.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên: Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới

Thứ Sáu, 21/08/2015, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Suốt chặng đường 70 năm qua, cùng với lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Tài chính, trải qua các thời kỳ cách mạng, hoạt động của ngành Dự trữ Nhà nước nói chung và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên nói riêng luôn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Ngay từ thời kỳ đầu mới giành được độc lập, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương “tích cốc, phòng cơ” để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Dự trữ Nhà nước luôn đáp ứng tích cực cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới, với những tác động của biến đổi khí hậu, Dự trữ Nhà nước là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: ngân quỹ khánh kiệt, thù trong giặc ngoài uy hiếp. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt biện pháp về tài chính đã được thực hiện rất hiệu quả như: Tuần lễ vàng, Quỹ độc lập... Nhân dân ba tỉnh Bình  Trị Thiên đã cùng cả nước nhiệt tình hưởng ứng, góp phần to lớn giúp tài chính nhà nước có thêm nguồn thu, bảo đảm yêu cầu xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, để bảo đảm lương thực, thực phẩm phục vụ cán bộ, bộ đội, năm 1951 tỉnh Quảng Bình đã hình thành mạng lưới dự trữ, quản lý hai mặt hàng chiến lược đó là lương thực và muối. Trong điều kiện chiến tranh, hàng dự trữ đã góp phần ổn định kinh tế vùng chiến khu giải phóng, giúp bộ đội có đủ lương thực ăn no đánh thắng. Hàng dự trữ còn theo bước chân các đoàn dân công hoả tuyến đến tận nước bạn Lào, Campuchia.

Ngày 7-8-1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 997/TTg về  việc  thành lập  “Cục quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước” (gọi tắt là Cục dự trữ) trực thuộc Phủ Thủ tướng và thành lập 18 “Ban đại diện vật tư dự trữ” trực thuộc Cục dự trữ, trong đó có “Ban đại diện vật tư dự trữ Quảng Bình” (mật danh là D161). Mới ra đời nhưng D161 được giao nhiệm vụ cùng lúc quản lý nhiều mặt hàng trong đó có lương thực, phòng quản lý lương thực dự trữ mật danh là P1. Phòng quản lý lương thực dự trữ (P1) là tiền thân của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên ngày nay.

Vận chuyển gạo cứu trợ cho đồng bào vùng lũ Quảng Bình năm 2013.
Vận chuyển gạo cứu trợ cho đồng bào vùng lũ Quảng Bình năm 2013.

Sau giải phóng miền Nam 1975, đất nước thống nhất, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, là thời kỳ Dự trữ tại Quảng Bình bắt đầu củng cố ổn định cơ sở vật chất, kỹ thuật. Năm 1976 sáp nhập tỉnh mới Bình Trị Thiên, cơ quan Dự trữ tại Quảng Bình chuyển sang hoạt động trên phạm vi địa giới tỉnh mới. Do yêu cầu của công tác dự trữ phục vụ cho quốc phòng-an ninh; khắc phục hậu quả thiên tai, giáp hạt nên mặt hàng dự trữ trực tiếp tại khu vực Bình Trị Thiên tập trung chủ yếu là thóc.

Thời kỳ này, sản xuất khó khăn, kinh tế chậm phát triển; lương thực thiếu thốn trầm trọng phải nhập khẩu của nước ngoài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động dự trữ trên địa bàn; lạm phát tăng cao, đời sống của cán bộ công chức hết sức khó khăn. Trong điều kiện đó, công tác dự trữ trên địa bàn Bình Trị Thiên luôn thực hiện tốt nhiệm vụ: quản lý chặt chẽ lượng hàng hoá dự trữ đang trực tiếp bảo quản và lương thực khoanh vùng trên địa bàn để cung cấp cho cán bộ, bộ đội và nhân dân lúc thiên tai, giáp hạt.

Hàng năm các đơn vị trên địa bàn đã xuất hàng ngàn tấn thóc phục vụ kịp thời cho các địa phương để cứu đói, khắc phục hậu quả cơn bão số 10 năm 1983 và đợt bão lũ  năm 1985. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động để thực hiện nhập, xuất các loại vật tư hàng hoá mới theo chỉ tiêu kế hoạch ngành giao, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, giải quyết phục vụ kịp thời, có hiệu quả các đợt thiên tai mất mùa, giáp hạt, góp phần ổn định kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Sau những năm thực hiện đường lối đổi mới, với quyết tâm cao, Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên đã phát huy tối đa nội lực sẵn có trong sự đồng thuận từ lãnh đạo đến cán bộ công chức và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị. Tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban, ngành, đặc biệt là của Cục Dự trữ Quốc gia, từng bước xây dựng, sửa chữa kho tàng, kiến tạo cơ sở vật chất, mặt khác liên tục cử cán bộ đi đào tạo các lớp chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời rà soát, bố trí cán bộ vào các vị trí thích ứng phù hợp với năng lực chuyên môn của từng người.

Năm 1993, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Cục Dự trữ Quốc gia về việc phối hợp với Vinalimex viện trợ gạo cho Cu Ba, đây là một nhiệm vụ mới đối với đơn vị lúc bấy giờ. Với quyết tâm “vì nhân dân Cu Ba”, cán bộ, công chức Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên đã vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, xuất thóc gia công xay xát thành 7.000 tấn gạo đạt tiêu chuẩn 20% tấm, viện trợ cho Cu Ba đúng thời gian, đạt chất lượng.

Trong cơn đại hồng thủy năm 1999, trong lúc các tuyến đường giao thông và thông tin liên lạc bị chia cắt hoàn toàn, công tác dự trữ tại khu vực Bình Trị Thiên không những làm tốt nhiệm vụ bảo quản, bảo vệ tốt hàng hóa dự trữ quốc gia mà còn trực tiếp xuất cấp tại chỗ cứu trợ cho nhân dân vùng bị lũ lụt 6.000 tấn gạo; phối hợp các Dự trữ quốc gia khu vực khác tiếp nhận, trung chuyển và giao tận nơi cứu đói cho nhân dân trên 24.000 tấn gạo dự trữ quốc gia trong thời gian ngắn nhất.

Vững bước đi lên cùng cả nước; ngành Dự trữ quốc gia cũng từng bước được củng cố, hoàn thiện để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của ngành Dự trữ Nhà nước đã được khẳng định qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao hàng năm, nhằm bảo đảm phục vụ an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Từ năm 2000 đến nay, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên đã thực hiện nhiệm vụ nhập, xuất hàng hóa dự trữ tăng về quy mô và đa dạng các mặt hàng thiết yếu chiến lược; hiện nay chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, lực lượng dự trữ luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà nước.

Đơn vị thực hiện xuất cấp với khối lượng lớn hàng hóa, vật tư dự trữ. Kết quả tác động của việc xuất cấp lực lượng Dự trữ Nhà nước đã có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của nền kinh tế và ngày càng thể hiện vai trò dự trữ Nhà nước là công cụ điều hành vĩ mô của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Cơ quan Dự trữ đã xuất hàng chục vạn tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong thời kỳ giáp hạt, đồng bào bị bão lụt, hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg và các loại vật tư cứu hộ cứu nạn cho các địa phương gặp thiên tai; xuất bán hàng triệu tấn lương thực để bình ổn thị trường. Đặc biệt, năm 2014 Cục đã tiến hành bàn giao xuồng cao tốc DT4 cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tham gia tích cực bảo vệ biển đảo góp phần giữ gìn an ninh Tổ quốc.

Ghi nhận những công lao đã đóng góp, với những thành tích đạt được, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Nguyễn Hữu Hoàng
Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên