.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII:

Tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật

Thứ Năm, 02/07/2015, 08:21 [GMT+7]

(tiếp theo)

(QBĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong hoạt động xây dựng luật, dưới sự điều hành của đại biểu Hoàng Đăng Quang các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia thảo luận tại tổ đối với một số dự thảo dự án luật, như Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Kế toán; Luật Phí, lệ phí;  Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)…Từ kết quả thảo luận tại tổ, các đại biểu đã tiếp tục đầu tư nghiên cứu để có những đóng góp quan trong trong các phiên thảo luận tại hội trường.

>> Đóng góp nhiều ý kiến quan trọng

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội trường.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Minh Diệu đã phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy viên Thường vụ Quốc hội và tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, về kết cấu và cách thể hiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương trong dự thảo Luật được thiết kế và thể hiện theo từng cấp chính quyền từ tỉnh, đến huyện, đến xã và theo từng loại chính quyền là nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là hợp lý.

Kết cấu như vậy là dễ để có thể làm rõ hơn những khác biệt bên trong về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ của mỗi loại chính quyền - nông thôn hay đô thị, đó cũng là cách thể hiện rành mạch, rõ ràng, dễ theo dõi và cũng dễ áp dụng vào thực tiễn.

Đối với một số nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị, tại điều 85, quy định thẩm quyền cho từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn cần bỏ cụm từ “và phê chuẩn”. Bởi lẽ khác với Quốc hội, HĐND chỉ có thẩm quyền bầu các chức danh theo quy định chứ không có thẩm quyền phê chuẩn chức danh nào cả.

Theo đó, điều 85 chỉ nên xác định thẩm quyền cho từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND bầu ra. Cũng tại điều này, việc quy định cho từ chức, bãi nhiệm các chức danh do HĐND bầu thuộc thẩm quyền của HĐND, quy định như vậy là đúng. Riêng việc miễn nhiệm các chức danh vào thời điểm giữa hai kỳ họp thì nên giao cho Thường trực HĐND xem xét quyết định. Tương tự như vậy, việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu tại Điều 99 với những trường hợp vì lý do sức khỏe, vì đã di chuyển ra khỏi địa bàn, thậm chí đã đi ra nước ngoài để sinh sống, làm việc... phải do Thường trực HĐND xem xét quyết định chứ không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp để HĐND quyết định.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực HĐND quy định tại Điều 102, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc quyết định các trường hợp về miễn nhiệm và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu mang tính thủ tục đương nhiên, không thể trì hoãn như nói ở trên. Đồng thời cũng tại điều 102, đề nghị bổ sung thêm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp trong việc phối hợp với HĐND để giải quyết những vấn đề có tính cấp thiết ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH, QP-AN của địa phương.

Về điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND, đại biểu cho rằng, tổ chức bộ máy Văn phòng cấp huyện vẫn còn bất cập, mặc dù đã có nhiều ý kiến đề xuất nhưng vẫn chưa được nghiên cứu tiếp thu. Sau khi phân tích những bất cập hiện nay trong việc thiết kế tổ chức bộ máy Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, đại biểu đề nghị HĐND cấp huyện cần phải có một cơ quan giúp việc độc lập là Văn phòng HĐND, trên cơ sở được tách ra từ Văn phòng HĐND và UBND với nguyên tắc là không làm tăng thêm biên chế. Đề nghị Bộ Nội vụ khảo sát, nghiên cứu và xác định lại từng vị trí việc làm để bảo đảm khi tách văn phòng thì không những không làm tăng thêm mà có thể bớt đi một số biên chế trong tổng biên chế hiện có của văn phòng cấp huyện.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần này được nêu trong Báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, đại biểu chưa nhất trí với một số nội dung được sửa đổi và đề nghị xem xét.

Thứ nhất, về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm (GĐT), đại biểu đã phân tích và cho rằng, việc quy định Hội đồng GĐT có quyền đánh giá lại chứng cứ, sửa đổi toàn bộ bản án nhưng các bên đương sự không được tham gia vào quá trình xét xử, không được phát biểu quan điểm tranh tụng bảo vệ quyền lợi của họ là trái với nguyên tắc Hiến định là bảo đảm tranh tụng, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong xét xử.

Mặt khác, theo đại biểu, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có điểm đổi mới là cho phép Hội đồng GĐT sửa bản án nhưng có giới hạn là chỉ trong trường hợp không làm thay đổi bản chất vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án và không gây bất lợi cho người bị hại, nhưng trong dự thảo BLTTDS thì không có điều kiện tương tự như vậy. Nếu cho rằng vì hình sự liên quan đến phạt tù, đến tự do thân thể thì mới cần quy định Hội đồng GĐT không được sửa bản án nếu làm xấu đi tình trạng của người bị kết án còn đối với dân sự thì không cần hạn chế này là hoàn toàn sai lầm, cần phải xem xét.

