.

Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình 65 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Hai, 18/05/2015, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) -  Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình được Tỉnh uỷ Quảng Bình ra quyết định thành lập vào ngày 19-5-1950 với tên gọi lúc bấy giờ là Trường Đảng Lê Hồng Phong. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào năm 1976, khi 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế sáp nhập, Trường Đảng Lê Hồng Phong cũng được sáp nhập với Trường Đảng Thừa Thiên, thành Trường Đảng Bình Trị Thiên đứng chân trên địa bàn thành phố Huế. Đến năm 1985 Trường Đảng Bình Trị Thiên đổi tên thành Trường cán bộ Lê Duẩn-Bình Trị Thiên.

 

Lễ Khai giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị-Hành chính.
Lễ Khai giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị-Hành chính.

Vào năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ, Trường cán bộ Lê Duẩn - Bình Trị Thiên cũng được chia tách thành ba trường. Ngày 15-7-1989, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình có Quyết định số 18 QĐ/TU  thành lập Trường Đảng tỉnh Quảng Bình trên cơ sở Trường cán bộ Lê Duẩn chuyển từ Huế ra; đến ngày 1-4-1993, trường được đổi tên thành Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quảng Bình.

Thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về việc “Thành lập Trường Chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, ngày 20-4-1995, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Quyết định số 11/QĐ-TU về việc thành lập Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình. Cũng trong quyết định này, chức năng nhiệm vụ chính trị của nhà trường được quy định rõ, gồm hai nhiệm vụ chính: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương.

Tính từ khi thành lập cho đến nay, Trường Chính trị Quảng Bình đã có bề dày thành tích hoạt động  65 năm và đã trở thành một đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở có hiệu quả, uy tín ở trong tỉnh. Qua quá trình xây dựng, phát triển cùng với các giai đoạn cách mạng của tỉnh, của cả nước, với nghị lực, ý chí, quyết tâm của lãnh đạo, của cán bộ, công chức, viên chức, nhà trường luôn hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt  cho các đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chủ chốt cấp xã trong tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng.

Từ khi được thành lập vào năm 1950 cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trong suốt 25 năm sống và làm việc dưới làn bom đạn địch, phải thường xuyên thay đổi địa điểm và với một đội ngũ cán bộ còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, song cán bộ và giảng viên, nhân viên Trường Đảng Lê Hồng Phong Quảng Bình đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đã nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng kịp thời hàng nghìn cán bộ, phần lớn là cán bộ cơ sở trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, đặc biệt trong đó có phong trào “Chiến đấu giỏi và sản xuất cũng giỏi”, góp phần làm nên quê hương  Quảng Bình “Hai giỏi”.

Trong 13 năm sáp nhập trường Đảng Bình Trị Thiên, nhà trường cũng đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất trong thời kỳ hậu chiến tranh và đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ cơ sở cũng như cán bộ, công chức cho các ban, ngành cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên với nhiều loại hình đào tạo khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đó là khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kể từ khi tái thành lập trường năm 1989 đến nay, đây là thời kỳ nhà trường củng cố, kiện toàn, đổi mới và không ngừng phát triển lớn mạnh trên mọi phương diện, cả về xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ cho tỉnh.

Trong đó 10 năm đầu, từ 1989-1999, nhà trường bước đầu đổi mới và bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất từ chỗ nghèo nàn, thiếu thốn đã được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo: Nhà trường đã xây dựng được 1 khu nhà 2 tầng, trong đó có 1 phòng làm hội trường chứa 150 người, 2 phòng học, mỗi phòng chứa 70 người; một nhà nội trú học viên 2 tầng khép kín, bảo đảm chỗ ở cho 80 người, một số nhà cấp 4 cũ đủ chỗ ở cho 80 người; 1 nhà ăn tập thể cấp 4 đủ chỗ cho 200 người; xây dựng cổng chính, hàng rào bảo vệ, ga ra để xe. Khuôn viên trường được hình thành từng bước, đường đi, sân bóng chuyền bắt đầu được bê tông hoá; bảo đảm bước đầu cho việc đi lại và hoạt động thể thao, giải trí của cán bộ, giảng viên và học viên.

Mặt khác, tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý của nhà trường cũng nhanh chóng được kiện toàn và liên tục được bổ sung, phát triển. Các tổ chức đoàn thể cũng được kiện toàn và đi vào hoạt động tương đối có nền nếp và đạt hiệu quả. Đội ngũ giảng viên được nâng lên về cả số lượng và chất lượng. Đến năm 1999 đã có 27 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong số đó đã có 3 giảng viên trình độ thạc sĩ, một số giảng viên được đào tạo thêm bằng 2 đại học.

Với cơ sở vật chất và đội ngũ như vậy, nhà trường đã đào tạo được 12 lớp với 796 học viên theo chương trình Trung cấp chính trị (cả hệ tập trung và tại chức); bồi dưỡng kiến thức QLNN cơ sở 11 lớp với 580 học viên; bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên 8 lớp với 395 học viên; bồi dưỡng công tác các hội đoàn thể 31 lớp với 2.493 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình Trung cao cấp 3 lớp với 196  học viên, 12 giảng viên của Trường Chính trị cũng đa tham gia loại hình bồi dưỡng này. Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với Học viện Chính trị Đà Nẵng- nay là Học viện Chính trị khu vực III đào tạo trình độ cử nhân chính trị gồm 2 lớp 202 học viên.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Trường Chính trị Quảng Bình đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhà trường vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Trong tình hình mới, nhiệm vụ của nhà trường nặng nề hơn, nhu cầu mở lớp ngày càng nhiều trong lúc cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ, một số cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng.

