.
Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II:

Kỳ vọng hơn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Thứ Sáu, 05/09/2014, 14:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình.

* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những năm qua công tác dân tộc ở tỉnh ta đã được đặc biệt quan tâm, đồng chí có thể đánh giá lại những kết quả đạt được của công tác này?

- Đồng chí (Đ/c) Trần Văn Tuân: Như chúng ta đã biết, tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số chính là Bru- Vân Kiều và Chứt với dân số hơn 22.000 người, sống định canh định cư tại 107 bản làng thuộc 17 xã miền núi, vùng cao các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa.

Khu vực cư trú của đồng bào giàu tiềm năng phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, phần lớn địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa, khí hậu khắc nghiệt, giao thông cách trở... chính những đặc điểm này tác động lớn đến đời sống đồng bào, ảnh hưởng tới các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở các xã miền núi.

Năm 5 qua (2009-2014), được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại những địa phương này, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng bền vững.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn  đại biểu Quốc hội tỉnh, thăm đồng bào Rục xã Thượng Hoá sau đợt lũ tháng 10-2010.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thăm đồng bào Rục xã Thượng Hoá sau đợt lũ tháng 10-2010.

Các chương trình, dự án, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách định canh định cư; chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... cùng với các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác đã tạo tiền đề quan trọng giúp đồng bào vươn lên.

Công tác giao đất giao rừng, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt những kết quả tích cực. Công tác giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nội dung trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa đã làm thay đổi căn bản diện mạo bản làng vùng đồng bào dân tộc, xuất hiện ngày càng nhiều điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao. Trong 5 năm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư trên 230 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 6% (từ 69% năm 2011 xuống còn 51% năm 2014). 100% các xã vùng đồng bào dân tộc  có đường ô tô về tận trung tâm xã; trường học, trạm y tế xây dựng kiên cố; 100% xã đã phủ sóng phát thanh, truyền hình, mạng điện thoại và internet; 88% xã sử dụng điện lưới quốc gia...

Suốt dãy núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số từ Lệ Thủy đến Tuyên Hóa, ngược lên phía tây Bố Trạch, Minh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều bản làng văn hóa, tổ chức tốt công tác định canh định cư, ổn định sản xuất lâu dài như: Khe Khế, Cây Bông, Cồn Cùng (Kim Thủy); Tân Ly, Xà Khía (Lâm Thủy); Cửa Mẹc, Khe Giữa (Ngân Thủy); Khe Dây, Lâm Ninh (Trường Xuân); Khe Cát, Trung Sơn (Trường Sơn); Y Leng, Bãi Dinh, La Trọng (Dân Hóa); Cà Xen (Thanh Hóa)...

* PV: Chúng ta kỳ vọng những gì về Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ 2?

- Đ/c Trần Văn Tuân: Năm năm một lần, tỉnh ta lại tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số. Đại hội lần này là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa 180 đại biểu điển hình tiên tiến là đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, trong thực hiện tốt phong trào  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà cho bà con dân tộc xã Trọng Hoá.
Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà cho bà con dân tộc xã Trọng Hoá.

Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Quảng Bình kỳ vọng rất nhiều về thành công Đại hội. Đại hội tiếp tục khẳng định những kết quả đạt được của chính sách đại đoàn kết dân tộc. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xóa đói giảm nghèo. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và phát huy. Đồng bào ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trên con đường đổi mới.

Và điều quan trọng nhất chúng ta kỳ vọng là, Đại hội phải chỉ ra được những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc. Trước mắt cũng như lâu dài, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều thách thức: đời sống của đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số còn ở mức thấp, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kinh tế hàng hóa chậm phát triển, sản xuất mang tính tự cung tự cấp; trình độ dân trí còn thấp; kết cấu cơ sở hạ tầng dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng đồng bào dân tộc còn yếu...

Đồng thời, Đại hội phải chỉ ra những khó khăn, hạn chế để có quyết sách, phương hướng phù hợp trong công tác dân tộc ở những năm tiếp theo.

* PV: Vậy định hướng cơ bản về công tác dân tộc trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

- Đ/c Trần Văn Tuân: Mục tiêu đặt ra tại Đại hội cũng như công tác dân tộc trong thời gian tới là chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, chăm lo phát triển y tế, giáo dục; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc.

Trên cơ sở những mục tiêu đề ra, công tác dân tộc trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể thực hiện công tác dân tộc; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; phát triển giáo dục- đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe,  nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, bằng sự trợ lực mạnh mẽ từ phía Nhà nước, chúng ta tin tưởng tương lai không xa, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà sẽ có nhiều tiến bộ vượt bậc, bền vững trong phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Ngô Thanh Long (thực hiện)