương cũng cần làm rõ thêm về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại. Nên chăng trong 5 năm tới, Trung ương cần tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn.

Trên lĩnh vực khoa học, công nghệ, Đảng và Nhà nước cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong dự thảo. Vấn đề quản lý tài nguyên cũng đang là một trong những vấn đề "nóng", đã và đang tác động đến các nguồn tài nguyên như rừng, nước, khoáng sản...

Trên cơ sở định hướng của dự thảo, đề nghị Trung ương quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chế tài xử lý để hạn chế và đẩy lùi tình trạng khai thác bừa bãi dẫn đến cạn kiệt tài nguyên và những thảm họa về môi trường hiện tại và tương lai.

Ngọc Mai (thực hiện)