.

Bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa: Ghi nhận từ Tuyên Hóa

Thứ Hai, 21/07/2014, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Là huyện miền núi nên Tuyên Hóa có những khó khăn mang tính đặc thù của một địa phương có xuất phát điểm thấp. Trong số 20 xã, thị trấn của huyện thì đã có đến 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 16 xã có đồng bào theo đạo Thiên chúa sinh sống với 3.466 hộ, 17.173 nhân khẩu, chiếm 22% dân số trong toàn huyện. Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-BNV của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc “Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới”, Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước hết, huyện Tuyên Hóa xác định nguyên nhân khó khăn trong thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới là, một bộ phận tín đồ, chức sắc, chức việc trong đồng bào theo đạo Thiên chúa nhận thức chưa thật đầy đủ về âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; các hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo thuần tuý để gây cản trở việc thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, nhiều hành vi vi phạm pháp luật còn diễn ra ở một số cơ sở giáo hội nhưng chưa được xử lý kịp thời, trình độ giáo dân nhận thức chưa đồng đều; việc làm của một bộ phận giáo dân thiếu ổn định, sống lênh đênh sông nước, đi làm ăn xa...

Bên cạnh đó, tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn xảy ra. Vì thế, công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm. Quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị 11/CT-BNV, huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan nhằm vận động đồng bào theo đạo Thiên chúa hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ...

Qua đó, làm cho người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ trách nhiệm tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa, yêu nước” trong cộng đồng dân cư và trong toàn xã hội.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến xã, bên cạnh việc củng cố, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ cũng đã chú trọng công tác vận động giáo dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: Phong trào "Xây dựng thôn, bản bình yên; cụm dân cư không có tội phạm, phòng ngừa không để xảy ra ma tuý và các loại tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; phong trào "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ANTT tại chỗ”; phong trào "Xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá”;...

Đối với các chức sắc, chức việc trên địa bàn, thông qua các chương trình, hội họp, các hoạt động tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để tác động, gắn trách nhiệm phối hợp với chính quyền, Mặt trận trong tuyên truyền, vận động giáo dân “sống tốt đời, đẹp đạo”; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua “Người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; tham gia giữ gìn ANTT tại cơ sở.

Cùng với các vị chức sắc, thành viên Hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ là những thành phần tham gia tích cực vào các hoạt động tại địa phương, nhiều vị Hội đồng mục vụ đã tham gia đại biểu HĐND các cấp, ủy viên UBMTTQVN và Ban chấp hành các đoàn thể, các tổ chức xã hội từ thiện. Đây là những nhân tố làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động giáo dân tích cực lao động sản xuất, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội; thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, tham gia phòng chống tội phạm góp phần giữ vững ANTT ở địa bàn thôn, xóm.

Không chỉ tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân xứ đạo Mai Hóa còn tích cực mở rộng nghề mây xiên mang lại nguồn thu nhập khá.
Không chỉ tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân xứ đạo Mai Hóa còn tích cực mở rộng nghề mây xiên mang lại nguồn thu nhập khá.

Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-BNV trong 20 năm qua của huyện Tuyên Hóa đã góp phần không nhỏ vận động giáo dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với nhiều hình thức. Qua đó làm cho cán bộ, nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ chính sách về tự do tín ngưỡng tôn giáo, phân biệt được hoạt động tôn giáo thuần tuý với những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo; gương mẫu thực hiện các quy định về sinh hoạt tôn giáo; tích cực vận động gia đình, người thân tham gia các phong trào ở địa phương và nội quy, quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, quá trình thực hiện Chỉ thị 11/CT-BNV cũng đã tranh thủ, vận động được các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo tham gia tuyên truyền cho giáo dân nhận thức đúng về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT tại địa phương.

Và một điều quan trọng nữa là, việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-BNV đã có sự tác động, chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng giáo; tạo ra sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở

Bám sát tinh thần Nghị quyết 25 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về công tác tôn giáo; Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, Chỉ thị 11/CT-BNV, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã chủ động xây dựng chương trình hành động tổ chức thực hiện, tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo của các cấp ủy đảng, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành cấp huyện và địa phương.

