.

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và những kỷ niệm về Đại tướng

Thứ Hai, 14/10/2013, 17:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi tìm về xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) gặp Anh hùng thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Huế, người từng vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Căn nhà nhỏ nằm trên dốc đóng cửa im lìm, gọi cửa mãi bà mới bước dậy, vẻ mặt buồn rười rượi, đôi mắt hốc hác. Bà bảo, hôm qua nghe các anh ở Hội Cựu chiến binh huyện báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất rồi, tui bần thần, người rũ rượi cả đêm không ngủ, những kỷ niệm với Đại tướng cứ ùa về...

Người anh hùng gan góc trên tuyến lửa 12A năm nào đã chứng kiến không ít sự hi sinh của đồng đội, của người chồng thân yêu... Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sự mất mát với bà như là lẽ thường của tạo hóa. Vậy mà khi cầm tờ báo Quảng Bình, số đặc biệt ngày 7.10 đăng tải những thông tin về sự ra đi của Đại tướng, khóe mắt người anh hùng đã chai sạn vì khói bom vẫn không kìm được những giọt nước mắt thương nhớ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt đoạn liên tục bởi tiếng nấc không thành lời khi nhắc về những kỷ niệm cùng Đại tướng...

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế ngắm nhìn ảnh Đại tướng đăng tải trên Báo Quảng Bình ngày 7-10 và nhớ lại những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế ngắm nhìn ảnh Đại tướng đăng tải trên Báo Quảng Bình ngày 7-10 và nhớ lại những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Tháng 1.1967, sau khi tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội, Đại tướng mời đoàn Quảng Bình về nhà chơi. Lúc đó đoàn có 11 anh hùng cùng Thường vụ Tỉnh ủy, tui là người trẻ nhất (bà được phong anh hùng khi mới 24 tuổi)  nên khi nghe từng người báo cáo thành tích lao động, chiến đấu... Đại tướng hỏi thăm hoàn cảnh, động viên từng người và gọi yêu là “ nhóc con”.

Lần đầu tiên được gặp Đại tướng, tui cùng anh chị em trong đoàn hồi hộp lắm nhưng khi gặp nói chuyện cùng người ai cũng vui vẻ thoải mái. Ở nhà Đại tướng mà như ở nhà mình, cảm giác gần gũi thân thiết như người con, người em nói chuyện với người cha, người anh trong gia đình. Đại tướng mời kẹo và bóc cho từng người trong đoàn. Đại tướng căn dặn cả đoàn: “Quảng Bình đã anh hùng rồi, đã hai giỏi rồi thì càng phải phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống quê hương hai giỏi”. Lời dặn của Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, ai cũng sục sôi khí thế thi đua lao động sản xuất, chiến đấu. Sau đó đoàn về Quảng Bình, còn tui được Trung ương Đoàn giữ lại báo cáo thành tích sản xuất và chiến đấu cho các đơn vị trên toàn miền Bắc.

Những lần sau đó, tui được gặp và trò chuyện cùng Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà nhiều và mỗi lần như thế tui càng thêm khâm phục tài năng, đức độ của Người.  Trước khi rời Hà Nội, Đại tướng gọi lên dặn: “Đảm việc nước rồi phải đảm việc nhà nữa. Cố gắng lên, sản xuất cho giỏi, chiến đấu cho giỏi”. Những lời dặn ân cần của Đại tướng là nguồn động viên vô cùng to lớn giúp tui vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống...".

Năm 2005, bà cùng đoàn cựu thanh niên xung phong miền Bắc vô thăm miền Nam, trước khi đi đoàn đến thăm chúc sức khỏe Đại tướng tại nhà riêng.

Gần 40 năm gặp lại, “Kim Huế à, khỏe không, bữa ni răng rồi?” câu đầu tiên Đại tướng hỏi. Người anh hùng thanh niên xung phong nay đã lên chức bà bỗng hóa thành “con nhóc” năm nào:

- “Thưa Đại tướng phu nhân mô rồi ạ?”

- “Chị mi mới đi mổ ruột thừa về đó”, Đại tướng nói.

Bà Đặng Bích Hà bước ra bên cửa, ôm chầm lấy: “Kim Huế, răng già dặn, gầy gò rứa, khổ lắm hả em?” Tui hiểu rằng đã từ lâu, gia đình Đại tướng coi mình như người thân trong gia đình...

Đối với tui, Đại tướng như một người Cha, một người Anh lớn. Biết Đại tướng tuổi cao, chuyện tử sinh là lẽ thường không ai tránh được, nhưng khi nghe tin Đại tướng mất tui không khỏi bàng hoàng, có một cái gì đó hụt hẫng, chới với như mất đi một người thân, mất đi một chỗ dựa...

Trong căn nhà nhỏ còn in dấu tích của cơn bão số 10, người nữ anh hùng lặng lẽ lần giở từng trang ký ức về Đại tướng và bão lòng đã nổi...

Xuân Phú