Từ các lý do trên, đại biểu đề nghị: “Nếu cho phép Hội đồng GĐT sửa bản án thì cần phải thiết kế theo một trong hai phương án hoặc chỉ cho phép sửa bản án nếu việc sửa đổi này không làm ảnh hưởng đến lợi ích các bên, tương tự như trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thông thường trong tranh chấp dân sự thì bên này được lợi, bên kia sẽ bị thiệt hại. Vì vậy, việc sửa bản án chủ yếu thực hiện trong một số trường hợp như sửa về cách tính án phí, sửa các sai sót kỹ thuật của bán án hoặc phương án thứ hai là sửa đổi về thủ tục GĐT theo hướng bảo đảm việc tranh tụng của phiên tòa như thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, việc sửa đổi này có thể làm quá tải hoạt động của cấp GĐT”.

Về việc quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng ở Điều 4. Theo đại biểu:“Nếu quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng thì BLTTDS cần phải quy định rõ vụ việc này sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nào, vì đối chiếu với các quy định của dự thảo BLTTDS, tôi thấy không đáp ứng được yêu cầu này”.

Thứ hai, đại biểu cho rằng, cần phải hết sức cân nhắc nếu quy định các tranh chấp về dân sự như hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động, chưa có pháp luật điều chỉnh đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện trong điều kiện năng lực, trình độ thẩm phán chưa đồng đều như hiện nay. Trong trường hợp này thì thẩm phán phải giải quyết vụ việc theo lẽ công bằng nếu như không có tập quán, không có tương tự pháp luật nên rất khó khăn.

Trong khi đó, việc quyết định về lẽ công bằng ở đây chỉ giao cho một thẩm phán cấp huyện và 2 hội thẩm. Đại biểu đề nghị, nếu có quy định thì cũng phải quy định thẩm quyền giải quyết ở Tòa án cấp cao hơn.

Thứ ba, về án phí giám đốc thẩm, đại biểu đã phân tích những bất cập trong quy định mới về án phí GĐT tại Điều 324 của dự thảo và cho rằng quy định như vậy là bất hợp lý, không bảo đảm được quyền của đương sự. Trong trường hợp này tòa án sai lầm thì nhà nước phải sửa, không thể bắt công dân phải trả án phí cho việc xử sai của nhà nước.

Vì vậy, đại biểu đề nghị “cần phải quy định về án phí GĐT giống như án phí phúc thẩm, chỉ phải nộp án phí phúc thẩm nếu cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm”. Cũng tại phiên thảo luận này, đại biểu Hà Hùng Cường trong cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phát biểu, giải trình về một số vấn đề mà ý kiến đại biểu còn khác nhau.

Bên cạnh hoạt động xây dựng luật, các đại biểu cũng tích cực tham gia trong hoạt động chất vấn. Kỳ họp này Quốc hội dành 5 buổi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của 4 vị Bộ trưởng. Đoàn đã có 3 lượt chất vấn với nhiều nội dung, trong đó đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 nội dung, Bộ trưởng Bộ Công thương 2 nội dung; đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 2 nội dung.

Các ý kiến chất vấn của đại biểu đã tập trung đề nghị các vị Bộ trưởng tăng cường trách nhiệm, đề ra các biện pháp giải quyết đối với những vấn đề bức xúc hiện nay, như giải pháp hỗ trợ nông dân, ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm và định hướng sản xuất; giải pháp xử lý tình trạng hiện nay trên các tuyến đường của đô thị, hệ thống cột điện phải đeo tải quá nhiều thứ, công tơ điện, bảng quảng cáo và các loại dây điện khác nhau, vừa không bảo đảm an toàn, vừa gây phản cảm và mất vẻ đẹp của cảnh quan đô thị; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vay vốn sản xuất; nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng khá nhiều đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo, tỷ lệ các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế rất thấp và còn chưa được công khai gây lãng phí lớn; về trách nhiệm và giải pháp để thực sự đưa khoa học đến với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh thị trường khu vực và thế giới...

Các câu hỏi trên của các đại biểu cũng đã được các Bộ trưởng chịu sự chất vấn tiếp thu và trả lời gọn, có trọng tâm, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Phong Hồng-Ất Mão

(Còn nữa)