.

IPU-132: Nhìn nhận tiến trình cải cách cuộc sống trẻ em toàn cầu

Thứ Tư, 01/04/2015, 17:22 [GMT+7]

Ngày 1-4, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Ủy ban Thường trực Dân chủ và Nhân quyền đã tổ chức hội thảo với chủ đề “25 năm Công ước về quyền trẻ em: Cuộc sống của trẻ em liệu đã tốt hơn?” nhằm nhìn nhận lại tiến trình thực hiện cải thiện cuộc sống của trẻ em trên toàn cầu.

>> Đại hội đồng IPU-132: Hành động chung vì tương lai thế giới

Trao tặng quà Tết cho các em nhỏ xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Trao tặng quà Tết cho các em nhỏ xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về quyền trẻ em trong giai đoạn hiện tại và nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, quyền của trẻ em, những thành tựu đạt được và chỉ ra thách thức trong nỗ lực chấm dứt bạo lực trẻ em, nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới phải có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bạo lực trong trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, được trải rộng theo vị trí địa lý, dân tộc, văn hóa, xã hội và kinh tế. Vì thế vấn đề bạo lực trong trẻ em phải được xem xét và đánh giá lại một cách đúng đắn bởi người lớn và chính bản thân trẻ em.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ trẻ, thành viên Đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Liên hợp quốc, các nghị viện thành viên của Liên minh Nghị viện Thế giới đã có những hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước quyền trẻ em trên thế giới và tại quốc gia của mình.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia thứ hai của châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, kể từ sau khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực hiện quy định trong Công ước cũng như những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em; thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ báo cáo và đối thoại về tình hình thực hiện Công ước và hai Nghị định thư bổ sung.

Hiến pháp Việt Nam mới được sửa đổi năm 2013 đã ghi nhận một cách đầy đủ các quyền của trẻ em, đó là “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.”

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc sống của trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được cải thiện, trẻ em vẫn phải đối mặt với nguy cơ bóc lột sức lao động, không được chăm sóc y tế, không được đến trường, nạn bạo hành trẻ em vẫn chưa được xóa bỏ, hệ thống thư pháp bảo vệ trẻ em ở nhiều nước mới chỉ chú trọng đến việc phòng ngừa…

Cũng tại hội thảo, đoàn Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em giữa các quốc gia để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề trẻ em trong nước; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập và phân tích dữ liệu liên quan đến trẻ em, thúc đẩy nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến trẻ em và phân công bổ nhiệm một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu về trẻ em, quy định rõ trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của mỗi nước.

Mỗi quốc gia cần rà soát quy định về các quyền cơ bản của trẻ em trong pháp luật của mỗi quốc gia để bảo đảm phù hợp với nội dung của Công ước. Trong điều kiện cụ thể của mình, các quốc gia thành viên cần có những hành động tích cực nhất để thực hiện các quy định của Công ước, thể hiện trong các hành động xây dựng chính sách, pháp luật, rà soát thống nhất nội dung về các quyền cơ bản của trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được sử dụng quyền tham gia của mình làm phương tiện hữu hiệu thực hiện các quyền khác.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã qua 25 năm thực hiện, cần có đánh giá, thảo luận của các quốc gia thành viên về quy định và điều chỉnh, hoàn thiện để phù hợp với trình độ, sự phát triển xã hội trong thời kỳ hiện nay.

Theo Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)