.

Trở lại bản Lòm

Chủ Nhật, 07/05/2017, 11:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong đợt lũ cuối năm 2016, để vào được bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, chúng tôi đã vô cùng vất vả để vượt qua con đường lầy lội, đất đá ngổn ngang... Giờ đây, trở lại bản Lòm, tuyến đường này đã được thông, nhưng đời sống của bà con dân bản vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Những ngày sống trong cô lập

Tuyến đường vào bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa dài khoảng 23km nối từ Quốc lộ 12A qua 8 bản thuộc xã Trọng Hóa và 2 bản xã Dân Hóa. Trong các đợt mưa lũ cuối năm 2016, nhiều đoạn đường và các cầu cống vào bản bị sạt lở, nước cuốn trôi hoặc núi lở lấp hết cả mặt đường. Đất, đá sạt lở đã gây tắc toàn tuyến từ bản Pa Choong đến bản Lòm, 2 ngầm tràn bê tông bị cuốn hoàn toàn. Riêng đoạn đường từ bản Dộ đến bản Lòm có 3 điểm sạt lở với tổng khối lượng đất đá khoảng 500m3, cuốn trôi hoàn toàn 2 ngầm tràn bằng bê tông tại khe Tà Dong và khe Ka Chăm. Ngoài ra, tuyến đường còn bị chia cắt hàng chục điểm bởi các khe suối. Tình trạng trên đã khiến bản Lòm bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, muốn tiếp cận được bản chỉ có cách đi bộ. Thời điểm đó, cuộc sống của bà con đang rất khó khăn và nhiều hộ có nguy cơ thiếu đói.

Một góc bản Lòm.
Một góc bản Lòm.

Và trong khó khăn đó, bà con bản Lòm nói riêng và xã Trọng Hóa nói chung đã nhận được nhiều sẻ chia của đồng bào, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, trong đó có cả Báo Quảng Bình. Toàn xã đã đón rất nhiều đoàn cứu trợ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác cứu trợ và tiếp nhận cứu trợ gặp muôn vàn khó khăn. Để cứu đói cho bà con, xã Trọng Hóa đã huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ, phối hợp với Bộ đội Biên phòng băng rừng, vượt suối vận chuyển gạo cùng các nhu yếu phẩm ứng cứu kịp thời nên đồng bào không ai bị thiếu đói. Khi lực lượng không thể tiếp cận được, bà con phải đi bộ trên quãng đường hơn 10km ra tận bản Sy để nhận hàng cứu trợ. Bên cạnh đó, lực lượng y tế cũng đã tích cực thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Ngay sau khi lũ rút, tập đoàn Trường Thịnh cũng đã huy động máy móc, nhân lực vào thông tuyến từ quốc lộ 12A đến bản Sy. Riêng đoạn từ bản Sy vào tới bản Lòm đã được huyện Minh Hóa trích ngân sách hàng tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở. Đến cuối tháng 12 - 2016, tuyến đường vào bản Lòm cơ bản được thông suốt cho người và phương tiện qua lại.

Còn lắm gian nan

Chúng tôi trở lại bản Lòm trong những ngày cuối tháng 4. Tuyến giao thông huyết mạch vào bản vẫn còn gập ghềnh mặc dù đã được tu sửa. Những núi đất cao khổng lồ do sạt lở đã được gạt đi, những đoạn đường bị xói mòn được lấp lại, những chiếc cầu bị lũ cuốn trôi đã được làm lại bằng rọ đá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn đường đất đỏ lầy lội khi mưa, bụi bặm khi nắng. Hiện cả bản có 70 hộ dân, 381 nhân khẩu. Trưởng bản Hồ Biên nói: “Dân bản miềng đều thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của bà con quanh năm bám lấy nương rẫy và thu lượm những sản vật trong rừng. Cả bản có vài ha đất trồng sắn, ngô, lúa rẫy nhưng năng suất cũng rất thấp do kỹ thuật canh tác quá lạc hậu, thời tiết không thuận lợi nên thường xuyên mất mùa”.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản Lòm, thiếu tá Phạm Văn Kiên, nhân viên trinh sát Đồn Biên phòng Ra Mai, cũng là đảng viên tăng cường về bản sinh hoạt tâm sự: “Việc phát triển kinh tế cho bản Lòm đang rất khó. Bởi đất đai ở đây chủ yếu là đất rừng phòng hộ nên không thể khai phá. Có một số ít đất lau lách có thể trồng rừng kinh tế, nhưng cũng rất khó triển khai vì công sức vận chuyển quá lớn. Nếu được, Nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí để bà con trồng rừng gỗ lớn thì tốt hơn”. Hàng năm, Nhà nước đều hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nhưng đồng bào thiếu kỹ thuật chăm sóc nên cây con thường bị chết sớm khiến dân bản nhiều lần lâm vào cảnh trắng tay.

Hệ thống điện chạy bằng nước phục vụ cho cán bộ và nhân dân ở bản Lòm.
Hệ thống điện chạy bằng nước phục vụ cho cán bộ và nhân dân ở bản Lòm.

Kinh tế khó khăn dẫn đến các hoạt động chính trị-xã hội khó phát triển. Hiện bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chỉ có một số bà con người Kinh và thầy cô giáo lắp được 4 mô tơ nhỏ dưới khe nước để phát điện chiếu sáng và xạc điện thoại. Trong bản có một điểm trường mầm non và một điểm trường tiểu học cho trên 150 cháu, nhưng chỗ ở của thầy cô vẫn còn rất tạm bợ. Bà con dân bản muốn đi khám bệnh, học sinh cấp 2 đến trường phải đi bộ hơn 5 km ra bản Dộ, còn học sinh cấp 3 phải đi bộ hàng chục km ra quốc lộ 12A đón xe khách mới đến được trường. Thầy giáo Đinh Văn Liêm, người đã có nhiều năm cắm bản gieo chữ cho học sinh bản Lòm cho biết: “Cuộc sống của đồng bào trong bản Lòm hết sức khó khăn, nhận thức của người dân còn thấp nên họ chưa mặn mà đến việc học tập của con em. Vì vậy, nhiều em học sinh trong bản còn hay bỏ học ở nhà, theo cha mẹ đi làm nương rẫy kiếm cái ăn, nên các thầy cô thường phải đến nhà vận động các em tiếp tục đến trường”.

Bí thư chi bộ bản Lòm Hồ Bát trăn trở: “Hiện chi bộ có 5 đảng viên, nhưng có 2 cán bộ tăng cường (gồm bí thư Hồ Bát và thiếu tá Phạm Văn Kiên) và 1 đảng viên miễn sinh hoạt do tuổi quá cao. Vif vậy, chi bộ gặp khó khăn trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Giờ nguồn để phát triển đảng viên cũng đang thiếu nên chưa biết tính sao”. Khó khăn trong công tác xây dựng, phát triển Đảng dẫn đến các hoạt động đoàn thể không mấy hiệu quả. Bản cũng có các tổ chức đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... nhưng chỉ hoạt động cầm chừng...

Những cán bộ Biên phòng, cán bộ xã tăng cường và những thầy cô giáo cắm bản vẫn đang ngày đêm miệt mài tuyên truyền, vận động bà con chống lại đói nghèo, lạc hậu  với niềm tin đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào sẽ được nâng lên trong một ngày không xa...

Xuân Vương