.

Khi nông dân dạy... nông dân

Thứ Tư, 31/05/2017, 10:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban quản lý Dự án SRDP tỉnh tổ chức thành công cuộc thi “Tiểu giáo viên nông dân giỏi vùng mục tiêu Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất”. Cuộc thi đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền đạt cho những “giáo viên” nông dân khi họ là những người trực tiếp dạy lại cho… nông dân.

“Nông dân dạy... nông dân” là mô hình đào tạo nghề được triển khai ở nhiều dịa phương trong cả nước góp phần tạo ra hàng nghìn mô hình sản xuất, kinh doanh thành công của nông dân. Trên thực tế, mô hình này cũng đã xuất hiện ở Quảng Bình những năm gần đây khi những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho những nông dân khác.

Tuy nhiên, việc làm này vẫn còn rất hạn chế, người dạy có kinh nghiệm trong sản xuất còn thiếu, phương pháp truyền đạt vẫn chưa mang lại hiệu quả cao trong khi nhu cầu của người học ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, hầu hết các lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân là do cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn truyền đạt. Lợi thế của đội ngũ cán bộ này là có trình độ chuyên môn, được đào tạo cơ bản tại các trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết những lớp này chỉ truyền đạt các kiến thức về lý thuyết, thiếu mô hình thực tế để tham quan, học tập cũng như thực hành, nên kết quả học chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế đó, Hội Nông dân phối hợp với Ban quản lý dự án SRDP tỉnh tổ chức cuộc thi “Tiểu giáo viên nông dân giỏi vùng mục tiêu Dự án SRDP Quảng Bình lần thứ nhất. Hội thi nhằm khuyến khích, động viên những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có kinh nghiệm, thành công trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, có uy tín với cộng đồng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành những tiểu giáo viên dạy lại cho nông dân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp hiện nay.

Kỹ thuật chăn nuôi bò được các tiểu giáo viên đưa vào cuộc thi “Tiểu giáo viên nông dân giỏi vùng mục tiêu Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất”.
Kỹ thuật chăn nuôi bò được các tiểu giáo viên đưa vào cuộc thi “Tiểu giáo viên nông dân giỏi vùng mục tiêu Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất”.

Hội thi cũng nhằm đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ tiểu giáo viên nông dân, qua đó, giúp các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, số lượng cho đội ngũ này để giúp họ trở thành tiểu giáo viên nòng cốt, tham gia dạy nghề cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Hội thi có 57 thí sinh tham gia vòng sơ khảo. Đây là những nông dân được tuyển chọn từ trên 200 học viên trong 5 lớp đào tạo phương pháp dạy do Dự án SRDP phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thông qua Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức trước đó. Sau vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 10 thí sinh suất sắc nhất tham gia vòng chung kết.

Tại vòng thi này, các thí sinh được ôn luyện tập trung thêm hai ngày, chọn nghề chăn nuôi hoặc trồng trọt để dự thi. Các chủ đề vòng thi chung kết rất đa dạng, như: kỹ thuật trồng ngô lấy thân, lạc thương phẩm, trồng cỏ chăn nuôi, keo lai nuôi cấy mô, canh tác lúa cải tiến SRI, nuôi ong lấy mật, nuôi bò vỗ béo, bò cái sinh sản...

Với những kiến thức từ thực tiễn, các thí sinh đều trình bày tốt phần thi của mình và ban tổ chức đã trao giải nhất cho anh Nguyễn Văn Tuyển, nông dân xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa với bài giảng: kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản. Anh Tuyển phấn khởi nói: “Bài giảng của tôi cũng từ kiến thức thực tiễn mà thôi. Hàng ngày, mình chọn bò để nuôi thế nào, chăm sóc ra sao, khi bò đẻ phải làm gì... thì mình cứ trình bày như thế”.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, một hội viên nông dân xã Cao Quảng cho biết: “Trước đó, tôi thường đến nhà anh Tuyển để học kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản. Anh Tuyển truyền đạt dễ hiểu, dễ nghe và cái quan trọng nhất là tôi được tham quan, học hỏi trực tiếp từ mô hình của anh nên áp dụng vào mô hình của mình thuận lợi”.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, mô hình nông dân dạy nông dân đã và đang phát huy được hiệu quả. Bởi phần lớn giáo viên và người học không cảm thấy có khoảng cách, thậm chí họ còn tìm được tiếng nói chung trong quá trình dạy và học. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc và áp dụng thực hành ngay vào quá trình sản xuất tại nhà đã giúp cho người nông dân tiết kiệm được thời gian.

Anh Đinh Văn Đàn, ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Thời gian qua, tôi cùng nhiều bà con trong xã thường đến mô hình trồng rừng keo lai của anh Lê Anh Xuân để học hỏi (anh Xuân là giáo viên tiểu nông của xã vừa tham gia cuộc thi) và nhận ra mình còn thiếu kiến thức trong trồng rừng. Từ khi được anh Xuân chỉ bảo, tôi đã về trồng keo lai trên đất nhà mình đúng kỹ thuật, nên vườn cây bắt đầu phát triển tốt”.

Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: “Những giáo viên nông dân thường xuất phát từ nông dân giỏi, đã thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế trong gia đình và có uy tín với cộng đồng. Hơn nữa, họ là người địa phương với nhau nên am hiểu phong tục tập quán, có thể truyền đạt cho bà con bằng tiếng của họ, cộng với lòng nhiệt tình nên kết quả giảng dạy đạt cao nhờ yếu tố thực tiễn, kinh nghiệm, lại tiết kiệm được thời gian và chi phí cho nông dân khi học tập. Mô hình cũng rất đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân thông qua việc hướng dẫn thực hành là chính.

Để phát huy mô hình, trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục đào tạo để nhân rộng thêm các giáo viên tiểu nông dân, đào tạo nghiệp vụ sư phạm để nâng cao khả năng, giúp các giáo viên thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy”.

Xuân Vương