.

Những bài học lớn từ một quyết định lịch sử

Thứ Năm, 08/05/2014, 07:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Bài học về phát huy dân chủ nội bộ và đề cao trách nhiệm của người chỉ huy đang là vấn đề thời sự trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Bài học lịch sử luôn sinh động, có giá trị, là gạch nối quá khứ với hiện tại.

>> Những bài học lớn từ một quyết định lịch sử

(Tiếp theo kỳ trước)

3. Bài học về phát huy dân chủ nội bộ

Sau nhiều ngày đêm vất vả, những khẩu pháo mới xích gần đến trận địa dã chiến. Mặt trận quyết định giờ nổ súng là 17 giờ ngày 25 tháng 1. Gần đến ngày N  thời gian nổ súng bị lộ, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng thêm 24 tiếng. Chính trong 24 tiếng đó Đại tướng đã có quyết định lịch sử.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: “Mỗi ngày tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm văng vẳng bên tai “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn. Đêm ngày 25-1-1954. Tôi không sao chợp mắt được. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ phải buộc trên trán tôi một nắm ngải cứu... Phải họp ngay Đảng ủy Mặt trận... Suốt đêm tôi chỉ mong trời chóng sáng” (Sđd. Tr299-300).

Sáng 26-1, trước khi họp Đảng ủy Mặt trận Đại tướng gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh nêu ba khó khăn trên và kết luận: “Nếu đánh là thất bại”. Vi Quốc Thanh hỏi: “Vậy nên xử trí thế nào?”. Đại tướng trả lời: “Ý định của tôi là hoãn cuộc tiến công ngay chiều nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương án “đánh chắc tiến chắc”. Sau giây lát suy nghĩ Vi Quốc Thanh nói : “Tôi đồng ý với Võ Tổng, tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn”. Việc Đại tướng tranh thủ sự đồng tình của Vi Quốc Thanh là một việc làm thể hiện ý thức dân chủ và tôn trọng ý kiến của đoàn cố vấn đồng thời chuẩn bị tạo sự nhất trí trong cuộc họp Đảng ủy sắp tới.

Trong phiên họp Đảng ủy lúc đầu có nhiều ý kiến khác nhau. Đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị cho rằng: “Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?”. Đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp nói: “Tôi thấy cần giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được”. Đại tướng chỉ rõ: “Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở... Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng quyết định là phải có cách đánh đúng”.

Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Mặt trận lại nói: “Anh Văn cân nhắc cũng phải... Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 ly và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi,”. Cuộc họp diễn ra căng thẳng, trao đổi một hồi vẫn chưa đi đến kết luận, cuộc họp tạm dừng một lát.

Sau khi cuộc họp tiếp tục, Đại tướng nêu vấn đề: “Vô luận tình hình nào, chúng ta phải nắm nguyên tắc cao nhất: đánh chắc thắng” và ông nhắc lại ý kiến của Bác  khi trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?” (Sđd. Tr 303).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Trước câu hỏi đó nhiều người thấy khó trả lời, làm sao bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm. Đảng ủy đi tới nhất trí là nếu đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp khắc phục. Từ thảo luận dân chủ Đại tướng đi đến kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

” Quyết định thay đổi phương châm đánh được Đảng ủy Mặt trận thống nhất nhưng để chấp hành nguyên tắc tổ chức (dù Bác đã giao cho Đại tướng toàn quyền quyết định) ông vẫn cho đồng chí Nguyễn Công Dinh, một cán bộ tác chiến mang thư hỏa tốc về báo cáo với Bác và Bộ Chính trị. Bức thư đề ngày 30-1-1954 về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ  và sau đó ngày đầu xuân Giáp Ngọ ông nhận được điện rồi thư trả lời của Bác và Bộ Chính trị nhất trí cho rằng: “quyết định thay đổi cách đánh như vậy là hoàn toàn đúng”. (Theo Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ. NXB Văn hóa Sài Gòn 2007. Tr 495)

Thay đổi phương châm đánh  là một quyết định sáng suốt, sau này khi nhớ lại, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nói: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ đánh nhanh giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể lui lại 10 năm” (Sách đã dẫn. tr304).

Thay đổi phương châm đánh là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình và Đại tướng còn nói thêm, đó cũng là “một bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ” (Sách đã dẫn, tr 304).

4. Bài học về vai trò của người chỉ huy

Trước khi đi chiến dịch Bác Hồ hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”. Đại tướng báo cáo: “Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ở trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh. Việc ở nhà đã có anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng. Chỉ trở ngại là ở xa, không thường xuyên xin được ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”.

Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. “Tướng tại ngoại”. Trao chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Đó là trách nhiệm nặng nề mà Bác đã thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đại tướng. Với vai trò chỉ huy ông luôn đề cao trách nhiệm nặng nề này suốt cả thời gian chuẩn bị và trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trước đa số cán bộ chỉ huy trong Đảng ủy Mặt trận và cả đoàn cố vấn nghiêng về phương châm đánh nhanh thắng nhanh nhưng ông vẫn bảo vệ và cố gắng thuyết phục và quyết định thay đổi phương châm đánh chắc tiến chắc. Ngoài bài học phát huy dân chủ nội bộ ở đây còn có tính quyết đoán của người chỉ huy, tin vào quyết định của mình và dám chịu trách nhiệm trước tập thể Bộ Chính trị và Bác. Dám quyết đoán vì ông tin quyết định của mình là đúng và đã chuẩn bị cho cách đánh mới với những yếu tố thắng lợi.

Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu sau này bộc lộ: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là được lời như cởi tấm lòng”. Cùng với việc kéo pháo ra, ông chủ trương đưa Đại đoàn 308 tiến quân về Luông Phabăng, chỉ đạo các chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào mở mặt trận phối hợp, làm phân tán lực lượng địch trước khi mở chiến dịch ở Điện Biên. Tất cả những chủ trương đúng đắn đó đã tạo cho Điện Biên những yếu tố thắng lợi khi mở màn chiến dịch.

Khi chuẩn bị nổ súng ông về sở chỉ huy ở Mường Phăng để được gần với mặt trận. Ông viết: “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên bộ đội ngay tại mặt trận... Hễ có thời gian, tôi lại lên đỉnh núi, dùng ống nhòm quan sát trận địa, cảm thấy như mình đang được ở chiến hào, bên cán bộ chiến sĩ” (Sách đã dẫn. Tr327).

Nghiên cứu những bài học lớn rút ra từ quyết định lịch sử thay đổi phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ta thấy vẫn còn những giá trị thực tiễn mang tính thời đại. Những quyết định, nhất là những quyết định quan trọng về chủ trương, chính sách không thể chủ quan duy ý chí, phải xuất phát từ thực tế khách quan đó là tiền đề cho thắng lợi.

Bài học về phát huy dân chủ nội bộ và đề cao trách nhiệm của người chỉ huy đang là vấn đề thời sự trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Bài học lịch sử luôn sinh động, có giá trị, là gạch nối quá khứ với hiện tại.

Phan Viết Dũng