.

Sinh ra để làm trưởng bản

Chủ Nhật, 02/07/2017, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngồi trò chuyện cùng tôi trong căn nhà sàn thoáng mát bên dòng Đại Giang, Hồ Hơn- người con Vân Kiều ưu tú của bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh nửa đùa nửa thật: “Có lẽ cái số tao sinh ra là để làm trưởng bản, cán bộ ạ!”- Hồ Hơn bấm đốt ngón tay tính - “Đúng 30 năm… bằng nửa đời người, tao ăn cơm nhà, lo việc bản làng!”.

Con đường bê tông phẳng lỳ khởi đầu từ chân cầu Long Đại chạy dọc bờ bắc dòng Đại Giang dẫn tôi đến bản Lâm Ninh. Thật ra bản cũng chẳng xa lạ gì đối với tôi, nhưng cứ cách biệt chừng một năm trở lại, thấy bản có nhiều đổi thay, cái đói nghèo ngày xưa dần lùi xa, hiện hữu là sự no ấm, an bình. Để có một bản Lâm Ninh “đỏ da thắm thịt”, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Vân Kiều được triển khai. Nhưng để giúp bản Lâm Ninh vững vàng trên con đường xóa đói, giảm nghèo bền vững còn có những tấm gương tiên phong, như già làng Hồ Thao, nguyên Bí thư chi bộ bản và trưởng bản Hồ Hơn...

Câu chuyện Hồ Hơn làm trưởng bản Lâm Ninh rất đỗi bình thường, có chút hồn nhiên như nếp nghĩ của đồng bào Vân Kiều, ông kể: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tao đã là thôn đội trưởng rồi, làm cái chức này từ năm 1970 đến năm 1982. Hồi đó đang trẻ, năng nổ, nhiệt tình..., cấp trên giao nhiệm vụ gì, cái bụng thầm hứa đều phải hoàn thành. Năm 1984, tao chính thức nhận chức trưởng bản. Từng đảm nhận thêm Bí thư chi bộ bản ba nhiệm kỳ; đại biểu HĐND xã Trường Xuân ba nhiệm kỳ. Nhiều lần tao đề nghị lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện cho tao “nghỉ hưu” nhưng chẳng ai đồng ý. Cán bộ lãnh đạo nói Hồ Hơn thôi chức trưởng bản, đốt đuốc tìm trong bản Lâm Ninh cũng chẳng có ai thay thế. Được bà con dân bản tín nhiệm, động viên nên tao cố gắng, khi nào cái chân mỏi, đầu gối chùng thì tao giao lại cho thế hệ trẻ, về làm già làng như Bí thư Hồ Thao”.

Trưởng bản Hồ Hơn trò chuyện cùng bà con trong bản Lâm Ninh
Trưởng bản Hồ Hơn trò chuyện cùng bà con trong bản Lâm Ninh

Hơn 30 năm làm trưởng bản, Hồ Hơn nắm rõ tình hình kinh tế- xã hội của bản Lâm Ninh như trong lòng bàn tay. Nhà nào thuộc diện hộ nghèo? Nhà nào có người hay ốm đau? Hộ gia đình nào khá giả, làm được nhiều lúa, trồng nhiều rừng, nhiều trâu bò, lợn gà... Hồ Hơn nằm lòng. Bởi thế, làm việc với Hồ Hơn, hỏi ông mọi ngõ ngách về đất và người bản Lâm Ninh, ông đều cung cấp đầy đủ, không cần phải lật sổ sách, tìm báo cáo.

