.

"Khoảng trống" trong quản lý và chăm sóc người tâm thần - Kỳ 1: Nhức nhối những thảm án thương tâm

Chủ Nhật, 19/03/2017, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta đã có không ít vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng do người tâm thần, rối nhiễu tâm trí hoặc bị hạn chế một phần về nhận thức gây ra. Điều đó không những gây mất trật tự an ninh, mà còn gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng và chính gia đình những đối tượng này.  

Gần đây, dư luận xã hội đã không ít phen rúng động vì những vụ án giết người dã man xảy ra trên địa bàn tỉnh, mà đối tượng gây án chính là những người bị bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí. Cho đến bây giờ, người dân ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) vẫn chưa hết xôn xao và bàng hoàng về vụ giết người xảy ra trên địa bàn xã này vào ngày 27-8-2014. Đặc biệt hơn, đối tượng gây án trong vụ việc này chính là một đối tượng bị chậm phát triển tinh thần mức độ trung bình và đang được hưởng trợ cấp xã hội.

Khoảng 15 giờ ngày 9-2-2014, trong lúc đang chăn bò tại khu nhà ở cũ của công nhân làm đường Hồ Chí Minh, thấy cháu L.T.Q (SN 2002) đứng ở gần đó, Trần Văn Bình (SN 1999) đã đến đòi quan hệ tình dục nhưng không thành. Bị phản ứng quyết liệt, lại sợ cháu Q. mách mẹ, Bình đã sử dụng đá đập vào đầu cháu Q. Hành vi côn đồ hung hãn của Bình đã khiến cháu Q tử vong ngay tại chỗ. Theo kết quả giám định pháp y tâm thần của Trung tâm giám định pháp y tâm thần (Sở Y tế Đà Nẵng), trước, trong và sau khi gây án Bình bị chậm phát triển tinh thần mức độ trung bình (F71), nên bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Xót xa hơn, khi có nhiều vụ, đối tượng tâm thần lại gây ra thảm án với chính những người thân thích, ruột thịt trong gia đình. Tháng 8-2016, người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch bàng hoàng về vụ án mạng cháu giết bà nội xảy ra trên địa bàn xã này, mà người gây án là Cao Anh Quân (SN 1999), cũng là một đối tượng đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội vì bị thiểu năng trí tuệ. Nguyên nhân của vụ việc rất đơn giản, chỉ vì bị bà nội la mắng về tội hay đi chơi, Quân đã bóp cổ, rồi dùng áo siết vào cổ, khiến bà H tử vong. Kết luận giám định pháp y coủa Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực miền Trung cho biết, trước, trong và sau khi gây án, Quân bị chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ (F70), nên bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Điều đáng nói, Quân vốn là một đối tượng nghiện game (trò chơi trực tuyến-PV), thường xuyên trộm cắp tài sản của người khác và đã nhiều lần bị Công an xã Quảng Phú gọi lên răn đe, nhắc nhở.

 Một vụ án mạng do người tâm thần gây ra trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Một vụ án mạng do người tâm thần gây ra trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Không làm chủ nhận thức và hành vi, mỗi khi có sự kích thích, tác động của những mâu thuẫn nhỏ, hoặc sự hoang tưởng, ảo giác, những người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí, hoặc bị hạn chế một phần nhận thức sẽ có những hành vi không thể kiểm soát được bản thân. Và hậu quả để lại sau mỗi vụ việc này là rất nghiêm trọng, nếu như không có sự can thiệp kịp thời. Có lẽ, dư luận chưa hết rùng mình trước vụ án mạng thương tâm xảy ra tại gia đình chị L. T. T (36 tuổi) ở TX. Ba Đồn vào tháng 10-2015, khiến 2 người chết, 2 người bị thương, đối tượng gây án chính là N.V.H (SN 1976). Sau khi đi nhậu về, H sai vợ con đi mua bia mang về nhà để uống tiếp. Tuy nhiên, chị T không nghe theo, sau đó giữa 2 người có lời qua tiếng lại. Tức giận, H đã dùng dao đâm chị T nhiều nhát. Nghe tiếng ồn ào la hét, con trai đầu của hai vợ chồng H là N. H. N (12 tuổi) chạy ra thì bị H đâm 2 nhát sượt mạng sườn. Lúc này, mẹ ruột của H là bà L. T. N (82 tuổi) chạy ra can ngăn cũng bị H đâm liên tiếp vào ngực, cổ và lưng. Sau đó, H dùng dao tự sát. Hậu quả, bà N và H tử vong. Được biết, H có tiền sử bệnh tâm thần. Vì vậy, theo quy định của luật pháp, vụ án này sau đó không khởi tố vì đối tượng gây án đã chết.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), qua thực tế những vụ án do người tâm thần gây ra cho thấy, mỗi khi bị mâu thuẫn kích động, hoặc sử dụng chất kích thích, người tâm thần thường có những hành vi rất bất thường, thiếu kiểm soát, dẫn đến hậu quả đau lòng. Ngay tại thời điểm gây án, những đối tượng này, lại gần như không nhận thức được hành vi và hậu quả do mình gây ra. Nguy hiểm hơn, lúc bình thường, người tâm thần vẫn như bao người bình thường khác. Những năm gần đây, xuất hiện khá nhiều vụ án do đối tượng là người tâm thần gây ra, với đủ các hành vi rất nghiêm trọng, như: giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm... Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi có kết quả giám định bị tâm thần nặng, mất khả năng nhận thức thì vụ án phải đình chỉ, hoặc không thể khởi tố, nên không thể xử lý hình sự. Đối tượng này sau đó, sẽ buộc phải đưa đi chữa bệnh, rồi lại giao về cho gia đình và địa phương quản lý.

Ông Dũng cũng cảnh báo, ngoài những người tâm thần do bẩm sinh, hiện nay còn xuất hiện rất nhiều người bị rối loạn nhận thức, hành vi dẫn đến các hành vi bạo lực, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người khác là do các nguyên nhân từ xã hội, như: nghiện các trò chơi qua mạng, “ngáo đá”, nghiện rượu bia... dẫn đến rối nhiễu tâm trí, ảo giác. Những đối tượng này cũng rất manh động, vì vậy, nếu gia đình và xã hội không nắm bắt, quản lý kịp thời, thì nguy cơ phạm tội cũng rất cao.    

Dương Công Hợp

Kỳ 2: Cần sự chung sức từ cộng đồng