.

Quy chế phát ngôn báo chí: Những vấn đề cần quan tâm

Thứ Tư, 18/12/2013, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Cung cấp thông tin cho báo chí có một vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện quyền tự do báo chí,quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy vai trò của mình là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân.

Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 quy định “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”. Kết luận số 41 ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị đã yêu cầu: Đi đôi với việc tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, cần khẩn trương chấn chỉnh việc cung cấp thông tin cho báo chí Chính phủ quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, những thông tin cần thiết theo quy định cho báo chí và cho xã hội.

Thực hiện các quy định của Luật Báo chí, kết luận của Bộ Chính trị và để đáp ứng tốt hơn công tác thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác cho các cơ quan báo chí, ngày 28-5-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tỉnh ta cũng đã ban hành Quyết định 1884  ngày 20-8-2007, về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Qua 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn báo chí ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định. Đó là: Các đơn vị, cơ quan, địa phương đã cử người phát ngôn ,công tác phát ngôn bước đầu có chuyển biến giúp các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ qua đó thực hiện công tác thông tin tuyên truyền một cách có hiệu quả hơn, bảo đảm vai trò của báo chí trong phản biện, cảnh báo, định hướng dư luận xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Việc duy trì và thực hiện quy chế phát ngôn cho báo chí đã phần nào tạo cơ hội cho báo chí,công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông tin chính thống,hữu ích,tin cậy, chính xác nhất đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Trong quá trình thực hiện quy chế, một số cơ quan nhà nước, đặc biệt là người phát ngôn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan báo chí, phóng viên có được địa chỉ cụ thể để liên hệ, nắm bắt thông tin chính thống từ đó xử lý nguồn tin cho bài viết của mình.

Thông qua thực hiện quy chế của Trung ương, của tỉnh, người dân được cung cấp thông tin qua báo chí về mọi mặt của đời sống, xã hội một cách chính xác nhất từ các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời hiểu thêm về công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thông tin cho báo chí đã đẩy mạnh công tác công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của các đơn vị, cơ quan, địa phương góp phần vào công tác cải cách hành chính.

Phóng viên tác nghiệp.  Ảnh: T.H
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: T.H

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát ngôn và cung cấp cho báo chí ở tỉnh ta còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, đó là: Việc triển khai thực hiện quy chế còn chậm,nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc trong việc thông tin qua họp báo, trả lời báo chí, chưa  cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử. Người phát ngôn không thể tường tận mọi vấn đề của cơ quan, tổ chức và việc phối hợp các cơ quan liên quan chưa tốt nên người phát ngôn bị động, một số thông tin nhạy cảm, nhất là các vụ việc tiêu cực có tác động lớn đến xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thời sự của thông tin.

Vẫn còn một số cơ quan đơn vị, địa phương né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí hoặc cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức. Một số cơ quan, địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc hoặc trả lời những vấn đề liên quan đến địa phương mình. Nhiều địa phương, đơn vị chưa có thói quen họp báo, chưa  chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nếu có tổ chức họp báo thì cũng không biết chọn lọc thông  tin báo chí cần. Việc họp báo thường trở thành báo cáo công việc đã làm, ít giành thời gian giải đáp thắc mắc, trả lời câu hỏi của nhà báo. Người phát ngôn đều kiêm nhiệm, nắm chưa rõ hoặc chưa am hiểu về lĩnh vực báo chí, lại chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nên còn nhiều lúng túng, e dè trong việc cung cấp thông tin.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và đáp ứng việc cung cấp thông tin cho báo chí trong tình hình mới, ngày 4-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 25/2013/QĐ-TTg ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. UBND tỉnh Quảng Bình ngày 25-10-2013 đã có Quyết định số 23/2013 ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh.

Điểm mới trong quy chế của Chính phủ và tỉnh là: Quy định rõ hơn về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đó là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên gọi là người phát ngôn; trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn, gọi là người được ủy quyền phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao; việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản. Ngoài công bố họ tên và chức vụ của người phát ngôn quy chế mới còn bổ sung thêm số điện thoại, địa chỉ e-mall của người phát ngôn bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.

Về việc cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều người trong cơ quan hành chính nhà nước đã hiểu sai, cho rằng việc cung cấp thông tin cho báo chí chỉ thuộc về trách nhiệm của người phát ngôn, còn những người khác thì không có trách nhiệm này. Cách hiểu này không đúng với pháp luật và ít nhiều gây khó khăn cho nhà báo trong tiếp cận thông tin “Công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí và nhà báo”.

Việc các cá nhân, kể cả cơ quan nhà nước đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và đã được quy định trong Luật  Báo chí. “Công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí và nhà báo”. So với quy chế cũ, quy chế lần này rút ngắn thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin, cụ thể là đối với cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên cổng thông tin điện tử, ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

Đối với phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất bất  thường thì người phát ngôn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí chậm nhất là một ngày kể từ khi vụ việc xảy ra. Đối với quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong đó quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kể cả khi ủy quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tổ chức chỉ đạo, chuẩn bị các thông tin, xem xét hỗ trợ kinh phí.

Về những trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, ngoài các nội dung cũ nay bổ sung thêm "các vụ việc trong quá trình thanh tra, nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo, những vấn đề tranh chấp mâu thuẫn giữa các cơ quan đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được cung cấp thông tin cho báo chí".

Một trong những điểm mới của quy chế là phân định trách nhiệm rõ của cơ quan báo chí, nhà báo và người phát ngôn người được ủy quyền phát ngôn đối với nội dung thông tin. Quy chế cũng quy định khung trong  xử lý vi phạm tùy theo mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian tới được tốt, cần phải thực hiện các giải pháp sau đây:

Các cơ quan hành chính nhà nước cần có người phát ngôn chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin. Cần nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng các buổi họp báo, nâng cấp và cập nhật thường xuyên thông tin trên Website của cơ quan để cơ quan báo chí tìm hiểu khai thác thông tin.

Việc cung cấp thông tin cho báo chí cần bảo đảm tính kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện, tránh hiện tượng nói một chiều chỉ có lợi cho cơ quan đơn vị cung cấp thông tin.

Đẩy mạnh phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, người  phát ngôn, cơ quan báo chí để việc trao  đổi cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất bất thường của hai bên được chính xác, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị nên có đường dây nóng để trong trường hợp khẩn cấp báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thập thông tin kịp thời, chính xác...

Đối với cơ quan báo chí, cần nắm rõ và thực  hiện tốt quy chế, cần có sự kiểm chứng thông tin tránh thông tin sai sự thật.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải giám sát, đôn đốc việc thực hiên nghiêm túc quy chế, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ người phát ngôn nhằm trang bị kiến thức về nghề báo, kỹ năng tiếp xúc trả lời báo chí cho người phát ngôn để họ nắm bắt, chia sẻ thông tin cho báo chí.

Minh Hải
(Sở Thông tin và Truyền thông)