.

Phụ nữ Quảng Bình: Sôi nổi các phong trào thi đua

Thứ Sáu, 14/03/2014, 09:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, phụ nữ Quảng Bình không ngừng phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể điển hình ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Với sự nỗ lực trên tất cả mọi mặt, phụ nữ tỉnh ta đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã trở thành động lực thúc đẩy những hoạt động của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN). Thấm nhuần các tiêu chuẩn của phong trào, đông đảo hội viên, phụ nữ trong tỉnh không ngừng học tập nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tạo tiền đề vững chắc cho sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ.

Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã lồng ghép phong trào trên với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng thời đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, các cấp hội đã đề ra từng chỉ tiêu thi đua cụ thể về hoạt động tiết kiệm, tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nội dung hoạt động tiết kiệm cho cán bộ, hội viên phụ nữ.

Trên cơ sở đó, Hội đã tập trung củng cố, phát triển các loại hình tiết kiệm tại chi hội, tổ phụ nữ nhằm tạo thêm nguồn vốn vay tại chỗ, giúp chị em phát triển kinh tế. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều loại hình tiết kiệm sáng tạo, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng phụ nữ. Chỉ tính riêng trong năm 2013, đã có 153.003 hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm với số dư tiết kiệm trên 10 tỷ đồng, cho 14.379 phụ nữ vay vốn.

Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về 19 tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới và xem việc thực hiện phong trào là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại thi đua của từng đơn vị. Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tổ chức nhiều lớp tập huấn và các buổi truyền thông về công tác bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, gắn biển mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, hỗ trợ xây nhà vệ sinh cho phụ nữ nghèo, cận nghèo tại 33 xã của các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Hoạt động đóng góp xây dựng các nguồn quỹ nhân đạo từ thiện luôn được các cấp Hội phụ nữ nhiệt tình tham gia.
Hoạt động đóng góp xây dựng các nguồn quỹ nhân đạo từ thiện luôn được các cấp Hội phụ nữ nhiệt tình tham gia.

Các cấp Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ toàn tỉnh tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công để làm mới và sửa chữa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Ngoài ra, phụ nữ đã tích cực tham gia vào hoạt động giải phóng mặt bằng, hiến đất, hiến cây, phát quang đường, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, đóng góp tiền, công lao động để bê tông hoá đường giao thông nông thôn, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp liên kết nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường. Điểm nổi bật của phong trào này là đã xây dựng thành công mô hình thí điểm kinh tế tập thể nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống cho phụ nữ. Một số mô hình ra đời và hoạt động khá hiệu quả như mô hình chăn nuôi gà tại xã Nam Hóa (Tuyên Hóa), mô hình nuôi cá tại xã Sơn Trạch, nuôi gà tại xã Vạn Trạch (Bố Trạch), tổ hợp nuôi ong lấy mật ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh), hợp tác xã chế biến thủy hải sản Hòa Vang (Quảng Xuân, Quảng Trạch)...

Để phụ nữ có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững, các cấp Hội đã tranh thủ khai thác nhiều chương trình, dự án để tiến hành các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Trung tâm dạy nghề của Hội LHPN tỉnh đã phát huy được vai trò, nhiệm vụ của mình bằng việc truyền dạy cho phụ nữ các ngành nghề nông thôn như nghề làm nón lá, làm bánh truyền thống và xây dựng được nhiều  mô hình sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các gia đình hội viên.

Đồng hành cùng với chị em, các cấp Hội phụ nữ luôn sâu sát cơ sở, trong đó dành nhiều ưu tiên đối với các cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kiến thức chăm sóc sức khoẻ, phát triển kinh tế, vận động chị em thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc... Cùng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp Hội, chị em ngày càng chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, lao động và nỗ lực vươn lên trên tất cả mọi mặt. 

Từ những kết quả trên cho thấy, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Mặt khác đã làm khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhật Văn