.

Mô hình "Mỗi hố rác, một cây xanh": Làm "mới" bộ mặt nông thôn

Thứ Bảy, 19/08/2017, 09:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào cuối năm 2014. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của hội viên Hội Phụ nữ xã Hoàn Trạch trong việc triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” mà tiêu biểu là mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”.

“Mỗi hố rác, một cây xanh” là mô hình được Hội Phụ nữ xã Hoàn Trạch triển khai, phát động đến các cấp hội cơ sở từ năm 2013, nhằm nâng cao vai trò của chị em trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thiên nhiên xanh-sạch- đẹp.

Chị Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàn Trạch cho biết, trước đây do rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều và thói quen của người dân còn vứt rác bừa bãi nên tiêu chí môi trường được xem là tiêu chí khó ở các xã vùng nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, Hội Phụ nữ xã đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể vận động hội viên đào hố ngay tại góc vườn để phân loại và xử lý rác. Rác hữu cơ thì đem đốt để làm phân bón còn rác vô cơ thì tập kết về địa điểm theo quy định để tiêu hủy. Cứ hố này đầy lại đào tiếp hố khác. Vì thế, nên ban đầu, mô hình này có tên gọi “Hố rác góc vườn”. “Hố rác góc vườn” trở thành một trong những tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa.

Sau một thời gian thực hiện có hiệu quả mô hình “Hố rác góc vườn”, Hội Phụ nữ Hoàn Trạch đã tiếp tục vận động hội viên trồng cây xanh trên mỗi hố rác. “Hố rác nào đầy sẽ được trồng trên đó một cây xanh phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng và điều kiện từng hộ gia đình, đó có thể là cây ăn quả, cây bóng mát hay cây cảnh và cũng có thể là những vườn rau xanh... Và tên gọi “Mỗi hố rác, một cây xanh” cũng ra đời từ đó.

Đến nay, mô hình này cũng đã triển khai được gần bốn năm. Ngay từ những ngày ban đầu, nhận thấy ý nghĩa của mô hình nên 100% hộ gia đình ở xã Hoàn Trạch đều tham gia thực hiện. Không chỉ làm cho vườn cây thêm xanh tốt, mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh” còn góp phần quan trọng trong việc làm sạch, đẹp đường làng, ngõ xóm, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn xã.

Sau khi mỗi hố rác được lấp đầy, chị Hoàng Thị Văn lại trồng lên đó một cây chuối.
Sau khi mỗi hố rác được lấp đầy, chị Hoàng Thị Văn lại trồng lên đó một cây chuối.

Theo chân chị Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàn Trạch đến thăm mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh” của chị em hội viên xã Hoàn Trạch, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước thành quả mà các chị gặt hái được. Những góc vườn tùy theo mùa đều được phủ xanh bằng cây xanh, như: ổi, chuối... Trước đó, ngay dưới góc những cây xanh này là những hố rác.

Chị Hoàng Thị Văn, hội viên phụ nữ xã Hoàn Trạch là một trong những hộ thực hiện hiệu quả mô hình này. Trong khu vườn rộng vài trăm m2, hiện chị trồng chuyên canh cây ổi. Phía sau nhà dùng trồng chuối. Chị Văn cho biết, nơi trồng chuối hiện tại trước đây từng là những hố rác. Sau khi được vận động thực hiện mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”, chị đã thực hiện và thấy hiệu quả ngay.

“Rác trong hố rác thường là rác hữu cơ. Rác vô cơ thì đã được phân loại để thu gom đưa đến nơi tập kết. Với rác hữu cơ này, sau khi đầy sẽ đốt tạo thành chất dinh dưỡng cho cây trồng”, chị Văn kể. Gia đình chị Văn còn trồng thêm ổi để tận dụng phân tro từ các hố rác thải. Ổi và chuối đều là những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao lại khá được ưa chuộng nên rất dễ bán. Không những thế, cũng theo chị Văn, từ ngày triển khai mô hình này, vườn nhà chị sạch sẽ hẳn. Rác luôn được bỏ đúng nơi quy định.

Chị Bé cho biết thêm, không chỉ có gia đình chị Hoàng Thị Văn mà nhiều chị em hội viên đã tận dụng phân tro từ các hố rác thải để trồng rau, trồng cây ăn quả quy mô lớn đem lại thu nhập cao cho gia đình. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giúp các chị em phụ nữ, đặc biệt là các hộ hội viên nghèo nâng cao nguồn thu nhập bền vững, cải thiện đời sống, mà còn mở rộng không gian xanh, giữ gìn môi trường sống tại địa phương.

Chị Trần Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch khẳng định, “Mỗi hố rác, một một cây xanh” là một mô hình hay đem lại hiệu quả lớn trong việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Sau thời gian thực hiện mô hình trên địa bàn toàn xã, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt. Qua đó, thay đổi được tư duy, ý thức của người dân trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe cho gia đình, cho cộng đồng.

Hiện tại, mô hình “Mỗi hố rác, một một cây xanh” đang được nhân rộng tại một số xã trên địa bàn huyện. Mô hình này sẽ góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải tại nông thôn, nhất là những nơi chưa có tổ thu gom rác thải.

Lan Chi