Bản Lâm Ninh là nơi định cư của 50 hộ, 189 khẩu đồng bào Vân Kiều. Tại xã miền núi Trường Xuân, Lâm Ninh là một trong ba bản Vân Kiều trồng được lúa nước (hai bản còn lại là Khe Dây và Khe Ngang). Lúa nước ở bản Lâm Ninh trồng hai vụ, diện tích 5,1ha; bình quân mỗi hộ gia đình có 2 sào ruộng. Vụ đông- xuân năm 2016-2017, năng suất lúa tại bản Lâm Ninh đạt 57tạ/ha, vượt 8 tạ/ha so với năng suất bình quân chung toàn xã (49 tạ/ha). Ngoài lúa nước, cả bản sở hữu 200 con trâu bò; 216 ha rừng trồng; bảo vệ 190 ha rừng phòng hộ. Riêng lợn, gà thì rất nhiều, nhà nào cũng nuôi.

Hồ Hơn bảo, kinh tế vững nhất trong bản Lâm Ninh là gia đình già làng Hồ Thao, nguyên Bí thư chi bộ bản, và Bí thư chi bộ bản hiện tại Hồ Ngãi. Khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào Vân Kiều trong bản, vợ chồng ông Hồ Thao quyết định nhận 10 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Ngoài các loại cây tràm hoa vàng, bạch đàn, cây dó trầm..., Hồ Thao còn chăn nuôi thêm trâu bò, lợn thịt, gà, vịt, nuôi ong lấy mật... tăng thu nhập, vươn lên thành hộ giàu. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình Hồ Thao thu lãi cả trăm triệu đồng.

Đồng bào Vân Kiều bản Lâm Ninh đã biết áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Đồng bào Vân Kiều bản Lâm Ninh đã biết áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Vợ chồng Hồ Hơn có với nhau 8 mặt con. Các con nay trưởng thành được bố mẹ dựng vợ, gả chồng và đã ra riêng. Bây giờ, trong ngôi nhà sàn bên dòng Đại Giang chỉ còn lại hai người già sống cùng nhau. Tuổi cao, chí càng cao, ngoài công việc chung của bản, vợ chồng Hồ Hơn vẫn cố gắng bảo đảm cuộc sống gia đình. Gia đình Hồ Hơn sở hữu 5 ha rừng trồng keo, tràm, bạch đàn; 4 con trâu, trên 100 con lợn, gà, vịt... “Mình phải no cái bụng, kinh tế vững vàng mới giúp cái miệng mạnh nói, nói đồng bào mới nghe”- Hồ Hơn chia sẻ.

Quá nửa đời người làm trưởng bản, Hồ Hơn chứng kiến bao nỗi thăng trầm, nhọc nhằn của dân bản mình. Lâm Ninh ngày xưa nghèo khổ, đau ốm, bệnh tật, hủ tục, lạc hậu đeo bám quanh năm suốt tháng. Bây giờ, Lâm Ninh trở thành bản văn hóa tiêu biểu ở xã Trường Xuân, điện- đường- trường- trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, bền vững. Đập Phú Bài, hồ nước ví như nguồn sữa mẹ giúp bản Lâm Ninh không còn khô khát. Công trình đập Phú Bài được UBND huyện Quảng Ninh đầu tư cải tạo, nâng cấp, đồng thời khơi thông hệ thống nước sạch tưới tiêu cho đồng ruộng của bản và cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho hộ dân trong bản. Tổng mức đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch tại bản Lâm Ninh trên 4 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2015.

Tâm sự với tôi trước lúc chia tay, Hồ Hơn bảo: “Tao cố gắng phát huy vai trò trưởng bản đến năm 2020, sau đó thì “nghỉ hưu”. Nửa đời người cống hiến cho bản làng như thế cái bụng, đã yên rồi, cho lớp trẻ sau này kế thừa và phát huy. Cũng nhắm được vài người tiêu biểu trong bản để giới thiệu cho xã Trường Xuân. Khi nào lớp trẻ lên, làm việc cứng, tao thanh thản về với con cháu, chăm lo kinh tế gia đình, rứa là hạnh phúc. Cán bộ cứ tin đi, vào năm sau trở lại, Lâm Ninh sẽ khác xa bây giờ”.

Thanh Long