.

Hạn chế việc đốt vàng mã: Cần nâng cao nhận thức của mỗi người dân

Thứ Bảy, 11/02/2017, 14:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, tình trạng người dân mua sắm rất nhiều đồ vàng mã để cúng tế ở chùa hoặc tại nhà vào những ngày lễ trọng đại trong năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội diễn ra khá phổ biến.

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, đồ vàng mã để dâng cúng tổ tiên giờ đây không còn đơn thuần là những bộ quần áo, tiền vàng, như ngày xưa mà gồm rất nhiều thứ: Nhà tầng, ô tô, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, xe máy... Điều đáng nói ở đây là các đồ vàng mã này không hề rẻ một chút nào. Những món cầu kỳ như: nhà tầng, ô tô... giá lên tới vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng, nhưng vẫn được các chủ hộ không tiếc tiền của mua đốt cho người cõi âm.

Cuộc sống đời thường có những gì thì ở các cửa hàng vàng mã có đủ những thứ đó. Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, các hộ gia đình làm vàng mã lại phải tăng ca, tranh thủ làm cả ngày, lẫn đêm mới đủ hàng cung cấp nhu cầu tín ngưỡng của người dân dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Ông Nguyễn Xuân Khanh, chủ cơ sở sản xuất vàng mã ở xã Dương Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Vào những ngày cuối năm, khách hàng đặt mua vàng mã để cúng ông bà, tổ tiên khá nhiều. Hai vợ chồng tôi có khi phải tranh thủ làm cả ngày, cả đêm mà không đủ giao cho khách".

Để hạn chế việc đốt vàng mã, rất cần ý thức của mỗi người dân.
Để hạn chế việc đốt vàng mã, rất cần ý thức của mỗi người dân.

Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, tại Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-7-2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”.

Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” (điểm e, khoản 1, Điều 10) và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang” (điểm đ, khoản 3, Điều 10).

Mặc dù quy định đã có, nhưng thực tế vẫn chưa có người dân nào bị xử phạt, tình trạng mua, bán, đốt vàng mã trong các ngày lễ, Tết vẫn diễn ra rầm rộ. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cửa hàng bán vàng mã ở các chợ, người mua hàng mã rất đông. Nắm bắt được quan niệm của khách hàng “trần sao, âm vậy”, các quày hàng ngoài việc bán các mặt hàng vàng mã truyền thống như: Quần áo, tiền vàng, mũ, ngựa thì năm nay còn đầu tư thêm: Nhà tầng, ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại,... bằng giấy. Còn người mua cũng chọn những món đồ hiện đại nhất để đốt cho ông bà tổ tiên.

Anh Nguyễn Văn Tiến, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, đang lựa chọn các mặt hàng để cúng rằm tháng giêng cho biết: Năm nào chúng tôi cũng mua một ít đồ vàng mã để đốt cho các cụ, không biết các cụ có nhận được không. Nhưng với quan niệm "trần sao, âm vậy", hy vọng các cụ nhận được tấm lòng của con cháu.

Tình trạng biến tướng, lạm dụng quá đà việc đốt vàng mã của một bộ phận người dân không những gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường. Tại những nhà chùa, tro tàn của vàng mã bay khắp nơi làm mất mỹ quan và sự tôn nghiêm nơi cửa phật. Đáng lưu tâm hơn, việc người dân đi giải hạn và cầu may mắn đầu năm vô hình chung đã biến việc đốt vàng mã trở thành một hành động như “hối lộ cõi âm” chứ không còn đơn thuần là báo hiếu với ông bà, tổ tiên.

Vẫn biết rằng để từ bỏ một tập tục đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người là không dễ, nhưng trong thực tế, việc đốt quá nhiều vàng mã trong các dịp cúng lễ, thăm viếng chùa chiền vào dịp đầu năm đang gây lãng phí, tốn kém, nhất là gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mọi tầng lớp nhân dân cần nêu cao ý thức để vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tránh gây lãng phí vô lý.

Phạm Hà