Hơn nữa, trong hoạt động giảng dạy đặt ra nhiều vấn đề cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp, phong cách trong dạy học. Đứng trước thực tế này, hai vấn đề nổi cộm được lãnh đạo nhà trường quan tâm đầu tiên là hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học và không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Với sự nỗ lực vượt bậc của nhà trường cùng sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ sở vật chất của nhà trường đã và đang được củng cố và từng bước hoàn thiện một cách có kế hoạch, quy hoạch theo mô hình chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện. Nhà trường đã có 2 khu nhà công sở cao 2- 3 tầng, nhà nội trú gồm 3 tầng cho học viên, nhà giảng đường mới cao 3 tầng; khu giảng đường với sức chứa trên 700 người, nội trú trên 200 người. Bộ máy và công tác quản lý của nhà trường cũng từng bước được kiện toàn theo xu hướng chuyên môn, chuyên sâu, chính quy và hiện đại hơn. Nếu như năm 2000 nhà trường chỉ có 3 khoa và 2 phòng chức năng thì đến năm 2015 đã có 4 khoa, 3 phòng; Ban Giám hiệu có trình độ theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị của nhà trường đã thường xuyên được củng cố, kiện toàn tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong thời gian qua. Đảng bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh, tiên tiến và được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tặng giấy khen; Công đoàn nhà trường nhiều năm liền được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen; Chi đoàn nhiều năm liền được Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn, Đoàn Khối tặng cờ và bằng khen, giấy khen; Hội CCB, Chi Hội luật gia của trường hoạt động có nền nếp; tất cả các tổ chức đoàn thể đều phấn đấu hoạt động với tinh thần nỗ lực cao vì sự thành công chung của nhà trường.

Đáng chú ý là trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, tuyển dụng giảng viên đồng thời luôn tạo điều kiện bố trí giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên lực lượng giảng viên của trường ngày càng lớn mạnh và từng bước được trẻ hóa.

Nếu như năm 2000, đội ngũ giảng viên của trường là 27 người, trong đó có 3 thạc sĩ, 10 người có 2 bằng đại học, thì đến năm 2015, trong tổng số giảng viên 30 người, có 1 giảng viên trình độ tiến sỹ, 23 giảng viên có trình độ thạc sĩ, các giảng viên còn lại đã có 2 bằng đại học trở lên. Hầu hết giảng viên đều sử dụng thành thạo máy tính, có kỹ năng cập nhật thông tin, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng bài giảng ngày một nâng cao.

Nhà trường đã triển khai thành công nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và chuyên viên các ban, ngành trong tỉnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Đoàn cán bộ, giảng viên tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 2014.
Đoàn cán bộ, giảng viên tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 2014.

Cho đến đầu năm 2015, nhà trường đã tổ chức đào tạo chương trình Trung cấp Lý luận chính trị hệ tập trung 13 lớp (855 học viên), Trung cấp Lý luận chính trị hệ tại chức 33 lớp (2.740 học viên); bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên chính 9 lớp, với 758 học viên; bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên 38 lớp với, 2.422 học viên; bồi dưỡng kiến thức QLNN cơ sở 33 lớp, với 2.181 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng 25 lớp (1.640 học viên), nghiệp vụ công tác Mặt trận và đoàn thể 69 lớp (4.443 học viên); bồi dưỡng cán bộ đại biểu HĐND, Bí thư  Đảng ủy xã, cán bộ cấp phòng gồm 6 lớp, với 450 học viên; bồi dưỡng giảng viên 3 lớp, với 100 học viên.

Mặt khác, nhà trường còn phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III mở 8 lớp Cao cấp Lý luận chính trị với hơn 540 học viên; Trung tâm Tin học của nhà trường kết hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Quảng Bình tổ chức 12 lớp ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A và B cho 546 học viên; 27 lớp Tin học trình độ A và B cho 1.330 học viên là cán bộ  cấp xã trong toàn tỉnh.

Nhà trường còn cộng tác chặt chẽ và có hiệu quả với các cơ quan hữu quan, trên cơ sở phát huy năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Kết quả, đã nghiên cứu và hoàn thành các đề tài khoa học: "Thực trạng và giải pháp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình; “Giải pháp  xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình”, “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã ở Quảng Bình trong thời kỳ CNH, HĐH”... Nhà trường cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học có tính lý luận và thực tiễn cao cũng như nghiên cứu các đề tài làm cơ sở  biên soạn bài giảng.

Có thể khẳng định, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao phó, trong suốt thời gian kể từ ngày thành lập cho đến nay, nhất là giai đoạn từ năm 1989 đến 2015, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị Quảng Bình đã hăng hái thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và vượt kế hoạch tỉnh giao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Với những thành tích đạt được, năm 1998 tập thể nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2008). Nhiều tập thể các khoa, phòng được tặng cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh; một số cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và bằng khen của Chính phủ. Đặc biệt, mới đây Trường Chính trị Quảng Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất- phần thưởng cao quý, xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm và những đóng góp của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường.

Phạm Thanh Hùng, Tỉnh ủy viên-Hiệu trưởng