Riêng đối với các xã có đồng bào theo đạo Thiên chúa, qua các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử HĐND, Huyện ủy Tuyên Hóa đã tập trung lãnh đạo kiện toàn các cấp ủy từ chi bộ đến đảng bộ, bộ máy chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Trong đó, công tác củng cố đội ngũ cán bộ cốt cán vùng giáo được chăm lo đúng mức, đến nay số lượng cán bộ tham gia đại biểu HĐND huyện có 31 người và 493 đại biểu HĐND xã, thị trấn đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Trong đó, có 40/524 đại biểu HĐND huyện, xã là người công giáo giữ các chức vụ công tác ở xã và thôn.

Cũng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Huyện ủy Tuyên Hóa đã đẩy mạnh thực hiện Quy định 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị về “kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có tham gia sinh hoạt tôn giáo”. Để làm nòng cốt cho phong trào, công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa đã được cấp ủy các địa phương chú trọng. Thống kê từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã kết nạp được 30 đảng viên người công giáo.

Thường vụ Huyện uỷ cũng đã tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng thành lập 12 chi bộ đảng ở các thôn, bản trước đây không có chi bộ, trong đó có 6 thôn thuộc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa gồm Thuận Tiến, Kinh Trừng, Thanh Tiến, Tân Hoá, Tiền Phong. Đến nay, cơ bản các vùng có đồng bào theo đạo Thiên chúa đều có chi bộ đảng. Ngoài ra, công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cốt cán trong các tổ chức đoàn thể cũng đã được tăng cường, 100% thôn trên địa bàn huyện đều có các chi hội, chi đoàn hoạt động thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia.

Tỷ lệ tập hợp hội viên, đoàn viên ở các xã có đồng bào theo đạo Thiên chúa đạt tỷ lệ tương đối cao, khoảng từ 60% đến 75%, riêng tổ chức Hội Cựu chiến binh đạt trên 90%. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa nhìn chung hoạt động có hiệu quả, chú trọng giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “sống tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng xứ, họ đạo “đạt chuẩn văn hóa, gia đình công giáo đạt tiêu chuẩn văn hóa”.

Một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào có đạo mà huyện Tuyên Hóa tích cực thực hiện là thường xuyên xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như các tổ chức làm công tác ANTT tại cơ sở. Tính đến nay, Lực lượng công an các xã trên toàn huyện có 240 đồng chí, trong đó có 19 đồng chí trưởng công an xã, 32 đồng chí phó trưởng công an xã, 189 công an viên các thôn, bản, trong đó có 152 đồng chí là đảng viên, 18 đồng chí là người theo đạo Thiên chúa.

Đội ngũ này, hàng năm đều được tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính trị, nghiệp vụ, khả năng thực hành xử lý các tình huống, vụ việc xảy ra về ANTT; tham mưu cho cấp ủy chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng công an bảo đảm ANTT, vận động nhân dân phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các loại tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đạt được nhiều kết quả.

Có thể nói, công tác củng cố kiện toàn các tổ chức làm công tác ANTT ở cơ sở đã được chú trọng phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ công tác ở từng địa bàn của huyện miền núi Tuyên Hóa. Đến nay, toàn huyện đã củng cố, xây dựng được 20/20 hội đồng bảo vệ ANTT cấp xã; 156/156 ban bảo vệ ANTT các thôn, bản; 1.278 nhóm nhân dân tự quản về ANTT ở các cụm dân cư. Ở hầu hết các vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa, nhân dân đều tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình nòng cốt của phong trào, đã chọn nhiều nhân tố tích cực trong công tác ANTT để bổ sung vào các tổ chức làm công tác ANTT.

Điển hình một số ban bảo vệ ANTT ở vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa thực hiện tốt nhiệm vụ như: Kim Tiến (Kim Hóa), Kinh Trừng (Đức Hóa), Chợ Cuồi (Tiến Hóa), Kinh Châu (Châu Hóa), Tân Hóa (Mai Hóa)... đã góp phần tích cực vào công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn dân cư.

Nguyễn Hoàng