Ngày xuân nhớ về Pác Bó

Cập nhật lúc 10:34, Thứ Năm, 07/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đất nước đang rộn ràng đón Xuân Quý Tỵ, mừng Đảng quang vinh 83 năm thành lập. Trong sắc màu tươi thắm của mùa xuân, tôi nhớ về bao kỷ niệm. Mùa xuân năm 2011, trong lần tham dự hoạt động của Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội khoá XII, tôi may mắn được về thăm Pác Bó- Khu di tích lịch sử cách mạng, địa danh nằm trong dãy cánh cung đông bắc với  núi non trùng điệp, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Pác Bó nằm sát biên giới Việt- Trung, cách Hà Nội khoảng 300 km về phía Bắc. Nơi đây mùa xuân Tân Tỵ 1941 ghi đậm dấu ấn ngày tháng đầu tiên, khi Bác Hồ sau hơn 30 năm bôn ba bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Về thăm Pác Bó, ta một lần soi mình vào dòng suối Lê-nin xanh trong, như thấy Bác Hồ đang ngồi làm việc trên bộ bàn ghế đá bên bờ suối, ngước nhìn ngọn núi Các Mác xanh thẳm vươn cao. Đi theo con đường ven suối vào hang Cốc Bó, thấy trên vách đá nét chữ Bác Hồ  đề:  Ngày 8 tháng 2 năm 41-  dấu mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Nhìn những tấm biển chỉ dẫn gắn trên vách núi, đặt bên phiến đá cạnh bờ suối, gắn vào thân cây giúp ta hiểu thêm những kỷ niệm về một thời hoạt động của Bác Hồ kính yêu. Vào hang Cốc Bó lòng ta xúc động, bồi hồi lặng nhìn chỗ Bác đã hàng ngày ngồi viết sách. Bàn: hòn đá cao, ghế: hòn đá thấp; thấy chỗ Bác nằm đơn sơ bằng ván gỗ. Được dừng chân ngắm gốc ổi vững vàng bên khe đá, năm xưa Bác thường lấy lá ổi thay chè đun uống, thăm nơi Bác ngồi câu cá sau giờ làm việc; thăm lán Khuổi Nặm, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám đề ra những quyết sách lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nghe giới thiệu về bản Cò Rạc, làng Khuổi Nặm... những nơi Bác  trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp của Trung ương, càng hiểu thêm và quý trọng tình cảm của nhân dân nơi đây với Bác trong những ngày gian khó.

Về Pác Bó được hiểu thêm lịch sử và văn hoá vùng đất Cao Bằng, có khe Khuổi Nặm, có dòng Bằng Giang, có suối Giàng, có thác Bản Giốc ngân vang nhạc nước rung động lòng người... Nhớ về thời kỳ cách mạng gian khó nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Phong cảnh non nước Pác Bó thật hùng vĩ và hữu tình. Men theo bờ suối Lê-nin, đi trên chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng Khuổi Nặm, vào hang Cốc Bó ta lắng nghe tiếng nước róc rách như khúc nhạc vui hoà với tiếng chim hót trên vòm cây xanh mát. Về Pác Bó, trở về cội nguồn cách mạng, từ trong sâu thẳm tâm hồn, nhắc ta luôn tự hào về quê hương đất nước.        

Đến Cao Bằng, vào khu lưu niệm Pác Bó vừa được xây trên đồi cao lộng gió, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước anh linh Người, nhớ về một thời gian khó Bác Hồ từng ở và làm việc trong những ngày đầu về nước. Trở về Pác Bó cội nguồn cách mạng, chúng ta nguyện sống và làm việc tốt hơn, xứng đáng với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ ông cha, càng tự hào về những thành quả nhân dân ta giành được trong thời đại Hồ Chí Minh. Về Pác Bó, hiểu thêm lịch sử của dân tộc, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.

Trong lần về Pác Bó có một kỷ niệm khó phai trong tôi, đó là khi vào gian hàng lưu niệm trong ngôi nhà bên suối Lê-nin, anh bạn ở Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng giới thiệu cho tôi tập sách: "Những vần thơ Pác Bó" của nhiều tác giả, do Hội Nhà văn xuất bản năm 2009. Lướt qua mục lục gặp bài thơ "Từ đất lửa Quảng Bình". Giữa đất thiêng Pác Bó tình cảm trong bài thơ tác giả viết ngày 26-3-1971 sao thân thương đến lạ. Đọc từng câu chữ  càng xúc động hơn khi 40 năm trước nhà thơ Hữu Ái đã nói lên tình cảm của người dân Quảng Bình đối với Bác. Câu mở đầu làm tôi xúc động hơn "Con từ đất lửa Quảng Bình..." Dù chưa một lần gặp anh nhưng lòng tôi trào dâng sự đồng cảm lạ thường. Cảm ơn anh đã đến, Pác Bó nói lên tình cảm của Quảng Bình đối với Bác kính yêu.

Lúc Hữu Ái viết bài thơ,  nhân dân đất lửa Quảng Bình đang dâng lên Bác vườn hoa "Hai giỏi"... Điều càng làm tôi tự hào và xúc động hơn khi đọc kỹ tập thơ. Với 89 bài thơ in trong tập có bốn bài  của Bác viết về Pác Bó và 85 bài của những cảm xúc từ trong sâu thẳm tâm hồn ca ngợi công lao trời biển của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi cảnh đẹp của Pác Bó hùng vĩ. Trong đó Quảng Bình có nhà thơ Hữu Ái và nhà thơ Văn Lợi.

Hôm nay giữa mùa xuân đất nước, nhớ về Pác Bó lòng ta nhớ Bác khôn nguôi. Càng nhớ Bác kính yêu, mỗi người dân Việt Nam nguyện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", mỗi ngày làm một việc tốt, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam  "Ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn" như Bác từng mong muốn.

                                                                                           Lê Huấn

 

,
.
.
.