.

Đồng thuận cao để về đích sớm

Thứ Sáu, 14/03/2014, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, từ việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể điển hình ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ mục đích và ý nghĩa sâu sắc của các phong trào thi đua đã thu hút toàn thể hệ thống chính trị tham gia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.

Càng khó khăn càng tích cực thi đua

Năm 2013 là năm mà tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, tỉnh phải hứng chịu hậu quả của hai cơn bão số 10 và số 11 với sức tàn phá hết sức nặng nề, song với tinh thần “càng khó khăn càng phải tích cực thi đua”, toàn tỉnh đã tổ chức tốt nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các phong trào thi đua được tổ chức với hình thức và nội dung phong phú, nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn liền với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ việc tổ chức tốt các phong trào đã phát huy được tính lao động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lao động và quần chúng nhân dân, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực.

Trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp với các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân thi đua làm giàu, thi đua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm nông nghiệp và tiết kiệm chi phí sản xuất. Người dân ở các địa phương đã chú trọng đến việc sử dụng cơ giới hóa với các loại máy chủ đạo như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động. Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, dần khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá có hiệu quả. Thi đua trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng tạo nên bộ mặt nông thôn tỉnh ta ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội.

Trong các tổ chức công đoàn, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với sự ra đời của nhiều sản phẩm trí tuệ tập trung vào những nội dung như cải tiến máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, thay thế phụ tùng nhập ngoại, sử dụng vật tư tại chỗ, tiết kiệm điện năng nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực được tặng thưởng các danh hiệu cao quý trong các phong trào thi đua yêu nước.
Nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực được tặng thưởng các danh hiệu cao quý trong các phong trào thi đua yêu nước.

Ở khối trường học, hoạt động thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được đẩy mạnh, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học. Hoạt động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào công tác khám, điều trị cho người bệnh của ngành Y tế đã có chuyển biến đáng mừng. Nhiều kỹ thuật cao được triển khai ở các bệnh viện như: kỹ thuật nội soi cắt đốt u xơ tiền liệt tuyến, phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận, tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser, phẫu thuật thay khớp háng, kết hợp xương cột sống, phẫu thuật chấn thương sọ não, phẫu thuật kết hợp xương ở các vị trí phức tạp... và các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Từ đó đã cứu chữa cho rất nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo, mang lại niềm tin trong quần chúng nhân dân...

Để triển khai có hiệu quả công tác thi đua-khen thưởng, thời gian qua, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, chính quyền và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh trong việc quán triệt các văn bản của Trung ương và ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Nhằm tạo sức lan tỏa trong mỗi đơn vị, địa phương về việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, kịp thời chuyển tải đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tầng lớp nhân dân về  chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng, phát huy cổ vũ, biểu dương kịp thời những cách làm hay, mô hình mới, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực.

Chất lượng khen thưởng ở các cấp, các ngành được nâng lên. Việc khen thưởng đột xuất, khen thưởng cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất ngày càng được chú trọng. Trong năm 2013, toàn tỉnh có 61 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, 411 tập thể được tặng thưởng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; 19 đơn vị được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 227 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 363 tập thể và 805 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 10 tập thể và 09 cá nhân được trao danh hiệu "Doanh nghiệp tiêu biểu" và "Doanh nhân tiêu biểu" của tỉnh.    

“Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, năm 2014, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Quảng Bình đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm, lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến chiến thắng Điện Biên phủ và 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình” từ 22-12-2013 đến 11-6-2014.

Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thi đua ái quốc”; Chỉ thị 39-CT/W ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, đồng thời, tuyên truyền sâu rộng tới đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; quá trình hình thành, phát triển địa danh Quảng Bình, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn liền với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt nhằm huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, từng bước hoàn chỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Toàn tỉnh đẩy mạnh nhiều hoạt động để thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp bách khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...

Để thực hiện tốt các phong trào, tỉnh chú trọng thực hiện các mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để  huy động, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia hưởng ứng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực phù hợp với từng ngành, nghề lĩnh vực và tình hình thực tế của mỗi đơn vị, địa phương nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện thắng lợi các nội dung thi đua và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

P.V